Wednesday, March 23, 2016

Donald Trump - 3

Donald Trump và báo chí Mỹ

Đối với ứng cử viên tổng thống Donald Trump, báo chí Mỹ đi từ chỗ cười cợt xem chuyện ông này tuyên bố tranh cử như trò đùa đến chỗ chế diễu, mạt sát, cãi nhau rồi lên án các tuyên bố của Trump và cuối cùng là lo sợ viễn cảnh Trump thắng cử. Rất ít có các bài viết đi tìm nguyên nhân từ phía một bộ phận không nhỏ cử tri thuộc đảng Cộng Hòa đang hết lòng ủng hộ ông ta.

Mãi đến đầu tuần này mới thấy bài mang tính bình luận của cây bỉnh bút báo New York Times, David Brooks thú nhận: “Cần phải tôn trọng [cử tri Cộng Hòa đã bầu cho Donald Trump]. Những cử tri của Trump là một liên minh những người bị truất hữu. Họ chịu cảnh mất việc làm, mất lương bổng, mất ước mơ. Hệ thống Mỹ không hiệu quả đối với họ, cho nên đương nhiên họ phải đi tìm một thứ khác”.

Quan trọng hơn, Brooks thừa nhận trong chuyện đó có phần lỗi của báo chí: “Nhiều người trong giới truyền thông, đặc biệt là tôi, đã không hiểu được cách họ [tức các cử tri chọn Trump] muốn biểu đạt sự ghẻ lạnh của họ. Chúng tôi cứ trông chờ Trump thất bại bởi chúng tôi không hòa nhập xã hội với những người ủng hộ ông ta và không chịu lắng nghe kỹ. Với tôi, đây là bài học buộc phải thay đổi cách hành nghề nếu muốn tiếp tục viết đúng về đất nước này”.

Thế nhưng dường như đã muộn, vì với Brooks, phần còn lại của bài báo vẫn là cách tác giả chứng minh Trump không xứng đáng làm tổng thống như thế nào. Tác giả vẫn chưa chịu lắng nghe xem thử những người ủng hộ Trump muốn gì chứ bản thân Trump dù thắng cử hay không cũng đã đóng trọn vai trò – buộc chính giới nước Mỹ phải lắng nghe ít nhất là một phần cử tri đang bất mãn để điều chỉnh quan điểm và chính sách.

Nói một cách ngắn gọn nhất thì làn sóng toàn cầu hóa và số hóa đã biến nhiều người thành tỉ phú trong chớp mắt nhưng cũng đã tước đoạt công ăn việc làm của hàng triệu công nhân Mỹ, ép lương của hàng triệu người khác không tăng trong hàng chục năm liền, rồi khủng hoảng tài chính tước mất những khoản tiền dành dụm của hàng triệu người khác. Cái đánh mất lớn nhất của giới thua thiệt này là lòng tự trọng nên giờ phản ứng của họ, kể cả ủng hộ Trump chống dân nhập cư là có thể hiểu được.

Nhưng ở đây điều muốn nói là báo chí đã đánh mất vai trò làm thành trì bảo vệ cho các giá trị dân chủ một cách vừa chủ quan vừa khách quan.

Khách quan mà nói, ví dụ tờ New York Times có chừng 2 triệu độc giả trong khi tài khoản Twitter của Donald Trump có đến 6,7 triệu người theo dõi. Mỗi ngày Trump hay bộ máy phụ việc cho ông viết chừng 20 mẩu tin ngắn, tạo ra một dòng chảy thông tin khá liên tục mà các báo khác lại phải trích dẫn, càng mở rộng độ phủ sóng của Trump. Vậy thì Trump cần gì đến báo chí và thực tế Trump đã xung đột với báo chí Mỹ ngay từ những ngày đầu tranh cử.

Với Twitter và Facebook, báo chí không còn độc quyền vai trò làm cầu nối chuyển tải thông tin. Giờ bất kỳ ứng cử viên nào cũng có thể tiếp xúc trực tiếp với cử tri qua các kênh truyền thông xã hội.

Trong khi thông tin trên mạng xã hội đầy thiên kiến, chủ quan và phiến diện người ta trông chờ báo chí như một bộ lọc giúp họ gạn đục khơi trong, phân định đâu là sự thật thì trong lúc theo chiến dịch tranh cử của Trump, nhiều báo chỉ việc lập lại những thông tin trước đó đã lan truyền trên Twitter hay Facebook chẳng khác gì một cánh tay nối dài cho mạng xã hội chứ không phải đối trọng với mạng xã hội.

Vì thế về mặt chủ quan, lẽ ra báo chí phải là kênh thông tin đáng tin cậy cho quần chúng nhờ tính khách quan, kiểm chứng thông tin, dày công phỏng vấn, điều tra, tìm hiểu ngọn nguồn. Đằng này trong một thời gian dài, chỉ thấy những bài chọc quê Trump hay theo sát chân ông này để tường thuật mọi câu nói, mọi hành vi mang tính câu khách của ông ta cũng vì báo chí hớn hở đăng những tin câu khách như thế. Nhiều tờ báo lớn ở Mỹ, nhất là các đài truyền hình xem Trump như một hiện tượng giải trí hơn là chính trị nghiêm túc.

Chính cây bút bình luận của tờ Washington Post Kathleen Parker từng viết vào những ngày đầu khi Trump ra tranh cử, "Ngắm Donald Trump thiệt hết sức thú vị, chúng ta không chỉ chờ từng lời. Chúng ta ngồi ở mép ghế, chờ lời kế tiếp. Gã này sắp nói gì nữa đây?"

Tờ New York Times tính toán và cho biết Donald Trump được báo chí tặng không 1,9 tỉ đô-la giá trị quảng bá miễn phí khi bất kỳ những gì ông ta nói đều được tường thuật đầy đủ bất kể chúng không có giá trị thông tin gì cả.

Chẳng lạ gì trưởng đại diện tờ Der Spiegel tại Washington, nhà báo Holger Stark trong bài viết“Donald Trump và thất bại của truyền thông Mỹ” đã phải than: Nếu Trump thật sự trở thành ứng cử viên của đảng Cộng Hòa hay, tệ hơn, trở thành tổng thống kế tiếp của nước Mỹ, sự tổn hại cho nền dân chủ sẽ là đáng kể, không chỉ bởi vì nó biến nước Mỹ thành một nước chuyên quyền nhưng nó còn có nghĩa trong cuộc bầu cử này, nguyên tắc giám sát công [thông qua báo chí] và vì thế cả nền dân chủ đã thất bại”.

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...