Friday, March 25, 2016

Luật báo chí, nhà báo và người dân


Nói thêm: Có một bài mới (“Tư nhân và báo chí”) nhưng để TTCT bán báo giấy vài hôm, tuần sau sẽ đưa lên đây. Tạm thời mời đọc một bài cũ, cũng về Luật Báo chí:

Đôi lúc chúng ta tò mò về Luật báo chí khi gặp chuyện phiền phức với một tờ báo nào đó. Một bác sĩ bị trích lời sai lệch, một ca sĩ bị báo bịa chuyện phỏng vấn trong khi chưa hề gặp phóng viên nào, một nhà nghiên cứu bị gán cho những phát biểu gây sốc trên báo… Có lẽ lúc đó mà có Luật báo chí ngay trước mắt để đọc xem luật quy định như thế nào thì hay quá. Ngoài ra, dường như chẳng ai quan tâm đến đạo luật này, trừ giới nhà báo! Nhưng có đúng vậy chăng?

Luật Báo chí và người dân

Có lẽ ít người biết Luật báo chí trao cho người dân những quyền rất lớn để bảo vệ họ trước sự lạm quyền, nếu có, của báo chí. Luật hiện hành (sửa đổi năm 1999) cho phép bất kỳ ai có căn cứ cho rằng báo đăng sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến mình thì hồi đáp và báo phải có nghĩa vụ đăng tải hồi đáp đó. Luật sửa đổi (Quốc hội sắp bàn để thông qua) còn tiến thêm một bước nữa khi khẳng định dù báo không đồng tình với phản hồi đó thì cũng vẫn phải đăng rồi mới được tiếp tục thông tin làm rõ quan điểm của báo.

Thực tế nhiều người bị báo nói sai cũng im lặng cho qua vì không muốn dây dưa với báo chí. Trừ một số ít trường hợp đem nhau ra tòa, nhiều người dùng biện pháp nhờ cơ quan quản lý báo chí can thiệp, nhất là giới có quan hệ tốt như chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước hay có đầy đủ phương tiện để vận động can thiệp.

Chính điều này đã làm méo mó quan hệ giữa người dân và báo chí, phá hỏng một quá trình xây dựng trách nhiệm giải trình của báo chí trước công luận để khỏi rơi vào bế tắc “ai giám sát người đi giám sát”.

Vì vậy, điều nhiều người mong muốn ở Luật báo chí sửa đổi lần này là một sự chế tài, kể cả quy định chi tiết cách kiện ra tòa, để báo chí phải tuân thủ tính chuyên nghiệp, tính nghiêm túc trong đưa tin có ảnh hưởng đến người khác.

Sự chế tài đó hiện thiếu vắng ở dự thảo đang lưu hành vì, ví dụ trong trường hợp nói trên, luật quy định sau ba lần đăng phản hồi qua lại giữa tổ chức, cá nhân và cơ quan báo chí mà không đạt được sự nhất trí thì… thôi, báo có quyền im lặng! Hoặc nghĩa vụ đăng tải phản hồi lại bị vô hiệu hóa bởi một điều luật khác: “Cơ quan báo chí có quyền không đăng, phát ý kiến phản hồi của tổ chức, cá nhân nếu ý kiến đó vi phạm pháp luật, xúc phạm đến uy tín, danh dự của cơ quan báo chí, của tác giả”.

Nói đi thì cũng phải nói lại, cũng may là người dân ít để ý đến Luật báo chí và văn bản dưới luật có liên quan. Hình như ít ai biết có một quy chế, đặt ra quy định “nếu người được phỏng vấn yêu cầu xem lại nội dung trước khi đăng, phát, cơ quan báo chí và người phỏng vấn không được từ chối yêu cầu đó”. Nếu ai cũng biết và đòi hỏi thực hiện yêu cầu này thì xem như báo chí bó tay, không còn những bài phỏng vấn góc cạnh, bất ngờ và độc đáo nữa. Và cũng may, yêu cầu này không có trong dự thảo Luật báo chí sửa đổi.

Như thế, mong muốn của người làm luật để Luật báo chí thể hiện quyền tự do báo chí của công dân, một điểm mới so với luật hiện hành, đã được hiểu một cách rất giản lược. Chẳng hạn đó chỉ là quy định công dân được quyền cung cấp thông tin cho báo chí, được phát biểu trên báo chí, góp ý, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí…

Vì quy định này mà sau đó có những điều luật chắc chắn không khả thi trong thực tế như bắt báo chí phải tiếp nhận và đăng các tin, bài, ảnh của công dân gửi tới, nếu không đăng thì phải có trách nhiệm trả lời. Thực tế không hề đơn giản như thế và tự do báo chí của công dân không chỉ là chuyện viết và đòi báo phải đăng.

Trong khi đó, một biểu hiện của quyền tự do báo chí của công dân là sự tự do biểu đạt suy nghĩ của họ dưới bất kỳ hình thức và phương tiện nào lại không được luật đề cập.

Với sự phức tạp và nhạy cảm của đề tài báo chí như một lãnh đạo trong ngành phát biểu, ít nhất cũng nên nhìn mối quan hệ giữa báo chí và công dân như nói ở phần đầu - tạo ra một hành lang pháp lý mạnh, có chế tài đầy đủ để công dân có mối quan hệ bình đẳng, hai bên cùng tôn trọng nhau, hợp tác với nhau vì sự lành mạnh của xã hội.

Luật Báo chí và nhà báo

Giả định chẳng ai quan tâm đến Luật báo chí, trừ giới nhà báo, hóa ra lại trật lất. Một cuộc thăm dò bỏ túi cho thấy trong mười nhà báo được hỏi, chỉ có hai người đã đọc dự thảo Luật báo chí sửa đổi. Dù số người đã đọc Luật báo chí hiện hành có cao hơn - đến sáu người - nhưng chỉ một người cho biết có tham khảo lại luật khi hành nghề bởi đa số nói luật không liên quan gì đến công việc làm báo của họ cả.

Nhà báo mà lại ít quan tâm đến Luật báo chí có lẽ vì ngoài phần quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân như đã nói thì đây là “luật quản lý báo chí” đúng hơn là “Luật báo chí”. Đúng là các phần liên quan đến quản lý nhà nước như cấp giấy phép, cấp thẻ nhà báo, cách tổ chức cơ quan báo chí… chiếm phần lớn nội dung của dự thảo.

Mà lạ một điều, dự thảo Luật báo chí sửa đổi có những điều khoản sẽ tác động rất lớn đến cách tổ chức cơ quan báo chí như người đứng đầu nay sẽ là tổng giám đốc, giám đốc chứ không phải là tổng biên tập nữa và mỗi cơ quan báo chí sẽ có nhiều tổng biên tập chịu trách nhiệm cho các ấn phẩm khác nhau. Các quy định này cần được thảo luận rộng rãi và sâu sắc để có cách tiếp cận phù hợp và công bằng.

Đó là bởi những điều thực chất hơn, thiết thân hơn trong hoạt động nghề nghiệp không được luật nhắc đến hay nhắc đến một cách sơ sài. Chẳng hạn, hiện nay giới báo chí rất phiền bực chuyện hàng ngàn trang “thông tin điện tử tổng hợp” cứ sao chép nguyên xi các bài viết trên báo đem về làm như của họ. Cứ nghĩ mà xem, một trang tổng hợp như thế, chép từ hàng chục tờ báo chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn bản thân từng tờ báo riêng lẻ.

Vậy là báo chí chỉ biết ngồi nhìn người khác cướp tài sản trên tay về để kinh doanh mà không làm sao ngăn được. Thế nhưng Luật báo chí sửa đổi có giải quyết được việc này không? Không hề. Thậm chí còn khuyến khích các trang thông tin điện tử tổng hợp “trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin báo chí”!

Ở đây xin bàn thêm một điểm. Luật báo chí nguyên thủy năm 1989 nói nhiệm vụ của báo chí là “thông tin trung thực về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới”. Đến khi sửa luật vào năm 1999, điều này được sửa thành “thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân” và đến dự thảo lần này cũng gần như giữ nguyên so với năm 1999 (“thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”).

Với nội dung này, một ông chủ tịch tỉnh hoàn toàn có thể ra lệnh cho báo tỉnh và các văn phòng đại diện báo khác ở tỉnh này không được đăng chuyện ông ra công văn yêu cầu công chức trong tỉnh phải uống bia sản xuất tại tỉnh này. Bởi đăng như thế là có hại đến lợi ích của tỉnh cũng như dân trong tỉnh!

Đã từng có những yêu cầu không đưa chuyện nông dân bị ép giá mua lúa vì sợ nhà nhập khẩu nước ngoài biết, ép thêm; hay chuyện không đưa tin có nơi có lúc bỏ tạp chất vào nông sản xuất khẩu - tất cả đều dưới lý do không phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân. Trong cái nhìn dài hạn, đấu tranh để dứt khoát loại bỏ các tật xấu này đòi hỏi báo chí phải lên tiếng một cách đều đặn, bền bỉ và kịp thời để cái xấu không lan ra.


Trong cuộc sống có hàng ngàn ví dụ như thế mà nhà báo phải đương đầu, cân nhắc hằng ngày. Luật cần giúp cho quá trình này diễn ra bình thường và lành mạnh, khoa học, để luật thật sự đi vào cuộc sống. 

Wednesday, March 23, 2016

Donald Trump - 3

Donald Trump và báo chí Mỹ

Đối với ứng cử viên tổng thống Donald Trump, báo chí Mỹ đi từ chỗ cười cợt xem chuyện ông này tuyên bố tranh cử như trò đùa đến chỗ chế diễu, mạt sát, cãi nhau rồi lên án các tuyên bố của Trump và cuối cùng là lo sợ viễn cảnh Trump thắng cử. Rất ít có các bài viết đi tìm nguyên nhân từ phía một bộ phận không nhỏ cử tri thuộc đảng Cộng Hòa đang hết lòng ủng hộ ông ta.

Mãi đến đầu tuần này mới thấy bài mang tính bình luận của cây bỉnh bút báo New York Times, David Brooks thú nhận: “Cần phải tôn trọng [cử tri Cộng Hòa đã bầu cho Donald Trump]. Những cử tri của Trump là một liên minh những người bị truất hữu. Họ chịu cảnh mất việc làm, mất lương bổng, mất ước mơ. Hệ thống Mỹ không hiệu quả đối với họ, cho nên đương nhiên họ phải đi tìm một thứ khác”.

Quan trọng hơn, Brooks thừa nhận trong chuyện đó có phần lỗi của báo chí: “Nhiều người trong giới truyền thông, đặc biệt là tôi, đã không hiểu được cách họ [tức các cử tri chọn Trump] muốn biểu đạt sự ghẻ lạnh của họ. Chúng tôi cứ trông chờ Trump thất bại bởi chúng tôi không hòa nhập xã hội với những người ủng hộ ông ta và không chịu lắng nghe kỹ. Với tôi, đây là bài học buộc phải thay đổi cách hành nghề nếu muốn tiếp tục viết đúng về đất nước này”.

Thế nhưng dường như đã muộn, vì với Brooks, phần còn lại của bài báo vẫn là cách tác giả chứng minh Trump không xứng đáng làm tổng thống như thế nào. Tác giả vẫn chưa chịu lắng nghe xem thử những người ủng hộ Trump muốn gì chứ bản thân Trump dù thắng cử hay không cũng đã đóng trọn vai trò – buộc chính giới nước Mỹ phải lắng nghe ít nhất là một phần cử tri đang bất mãn để điều chỉnh quan điểm và chính sách.

Nói một cách ngắn gọn nhất thì làn sóng toàn cầu hóa và số hóa đã biến nhiều người thành tỉ phú trong chớp mắt nhưng cũng đã tước đoạt công ăn việc làm của hàng triệu công nhân Mỹ, ép lương của hàng triệu người khác không tăng trong hàng chục năm liền, rồi khủng hoảng tài chính tước mất những khoản tiền dành dụm của hàng triệu người khác. Cái đánh mất lớn nhất của giới thua thiệt này là lòng tự trọng nên giờ phản ứng của họ, kể cả ủng hộ Trump chống dân nhập cư là có thể hiểu được.

Nhưng ở đây điều muốn nói là báo chí đã đánh mất vai trò làm thành trì bảo vệ cho các giá trị dân chủ một cách vừa chủ quan vừa khách quan.

Khách quan mà nói, ví dụ tờ New York Times có chừng 2 triệu độc giả trong khi tài khoản Twitter của Donald Trump có đến 6,7 triệu người theo dõi. Mỗi ngày Trump hay bộ máy phụ việc cho ông viết chừng 20 mẩu tin ngắn, tạo ra một dòng chảy thông tin khá liên tục mà các báo khác lại phải trích dẫn, càng mở rộng độ phủ sóng của Trump. Vậy thì Trump cần gì đến báo chí và thực tế Trump đã xung đột với báo chí Mỹ ngay từ những ngày đầu tranh cử.

Với Twitter và Facebook, báo chí không còn độc quyền vai trò làm cầu nối chuyển tải thông tin. Giờ bất kỳ ứng cử viên nào cũng có thể tiếp xúc trực tiếp với cử tri qua các kênh truyền thông xã hội.

Trong khi thông tin trên mạng xã hội đầy thiên kiến, chủ quan và phiến diện người ta trông chờ báo chí như một bộ lọc giúp họ gạn đục khơi trong, phân định đâu là sự thật thì trong lúc theo chiến dịch tranh cử của Trump, nhiều báo chỉ việc lập lại những thông tin trước đó đã lan truyền trên Twitter hay Facebook chẳng khác gì một cánh tay nối dài cho mạng xã hội chứ không phải đối trọng với mạng xã hội.

Vì thế về mặt chủ quan, lẽ ra báo chí phải là kênh thông tin đáng tin cậy cho quần chúng nhờ tính khách quan, kiểm chứng thông tin, dày công phỏng vấn, điều tra, tìm hiểu ngọn nguồn. Đằng này trong một thời gian dài, chỉ thấy những bài chọc quê Trump hay theo sát chân ông này để tường thuật mọi câu nói, mọi hành vi mang tính câu khách của ông ta cũng vì báo chí hớn hở đăng những tin câu khách như thế. Nhiều tờ báo lớn ở Mỹ, nhất là các đài truyền hình xem Trump như một hiện tượng giải trí hơn là chính trị nghiêm túc.

Chính cây bút bình luận của tờ Washington Post Kathleen Parker từng viết vào những ngày đầu khi Trump ra tranh cử, "Ngắm Donald Trump thiệt hết sức thú vị, chúng ta không chỉ chờ từng lời. Chúng ta ngồi ở mép ghế, chờ lời kế tiếp. Gã này sắp nói gì nữa đây?"

Tờ New York Times tính toán và cho biết Donald Trump được báo chí tặng không 1,9 tỉ đô-la giá trị quảng bá miễn phí khi bất kỳ những gì ông ta nói đều được tường thuật đầy đủ bất kể chúng không có giá trị thông tin gì cả.

Chẳng lạ gì trưởng đại diện tờ Der Spiegel tại Washington, nhà báo Holger Stark trong bài viết“Donald Trump và thất bại của truyền thông Mỹ” đã phải than: Nếu Trump thật sự trở thành ứng cử viên của đảng Cộng Hòa hay, tệ hơn, trở thành tổng thống kế tiếp của nước Mỹ, sự tổn hại cho nền dân chủ sẽ là đáng kể, không chỉ bởi vì nó biến nước Mỹ thành một nước chuyên quyền nhưng nó còn có nghĩa trong cuộc bầu cử này, nguyên tắc giám sát công [thông qua báo chí] và vì thế cả nền dân chủ đã thất bại”.

Tuesday, March 22, 2016

Donald Trump - 2

Hiện tượng Donald Trump

Để hiểu vì sao ứng cử viên Tổng thống Donald Trump lại gây sóng gió cho chính trường Mỹ, nhất là đảng Cộng Hòa của ông ta đến thế, không thể trông chờ vào các bài phân tích trên báo chí dòng chính của Mỹ. Ngay cả các tờ báo lớn cũng viết về Donald Trump với vẻ coi thường, như đang tả một gã hề trên sân khấu của Shakespeare, hoàn toàn không có cơ may thắng cử. Mà lạ một điều, coi thường như thế nhưng tin tức về Donald Trump cứ tràn ngập mặt báo như thể ai nấy đều bị ông này ám ảnh, vừa ghét vừa mê.

Chính cây bút bình luận của tờ Washington Post Kathleen Parker viết, "Ngắm Donald Trump thiệt hết sức thú vị, chúng ta không chỉ chờ từng lời. Chúng ta ngồi ở mép ghế, chờ lời kế tiếp. Gã này sắp nói gì nữa đây?"

Cũng không thể tìm hiểu ở chính những hành động hay phát ngôn của Donald Trump bởi người như ông thời nào cũng có, nước nào cũng có, không nhiều thì ít. Thật ra, gạt các phát ngôn gây sốc của ông ta sang một bên, quan điểm của Donald Trump cũng từng được các ứng cử viên khác của đảng Cộng Hòa phát biểu, từ chính sách chống người nhập cư, chống Obamacare đến chống hôn nhân đồng tính, chống phá thai, chống Trung Quốc – không có gì khác nhau cho lắm.

Nói cách khác, hiện tượng Donald Trump không nằm ở bản thân ông ta – nó nằm ở hàng chục triệu người đang nhiệt tình ủng hộ ông ta – và nếu cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ diễn ra ngay bây giờ, nào ai dám chắc Donald Trump không thắng cử? Hiện nay trong các cuộc thăm dò, Donald Trump dẫn đầu cách xa các ứng cử viên khác của đảng Cộng Hòa.

Vì sao hàng chục triệu người tin vào Trump bất kể nền tảng dân chủ và trí thức của nước Mỹ? Đó mới là vấn đề.

Ví dụ, Donald Trump từng tuyên bố tỷ lệ thất nghiệp "thật sự" của nước Mỹ lên đến 42%. Báo chính thống chỉ cười giễu nhưng vẫn có người dân Mỹ tin Trump mặc dù số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm từ 10% vào năm 2009 xuống 5,3% vào năm 2015. Đó là bởi Trump biết cách đánh vào tâm lý tò mò của người thiếu thông tin, lại dễ bị cuốn vào "thuyết âm mưu" một khi có một khe hở nào đó. Khe hở ở đây là con số 5,3% nói trên không tính những người "thiếu việc làm", tức chỉ làm bán thời gian hay bỏ cuộc, không cố tình tìm việc làm nữa. Tính hết như thế, cộng với những người không đi làm vì nhiều lý do khác nhau như đang đi học, ở nhà làm nội trợ thì có đến 37% người Mỹ trên 16 tuổi (đến 93 triệu người) không tham gia lực lượng lao động của nước này – không xa con số của Trump đưa ra là mấy. Vấn đề là không ai tính tỷ lệ thất nghiệp theo kiểu của Trump cả.

Có lẽ người Mỹ đã chán cách nói "phải đạo" mà chính khách "tử tế" nào cũng phải học cho thuộc. Vì thế trong một khảo sát gần đây nhất khi cử tri được yêu cầu dùng một từ để miêu tả các ứng cử viên, từ được dùng nhiều nhất cho bà Hillary Clinton là "nói dối". Ví dụ, có lẽ nhiều người Mỹ bất mãn thấy dân nhập cư trái phép từ Mexico vào lấy hết việc làm của họ, sẽ thấy không ăn thua gì các biện pháp hạn chế mà các ứng cử viên khác đưa ra. Họ ngược lại sẽ vỗ tay hoan hô khi Trump "chửi" giùm họ rằng dân Mễ vào đây trái phép, đem theo ma túy  và hãm hiếp. Cách nói của Trump khác nào khơi đúng nguồn bực tức và giận dữ của người dân mà do nền tảng giáo dục, tôn giáo, văn hóa, lại không dám bày tỏ bộc tuệch như thế.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo New York Times, Donald Trump tiết lộ: Các ứng cử viên khác, họ thuê người mỗi tháng trả cả 200.000 đô-la chỉ để tư vấn, không nên nói cái này, không nên nói điều kia. Ông dùng sai từ rồi, đừng bỏ dấu phẩy ở đây… Tôi không muốn điều đó. Không ai bày tôi nên nói điều gì cả.

Thế là ông ta hết chê John McCain đến lăng mạ phụ nữ; hết ba hoa về quan hệ quốc tế kiểu như tôi quen hết mọi nhà thương thảo quốc tế nổi tiếng đến khoe mức độ giàu có của mình. Ví dụ về Trung Quốc ông này nói trong bài diễn văn tuyên bố ứng cử của mình: "Tôi không nói họ ngốc. Tôi thích Trung Quốc. Tôi vừa mới bán một căn hộ giá 15 triệu. Làm sao ghét họ được chứ?... Nhưng lãnh đạo của họ thông minh hơn lãnh đạo của chúng ta nhiều…" Hay khi nói về các đối thủ cùng đảng Cộng Hòa của ông ta: "Các ứng cử viên khác – họ bước vào, họ không biết máy lạnh không chạy. Họ đổ mồ hôi như các chú cẩu… Làm sao họ đánh thắng ISIS được. Tôi không nghĩ sẽ có chuyện đó".

Donald Trump là như thế, tuyên bố nào phát ra cũng gây sốc cho báo chí nhưng với những người Mỹ bảo thủ bình thường lại là điều họ đang suy nghĩ, kiểu như "biến đổi khí hậu là đồ giả", "bọn ngu đang thương thảo các hiệp định thương mại cho nước ta, thương mại mà làm gì"; "thuế doanh nghiệp 0% sẽ tạo ra hàng triệu việc làm"…

Bất kể sự tự tin, có lẽ dựa vào sự phi lý của các phát ngôn từ của ông ta, của báo chí chính thống Mỹ rằng Donald Trump sẽ là hiện tượng sớm nở tối tàn, rõ ràng ông ta đang có những ảnh hưởng sâu đậm lên chính trường Mỹ. Một khi đã có một tỷ lệ lớn cử tri Cộng Hòa tán thưởng cách suy nghĩ của Trump, các ứng cử viên khác không còn con đường nào khác là… bắt chước. Sự bắt chước đó có thể có hại cho nền văn hóa Mỹ một khi người ta bắt đầu khai thác sự phẫn nộ của người dân để đi theo con đường mị dân, khép kín, thậm chí như kiểu phát xít trong ứng xử với dân tộc khác. Châu Âu đã và đang đi theo con đường này; nhiều người sợ tương lai nước Mỹ cũng sẽ theo chân.

Hiện nay người ta đang sợ một khi Donald Trump không được đảng Cộng Hòa cử làm ứng cử viên, ông ta sẽ tiếp tục tranh cử như một ứng cử viên độc lập, lấy theo ông ta một lượng không nhỏ đảng viên Cộng Hòa kỳ cựu và như thế bất kỳ ai được đề cử phải chia phiếu cho ông ta. Mà có lẽ diễn biến những tháng sắp tới sẽ là như thế; đảng Cộng Hòa khó lòng nhượng vị trí ứng cử viên được đảng này đề cử cho Donald Trump được vì nỗi xấu hổ ông này đang đem lại hay ít nhất là nhiều người lãnh đạo đảng Cộng Hòa đang nghĩ như thế. Và nếu Donald Trump ra tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập, cán cân chính trị nước Mỹ sẽ thay đổi như thế nào vì diễn tiến này, chưa ai dám nói trước được. Đó chính là sức hút bất ngờ không cưỡng được của Trump.



Donald Trump - 1

Ẩn dụ sống ký sinh

Một hình ảnh được sử dụng thường xuyên trong các câu chuyện khoa học viễn tưởng: trong tương lai, loài người chia làm đôi - sống ở trên thong dong, thoải mái nhưng mềm yếu, dễ bị tổn thương, mất phương hướng cũng như mục đích sống là một nhóm; nhóm còn lại sống đâu đó dưới lòng trái đất, đen đủi, mạnh và dữ, luôn muốn đập phá như kiểu đang bị xiềng xích vô hình.

Chỉ là chuyện viễn tưởng nhưng đây là ẩn dụ có thể giúp chúng ta hiểu những gì đang xảy ra trên thế giới toàn cầu hóa đầy biến động, âm ỉ xung đột hiện nay.

Trong một xã hội bình thường luôn có sự tự nguyện phân công lao động, người chấp nhận làm công nhân lắp ráp máy móc, người chịu làm thợ may vá, người quét dọn và nhiều người khác làm đủ nghề xã hội cần như thầy giáo, bác sĩ, chuyên viên thị trường…

Làn sóng toàn cầu hóa do các công ty đa quốc gia thúc đẩy đã lấy đi nhiều công việc sản xuất tay chân bình thường từ nhiều nước phương Tây chuyển sang các nước khác, chủ yếu là các nước ở thế giới thứ ba. Bỗng chốc trong một giai đoạn tương đối ngắn, hàng loạt người tự nhiên thấy công việc của mình làm từ xưa tới nay một hôm biến mất. Hàng loạt thành phố trù phú phát triển quanh một nhà máy sản xuất ô tô hay một loại máy móc gia dụng nào đó qua một đêm hóa ra hoang phế vì ông chủ các nhà máy này thấy chuyển chúng qua Trung Quốc thì tiết kiệm chi phí nhân công hơn nhiều.  

Các mỹ từ mà các nhà hoạch định chính sách, kể cả các nhà nghiên cứu không xoa dịu được nỗi lo của những người bị tước đoạt công việc: họ đâu thể "tiến lên trên nấc thang giá trị", họ đâu thể chuyển qua làm thiết kế, tiếp thị, nghiên cứu. Khi làm công nhân lắp ráp chiếc ô tô mặc dù chỉ là con ốc trong chuỗi sản xuất tự động hóa, người công nhân mệt mỏi ra về vào cuối ngày nhưng vẫn tự hào về đồng lương anh ta lãnh vì anh ta nghĩ mình đang tạo ra một giá trị nào đó.

Tương tự, có thể vợ anh ta mất đi công việc may quần áo, em anh ta mất đi công việc đóng giày… Và thế là xảy ra cuộc cạnh tranh hoặc xuống đáy, làm những công việc tay chân chưa thể "đóng gói xuất khẩu" hay ganh đua lên nấc thang kế. Cả hai hướng đều có tác dụng lên quy luật cung cầu theo nghĩa một số lượng người nhiều hơn tranh nhau lượng công việc như trước: dĩ nhiên hệ quả là lương sẽ bị ép giảm, sức lực càng bị vắt kiệt, ai không chịu nỗi sẽ có kẻ khác sẵn sàng nhảy vào thay.

Các nhà kinh tế có một ảo tưởng, rằng toàn cầu hóa với việc dịch chuyển công ăn việc làm như thế là hợp quy luật, tận dụng được nguồn lực tốt nhất của xã hội, rằng các nước phương Tây sẽ dần dần thích ứng với vai trò mới: ngồi vẽ ra các sản phẩm, lo chuyện quảng bá chúng còn sản xuất cứ để các nước đang phát triển đảm trách. Ai cũng có phần bánh ngon hơn, to hơn trước.

Thực tế cho thấy không phải tất cả người dân các nước phương Tây đều thích nghi được với vai trò "ngồi vẽ" như thế. Và cho dù các nước này giàu, đủ sức lo chuyện an sinh xã hội để người không "ngồi vẽ" được vẫn hưởng một khoản trợ cấp nhất định. Nhưng một khi họ đánh mất sự tự tin, sự tự trọng, niềm tin rằng họ đang làm ra một cái gì đó có giá trị cho xã hội, con người sẽ bị bần cùng hóa, ít nhất về mặt suy nghĩ. Và đó là căn nguyên của cuộc khủng hoảng xã hội đang diễn ra ở nhiều nước.

Có thể tìm thấy những số liệu, những hình ảnh minh họa cho bức tranh nói trên một cách dễ dàng trên báo chí khi họ chạm đến một mảng nào đó, ví dụ, sự điêu tàng của những thành phố bị bỏ hoang hay vì sao nền tảng giáo dục ở Mỹ tăng mạnh so với trước mà thất nghiệp vẫn cao và lương vẫn hầu như không đổi. Các cuộc biểu tình chống đối toàn cầu hóa trong nhiều năm qua cũng cho thấy người ta biết rõ thủ phạm. Và thỉnh thoảng báo chí Mỹ có những bài viết lay động lòng người như cái chết của một nhân viên Amazon, mỗi giờ phải đi lại trong một kho hàng rộng bằng 18 sân bóng đá để lấy ít nhất 100 món hàng giao cho khách. Giả dụ sau này Amazon làm ra con rô-bốt lo được chuyện đó, công việc nhàm chán, nặng nhọc và mất sức của anh này rồi cũng sẽ biến mất. Để cuối cùng xã hội được gì? Khách hàng Amazon mua đồ rẻ hơn vài xu còn ông chủ Amazon giàu thêm vài tỷ đô la chăng?

Thật ra câu chuyện này không có gì mới – cái mới là hệ hụy chúng gây ra đang tạo những xung lực ngầm gây tác động lên mọi mặt của cuộc sống.

Có thể kể đến những xu hướng như xung đột nhìn bên ngoài là vì màu da nhưng thực chất bên trong là sự bất mãn đang rộ lên ở một số thành phố bên Mỹ; các vụ bùng phát vì tức giận ở chỗ làm dẫn tới thảm sát; thất nghiệp trong giới trẻ ở nhiều nước châu Âu; góc nhìn cực hữu về dân nhập cư lại được tán tưởng ở một số giới…

Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là sự xuất hiện của các chính khách "sống ký sinh" trên nền tảng câu chuyện này mà nổi bậc nhất vẫn là ứng cử viên Tổng thống Mỹ - Donald Trump.

Ở một thời khắc khác, một bối cảnh khác, người như Donald Trump không thể tồn tại trên chính trường Mỹ quá một ngày. Bởi ông ta quá cực đoan, quá khích, kích động lòng thù hận, không xem báo chí hay công luận ra gì, mạt sát các sắc dân thiểu số, hạ nhục phụ nữ, phỉ báng tôn giáo… Thế nhưng cho đến nay ông ta vẫn là ứng cử viên dẫn đầu của đảng Cộng Hòa trong thăm dò dư luận và thậm chí một số nhà quan sát không loại trừ khả năng ông ta giành được sự đề cử chính thức của đảng này để ra tranh cử chức vụ Tổng thống Mỹ vào năm sau.

Tờ New Yorker liệt kê một số phát ngôn gây sốc gần đây của Donald Trump. Kiểu như ở một cuộc diễn thuyết tại Iowa, Trump đưa ra một giải pháp đối với các mỏ dầu mà lực lượng ISIS đang nắm: "Tôi sẽ ném bom cho tiệt chúng đi. Tôi sẽ phá tan các đường ống dẫn dầu. Tôi sẽ cho nổ banh các nhà máy lọc dầu. Rồi chẳng còn gì và các bạn biết không, lúc đó Exxon sẽ nhảy vào và trong vòng hai tháng họ sẽ xây dựng lại hết thảy mới toanh. Lúc đó tôi sẽ lấy dầu này". Câu dịch này đã lượt bỏ các cụm từ chửi thề và tiếng đệm. Ở một ví dụ khác, tờ này trích lời Trump cho thấy ông ta tin rằng tra tấn là thứ vũ khí hữu hiệu: "Chỉ có kẻ dốt mới nói nó không hữu hiệu. Nếu không đi nữa thì chúng cũng đáng đời vì những gì chúng gây ra cho chúng ta". Tờ báo nói thêm "chúng" là ai thì họ cũng không biết.

Nói sao thì nói, dù giận dữ, bất mãn và hoang mang, dân Mỹ với nền tảng văn hóa thường phải tỏ ra "nói đúng đường hướng" – tức bản thân họ không thể công khai phân biệt chủng tộc, thù ghét dân nhập cư, lánh xa dân Hồi giáo. Bỗng nhiên có một gã thay họ nói toạt ra những điều thâm tâm họ cũng nghĩ như thế, biểu sao tỷ lệ ủng hộ Donald Trump không cao cho được.

Khi Donald Trump chủ xướng bắt những người theo đạo Hồi ở Mỹ phải đăng ký vào một cơ sở dữ liệu thì các báo la làng cảnh báo một Hitler đời mới nhưng biết đâu trong thâm tâm nhiều người dân Mỹ muốn chuyện đó mà không dám nói ra?

Những người như Donald Trump sẽ là dòng chảy chính của giới chính khách sẽ nổi lên ở các nước phương Tây: đánh vào nỗi sợ của những người dân từng mất công việc ổn định lâu đời, từng bị thua thiệt mà không hiểu vì sao, từng phẫn nộ vì bị nghèo đi nhưng lại không thể trút nỗi giận vào những tỷ phú mới như Bill Gates hay Mark Zuckerberg. Vì thế họ tìm những vật thế thân như người da đen, người Hồi giáo, dân tỵ nạn Syria. Ví dụ Trump đăng lại trên mạng xã hội của ông ta rằng năm 2015 đến 81% nạn nhân da trắng bị giết ở Mỹ là do người da đen gây ra (số liệu chính thức đúng đắn của FBI cho năm 2014 là 15%). Hay ông ta cứ khẳng định ông ta thấy hàng ngàn người đổ ra đường ăn mừng lúc xảy ra vụ 9/11 tại khu có nhiều người Ả Rập sinh sống ở New Jersey bất kể thực tế không có chuyện đó. 

Báo chí Mỹ đang "bó tay" với Donald Trump. Mà đúng là như vậy. Ông ta là sản phẩm của một thời đại nên không thể giải quyết ông ta cùng các vấn đề của xã hội nếu không giải quyết căn nguyên. Và để giải quyết căn nguyên này, có lẽ sẽ phải quay trở lại đề tài "giải toàn cầu hóa" – trả thế giới này về lại với quy luật phát triển tự nhiên của nó. Đừng ép người nông dân bỏ làng xóm ra thành thị làm công nhân bằng công việc tướt từ tay người dân nước khác. Các ông chủ "tối ưu hóa" qui trình sản xuất đã quá giàu; nguồn tài nguyên của trái đất đã bị tận dụng cho qui trình này sắp cạn kiệt, kể cả hậu quả ô nhiễm môi trường còn để lại khắp nơi. Đã đến lúc phải tự hỏi, không lẽ chúng ta đang xây dựng một thế giới méo mó và đang dùng máy điện thoại di động để làm phẳng nó được sao?






Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...