Saturday, August 30, 2014

Một hay hai kỳ thi không phải là điều quan trọng

Một hay hai kỳ thi không phải là điều quan trọng

Nếu xét về mặt lô-gich bình thường, có lẽ đa số sẽ đồng ý nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và bỏ bớt kỳ thi tuyển sinh đại học.

Lý do cũng đã khá rõ: Duy trì kỳ thi đầu tiên vì tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là quyền của học sinh, được nhà nước bằng một hình thức nào đó công nhận đã hoàn thành 12 năm học.

Còn bỏ kỳ thi thứ nhì vì tuyển sinh là nhiệm vụ của các trường đại học, nhà nước không nên đứng ra làm thay, nhất là khi muốn trao quyền tự chủ cho nhà trường.

Thế nhưng qua tranh luận mới thấy ở Việt Nam, lô-gich bình thường không phải lúc nào cũng đúng. Vấn đề là làm sao để mọi chuyện trở lại bình thường để các giá trị phổ quát ở nước khác cũng áp dụng ở Việt Nam.

Trước hết, nói về kỳ thi tuyển sinh đại học, nhiều người không muốn bỏ vì nhiều lý do, trong đó rõ nhất là đây vẫn là kỳ thi nghiêm túc hơn, nhờ đó sàng lọc được chất lượng cho các trường đại học. Nhiều người sợ nếu bỏ kỳ thi này, các trường đại học chạy theo số lượng tuyển sinh sẽ càng dễ dãi đầu vào, bất kể chất lượng miễn sao tuyển sinh được nhiều, thu được nhiều tiền.

Giả thử có chuyện này xảy ra thì sao? Giai đoạn đầu các trường sẽ cạnh tranh để tuyển sinh bằng mọi giá, trong đó có thể chất lượng đầu vào họ không quan tâm. Thế nhưng chỉ cần một thời gian ngắn sau đó, nếu đầu ra của họ không được xã hội thừa nhận thì ai sẽ thèm vào học các trường này.

Những trường hàng đầu của Mỹ hoàn toàn có thể chỉ tuyển đủ số học sinh trả 100% học phí và vẫn duy trì được một chất lượng đầu vào khá cao. Nhưng không, họ vẫn dành ra một tỷ lệ học bổng nhất định để thu hút học sinh giỏi vào học trường họ. Chính những học sinh giỏi, phải chi học bổng này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo ra môi trường cạnh tranh trong học thuật, làm nên danh tiếng của trường họ.

Thế nên vấn đề là cứ để các trường tự chủ thật sự, ở đây là tự chủ trong việc tuyển sinh bằng cách bỏ kỳ thi tuyển sinh chung, giao nhiệm vụ này về cho các trường đại học. Trường nào lơ là việc duy trì sự sàng lọc đầu vào hay cá nhân nào lợi dụng chuyện ra đề thi để trục lợi bằng dạy thêm hay chạy cửa sau sẽ bị thải loại dần.

Lý do phổ biến thứ hai của những người không muốn bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học là vì làm như hiện nay các trường quá khỏe, không tốn kém gì nhiều cho công tác tuyển sinh so với khối lượng đồ sộ công việc phải làm nếu tự tổ chức tuyển sinh. Lãnh đạo các trường cũng không cần phải đau đầu lo lắng chuyện bị gởi gắm, chuyện phải chủ động đi tìm thí sinh giỏi mời dự tuyển vào trường, chuyện quản lý cấp dưới để công tác tuyển sinh thật sự là công khai, minh bạch và không có tiêu cực.

Nhưng cũng từ lý do này, quy luật thị trường cũng dần dần buộc các trường thấy tự mỗi trường mà tổ chức tuyển sinh sẽ rất nhiêu khê, tốn kém, khó kiểm soát... Họ sẽ dần hình thành nhu cầu có một bên thứ ba đứng ra làm công tác tổ chức một kỳ thi nào đó (như SAT ở Mỹ) nhằm đánh giá đúng thực chất thí sinh giùm cho họ. Họ chỉ việc dựa vào kết quả kỳ thi này và một số tiêu chí khác để tuyển sinh. Đó chính là con đường mà các nước đã trải qua và đang thực hiện.

Quay trở về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều người muốn bỏ vì nó không thực chất, chỉ mang tính hình thức, tỷ lệ đỗ rất cao, lại rất tốn kém cho xã hội.

Đó là thực tế. Nhưng tại sao không cải tiến kỳ thi thay vì bỏ nó đi. Cải tiến theo hướng tỷ lệ đỗ thấp đi cho đúng thực chất thì khó lòng được chấp nhận – áp lực lên xã hội cũng sẽ rất lớn nếu có sự đột biến theo hướng này.

Tại sao không dung hòa bằng cách xếp loại tốt nghiệp đúng thực chất, trong đó dù tỷ lệ đỗ vẫn có thể cao như hiện nay nhưng đa số sẽ đỗ ở mức bình thường. Chỉ có một tỷ lệ nhất định đỗ ở mức khá, mức giỏi và mức xuất sắc. Lúc đó tấm bằng tốt nghiệp lại mang tính phân loại và sàng lọc cao để một số em yên tâm đi vào con đường học nghề, một số em chọn các trường cao đẳng, trung cấp ngay từ đầu và một số em khác chọn đi tiếp vào đại học.


Đây là con đường lấy lại giá trị cho tấm bằng từng có lúc được gọi là bằng tú tài. Và lúc đó sự chọn lựa của chúng ta cũng hòa chung với sự chọn lựa của nhiều nước khác trên thế giới. 

Friday, August 8, 2014

Ưu đãi cho ai, ưu đãi gì

Ưu đãi cho ai, ưu đãi gì

Trong tuần qua xuất hiện một số thông tin có thể giúp định hình một số chiến lược quan trọng trong thời gian tới.

Đầu tiên là khuyến cáo của Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) rằng các chính sách ưu đãi để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam chỉ tạo ra sự biến dạng hệ thống thuế, và gây tốn kém cho ngân sách.

Đây là câu trả lời gián tiếp cho những yêu cầu được hưởng những ưu đãi mới nhằm bù đắp vào sự suy giảm lòng tin của nhà đầu tư vào môi trường làm ăn ở Việt Nam như đề xuất của chủ dự án Formosa Hà Tĩnh đã bị Bộ Kế hoạch & Đầu tư bác bỏ. Cho đến nay vẫn có nhiều người lo ngại nếu chúng ta không ưu đãi mạnh tay, FDI sẽ bỏ đi. Hay nói cách khác, nếu buộc phải cấp cho các dự án FDI mới những ưu đãi vượt khung để thu hút nhà đầu tư nhằm quảng bá hình ảnh một Việt Nam vẫn thân thiện với FDI thì cũng nên ưu đãi mạnh.

Báo cáo của UNIDO khẳng định, về tổng thể, dường như không có nhiều khác biệt về hiệu quả hoạt động giữa các công ty nước ngoài được nhận ưu đãi và các công ty nước ngoài không được nhận ưu đãi.

Điều thứ nhì là nỗi lo ngại một khi giao thương giữa Việt Nam với Trung Quốc bị gián đoạn, GDP sẽ bị ảnh hưởng. Thậm chí ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tuần trước còn đưa ra con số cụ thể, rằng GDP có thể giảm 10% nếu thương mại Việt - Trung ngưng trệ.

Điều này đúng sai thì thật khó nói vì nó phụ thuộc vào mô hình tính toán có hàng trăm yếu tố phức tạp, không dễ gì định lượng được một cách cụ thể như thế.

Vấn đề là, không nên lấy đó làm điều e ngại để rụt rè trong ứng xử với Trung Quốc. Với người dân bình thường, không biết tính toán phức tạp, họ phản ứng rất nhanh trước tin này bằng cách khẳng định, dù GDP có giảm một nửa, dù thu nhập của họ có giảm một nửa mà tránh phụ thuộc vào Trung Quốc để bị o ép chuyện chủ quyền thì họ cũng sẵn sàng hy sinh phần thu nhập đó.

Dĩ nhiên với nhà hoạch định chính sách, không thể suy nghĩ theo cách đó. Nhà hoạch định chính sách phải nghĩ đến chuyện sao cho vẫn duy trì giao thương mà không để nó ảnh hưởng lên chuyện chủ quyền. Nhà hoạch định chính sách phải nghĩ đến các mô hình thay thế nhằm tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc vào bất kỳ ai.

Ở đây cách tiếp cận không phải là tìm đối tác thay thế mà là làm sao để nội lực mạnh lên và đủ sức ứng phó.

Nhận xét sau khi đọc bài “Đi dưới bóng đè của gã khổng lồ” của David Dapice và Vũ Thành Tự Anh, đăng trên TBKTSG số ra tuần trước, một độc giả viết: “Phần lớn các nhà kinh tế đổ lỗi cho Trung Quốc mà ít phân tích tại sao Việt Nam lại lệ thuộc thương mại vào Trung Quốc nhiều như vậy. Vấn đề là cách điều hành kinh tế, hệ thống thuế, tham nhũng, lợi ích nhóm... làm cho nên kinh tế Việt Nam thiếu sức cạnh tranh, xuất khẩu cũng chỉ tạo được lợi nhuận cực nhỏ. Trong bối cảnh ấy bắt buộc phải tìm nguồn nguyên liệu, phụ liệu giá rẻ để đảm bảo có lãi chút ít. Nếu chuyển sang nguồn nguyên liệu có giá đắt hơn mà giá xuất khẩu không tăng thì lợi nhuận biên "mỏng như dao cạo" sẽ biến mất!”

Như vậy câu trả lời cho cả vấn đề mà báo cáo UNIDO đặt ra cũng như lo ngại mà Tổng cục Thống kê nêu lên là làm sao để doanh nghiệp trong nước có đủ sức để cạnh tranh với bên ngoài mà không cần tận dụng lợi thế nguyên liệu rẻ từ Trung Quốc.

Ưu đãi lúc đó không còn là chuyện miễn giảm thuế, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, miễn giảm tiền thuê đất. Cái doanh nghiệp trong nước cần là giảm cho họ các chi phí không tên gom dưới cái tên nhũng nhiễu, tham nhũng, lợi ích cục bộ hay cho họ điều kiện cạnh tranh bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài. Đó cũng có thể là một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn để họ có thể cạnh tranh với bạn hàng nước ngoài, sự dễ dàng tiên liệu trước các thay đổi chính sách và một môi trường tư pháp mà bất kỳ ai cũng có thể kỳ vọng để tìm thấy công lý.

Chiến lược vì thế phải nhắm tới, không phải số lượng dự án hay tổng vốn cam kết, mà là công ăn việc làm, tiến dần lên bực thang cao hơn trong phân công sản xuất toàn cầu. Lúc đó không những  chúng ta không phải lo sự phụ thuộc vào bất kỳ một nền kinh tế duy nhất nào mà còn tạo ra sự thịnh vượng thật sự cho người dân.


Hai lý do vì sao Bộ Y tế nên soạn lại dự thảo rượu bia

Hai lý do vì sao Bộ Y tế nên soạn lại dự thảo rượu bia

Các quan chức thường hay dùng cụm từ “nước ngoài họ cũng làm như thế” mà không có những số liệu hay bằng chứng đi kèm nên cách so sánh này không thuyết phục cho lắm khi muốn đưa ra một quy định hay một lệnh cấm nào đó.

Thậm chí dư luận thường nhắc câu nói “tôi đi nước ngoài nhiều cũng thấy...” để chê trách cách so sánh khá chủ quan này.

Vì thế lần này khi Bộ Y tế đưa ra dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia trong đó có quy định cấm bán rượu bia từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, dư luận phản đối và tỏ ra không tin khi một quan chức thuộc Vụ Pháp chế của Bộ này nói các nước khác như Thái Lan hay Singapore cũng có lệnh cấm như thế.

Tuy nhiên lần này có vẻ dư luận không chính xác.

Nói chung việc bán rượu ở các nước chịu nhiều hạn chế, nếu chịu khó tìm quy định từng nước (ở nhiều nước phải tìm quy định từng bang, từng vùng) thì cũng ra các quy định cụ thể. Ở đây chỉ xin lấy ví dụ ở bang New South Wales của Úc.

Quy định mới nhất của bang này vào đầu năm nay là: 1/cấm bán rượu sau 10 giờ đêm (tức mua rượu rồi mang đi nơi khác để uống); 2/các quán rượu không được bán thêm rượu cho khách sau 3 giờ sáng (tức mua rượu để uống tại chỗ); 3/ngưng cấp phép mở tiệm bán rượu trong hai năm tới.

Ở nhiều nước, việc uống rượu ở chốn công cộng bị cấm và chỉ cần đang cầm chai rượu mở nắp đi ngoài đường cũng đủ là bằng chứng bị phạt vì vi phạm lệnh cấm này.

Vì thế một đạo luật nghiêm khắc để hạn chế việc tiêu thụ rượu bia quá đáng ở nước ta là đều đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên để một đạo luật như thế đi vào cuộc sống và có tác dụng thật sự, cần chú ý đến hai điểm quan trọng.

Một là phân biệt mục đích cấm lạm dụng rượu bia trước hết là nhằm bảo vệ trật tự công cộng, bảo vệ người dân trước những tác động xấu của người uống rượu bia có thể gây ra cho người khác. Mục đích này quan trọng hơn mục đích bảo vệ sức khỏe người uống rượu bia. Vì thế lệnh cấm cần cụ thể, dựa trên kinh nghiệm của các nước. Ví dụ, có thể cấm bán rượu đem đi nơi khác sau 10 giờ đêm nhưng các tiệm ăn, khách sạn, quán bar có thể đến 12 giờ hay 1 giờ sáng mới bắt đầu cấm bán rượu cho khách dùng tại chỗ.

Cách phân biệt như thế sẽ giải tỏa gần hết những lập luận đang phản đối dự thảo vì sợ có mâu thuẫn giữa cho phép hàng quán mở cửa đến 12 giờ đêm mà không cho bán rượu hay sợ ảnh hưởng đến khách du lịch...

Thứ hai là thay đổi biện pháp chế tài để người bán rượu cân nhắc thiệt hơn giữa nỗi sợ bị phạt rất nặng và lòng tham lợi nhuận có thể làm họ cố tình vi phạm luật.

Lấy ví dụ ở nhiều nước có lệnh cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi bất kể giờ giấc. Người ta có thể tự hỏi làm sao một lệnh cấm như thế mang tính khả thi khi trên đất nước họ có cả trăm ngàn điểm bán rượu, kiếm đâu ra người để thanh tra, kiểm tra lệnh cấm. Thế nhưng cứ thử vào tiệm rượu, bảo trẻ 15, 16 mua rượu cho mà xem, sẽ không có ai dám bán rượu cho chúng mặc cho chúng thuyết phục mua về cho bố mẹ. Đó là bởi văn hóa tôn trọng pháp luật của nước họ và văn hóa tôn trọng pháp luật ấy dựa vào thực tế mức phạt nghiêm khắc cho những ai vi phạm.

Cả trăm tiệm bán rượu, chỉ cần bắt quả tang một tiệm vi phạm lệnh cấm bán rượu cho thanh niên dưới 18 tuổi sau đó phạt nặng, tịch thu giấy phép kinh doanh thì 99 tiệm còn lại sẽ nghiêm túc chấp hành.

Còn trăm tiệm bán rượu, bắt được 10 vụ bán cho trẻ vị thành niên mà cả 10 “chạy” cửa sau chỉ chịu mức phạt nhẹ hều thì cả 100 tiệm sẽ sẵn sàng tiếp tục vi phạm, sẵn sàng chịu phạt cửa sau.

Như vậy, vấn đề không phải là chìu theo dư luận phản đối hay đồng tình; vấn đề là có luật rồi, phải có cơ chế thực thi nghiêm, trong đó chú ý đến yếu tố con người, kể cả khuyến khích đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, thì mới giải quyết được gốc rễ của tệ nạn lạm dụng rượu bia.



Ai giám sát người giám sát

Ai giám sát người giám sát

Nhờ cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tuần trước nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp Quốc hội thứ 7 và chuẩn bị bước đầu cho kỳ họp thứ 8, chúng ta mới biết một số hiện tượng đáng buồn của một số đại biểu Quốc hội.

Đó là chuyện vắng họp, điểm danh hộ, phát biểu bằng bài của người khác, thậm chí còn là chuyện bỏ phiếu hộ cho đại biểu khác. Đó là chuyện một số đại biểu không phát biểu, không tranh luận.

Từ đó, nảy sinh câu hỏi, đại biểu Quốc hội có vai trò giám sát đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước; thế nhưng ai sẽ là người giám sát các đại biểu Quốc hội để bảo đảm rằng các đại biểu đang làm đúng chức trách của mình, đúng nguyện vọng của cử tri gởi gắm?

Đọc qua tường thuật cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói trên, có thể có cảm giác dường như các vị lãnh đạo Quốc hội như Chủ tịch và các Phó Chủ tịch cho rằng mình có quyền chấn chỉnh các đại biểu Quốc hội. Vì tại cuộc họp này, có những phê bình theo dạng “đại biểu mà làm như thế là thiếu nghiêm túc...”.

Ở đây cần làm rõ một điểm mấu chốt: các đại biểu Quốc hội là bình đẳng với nhau trước cử tri; Chủ tịch hay Phó Chủ tịch Quốc hội có thêm một số nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội. Đại biểu Quốc hội hoạt động theo quy chế đại biểu và nội quy kỳ họp. Đại biểu nào vi phạm quy chế hay nội quy này thì Chủ tịch Quốc hội sẽ có biện pháp chính thức để chấn chỉnh. Nhưng chắc chắn quy chế hay nội quy sẽ không thể yêu cầu các đại biểu phải có phát biểu trước các vấn đề đang tranh luận. Nói cách khác vai trò của lãnh đạo Quốc hội không phải là giám sát các đại biểu khác như một hệ thống thứ bậc trong các cơ quan công quyền khác.

Giám sát hoạt động của đại biểu do đó phải là vai trò của cử tri cả nước, là người qua lá phiếu của mình chọn lựa người đại diện cho quyền lợi của mình. Chính cử tri là người sẽ quyết định đại biểu có còn xứng đáng với sự tin cậy của họ hay không.

Và để cử tri cả nước làm được vai trò giám sát này, điều quan trọng phải là công khai minh bạch toàn bộ các hoạt động của các đại biểu.

Đầu tiên là công khai, thậm chí nhấn mạnh quy chế đại biểu Quốc hội và nội quy kỳ họp như các chuẩn mực tối thiểu mà đại biểu phải tuân thủ.

Sau đó là công khai mọi quyết định của đại biểu, kể cả nội dung biểu quyết của từng đại biểu để cử tri biết quan điểm của đại biểu đại diện cho họ trước các vấn đề trọng đại của đất nước.

Hiện nay công tác thông tin của Quốc hội đã làm khá tốt việc ghi âm và ghi thành biên bản các cuộc chất vấn và trả lời chất vấn giữa đại biểu và đại diện Chính phủ. Cùng với việc truyền hình trực tiếp các buổi chất vấn này, người dân phần nào hiểu được hoạt động của đại biểu Quốc hội tại các phiên chấn vấn.

Thiết nghĩ sự công khai như thế cần được mở rộng đến tất cả các phát biểu khác của đại biểu, kể cả tại hội trường hay tại tổ. Cũng cần công khai mọi thư từ công dân gởi đến đại biểu của mình và cách giải quyết hay trả lời của đại biểu.

Tất cả sẽ làm nên một hệ thống giám sát chặt chẽ giúp người dân bảo đảm họ chọn đúng người họ tin tưởng để đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước.




Đứa con bị hất hủi

Đứa con bị hất hủi

Có lẽ ít ai dừng lại một chút và suy nghĩ thử bao nhiêu phần trăm vật dụng và dịch vụ chúng ta sử dụng hàng ngày do doanh nghiệp tư nhân trong nước sản xuất hay cung cấp.

Sáng sớm thức dậy, người ta dùng bàn chải đánh răng, kem đánh răng, xà phòng, dầu gội đầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Họ dùng điện thoại di động hay máy tính xách tay của nước ngoài sản xuất để đọc tin tức, xem tin trên chiếc tivi cũng mang nhãn hiệu nước ngoài. Đa phần đi làm bằng chiếc xe gắn máy cũng của doanh nghiệp FDI.

Người phụ nữ nội trợ ở nhà cũng giặt đồ bằng chiếc máy giặt ngoại, áo quần mặc trên người tiếng là do doanh nghiệp trong nước may nhưng một tỷ lệ lớn nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài.

Đến tối đi ăn ở ngoài, nay các cửa tiệm đông khách nhất là cửa tiệm nhượng quyền từ một thương hiệu nước ngoài nào đó, đặc biệt là nhà hàng Hàn Quốc hay Nhật Bản. Rồi thức ăn nhanh hay nước giải khát, rồi bia rượu nhãn hiệu nước ngoài cũng chiếm ưu thế.

Trước cột mốc bắt đầu đổi mới 1986 thì không nói vì lúc đó nền kinh tế kế hoạch hóa bao cấp nên hàng ngoại chỉ phổ biến nhất là bàn ủi Liên Xô hay nồi hầm áp suất. Nhưng từ năm 1990 đã có thời sản xuất trong nước do khối doanh nghiệp tư nhân đảm trách đã làm ra các sản phẩm tiêu dùng phổ biến, kể cả hàng điện tử. Điều đáng buồn là do nhiều nguyên nhân, khối doanh nghiệp tư nhân nội địa trong sản xuất ngày càng teo tóp, nhường lại trận địa cho hàng nhập khẩu hoặc cho khối doanh nghiệp FDI.

Cũng có một số nỗ lực sản xuất hàng mang nhãn “made in Vietnam” trong một số lãnh vực như điện thoại di động, máy tính bảng nhưng thực chất chúng cũng chỉ là hàng Trung Quốc gia công cho một số doanh nghiệp Việt Nam qua đặt hàng với một số lượng nào đó. Cũng có một số ngành nghề doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh, đánh bật được hàng nhập khẩu như nhựa gia dụng nhưng loại này vẫn còn ít, chưa nổi bật.

Số liệu để minh họa cho xu hướng này đã được trình bày trong các bài viết khác trong chuyên đề này. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh một số nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của khu vực kinh tế tư nhân để từ đó tìm giải pháp xoay chuyển tình thế.

Đầu tiên phải nói đến ham muốn làm giàu nhanh của đa phần doanh nghiệp trong nước. Tỷ suất lợi nhuận quá cao một thời của các lãnh vực địa ốc, tài chính làm nhiều doanh nghiệp từ bỏ hoạt động sản xuất chính của mình để nhảy sang kinh doanh địa ốc. Doanh nghiệp FDI yên tâm với tỷ suất lợi nhuận dù không cao bằng nhưng lại ổn định lâu dài của nhiều ngành sản xuất.

Thứ hai là tình trạng lạm phát kéo dài làm chi phí vay vốn của doanh nghiệp cao quá sức chịu đựng của nhiều người. Trong khi đó doanh nghiệp FDI không phải vay vốn bằng tiền đồng nên không chịu chi phí tài chính cao này. Ngược lại, họ vay vốn giá rẻ ở nước ngoài, chuyển sang tiền đồng, vòng quay sản xuất trong bối cảnh lạm phát làm họ thu được số tiền cao hơn dự tính và lại được bảo đảm tỷ giá khá ổn định nên lại hưởng lợi cả hai đầu. Chỉ yếu tố này không thôi cũng không doanh nghiệp tư nhân trong nước nào cạnh tranh nổi.

Thứ ba là hàng hóa nhập khẩu, do chính sách tỷ giá trong bối cảnh lạm phát nên ngày càng rẻ tương đối khi so với hàng sản xuất trong nước. Doanh nghiệp càng sản xuất càng bế tắc vì không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu giá ngày càng rẻ, thuế nhập khẩu ngày càng giảm theo lộ trình cam kết.

Quan trọng hơn cả là trong khi chúng ta có chính sách ưu đãi khá rõ nét cho doanh nghiệp FDI, thử hỏi đã có một chiến lược như thế chưa cho doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Ngược lại, tệ nhũng nhiễu, tham nhũng càng làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và lại sản sinh loại doanh nghiệp biết bắt tay với quyền lực để cạnh tranh một cách không lành mạnh, càng làm cho môi trường kinh doanh thêm méo mó.

Để thay đổi tình hình, không còn cách nào khác hơn là làm theo lời khuyên của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới ông Jim Yong Kim trong một bài viết riêng cho TBKTSG nhân chuyến viếng thăm Việt Nam vào tuần trước. Ông viết: “Tôi tin rằng một trong những chiến lược để khôi phục lại tốc độ tăng trưởng nhanh chính là tạo ra những điều kiện cần thiết để đảm bảo rằng khu vực kinh tế tư nhân chính là động cơ của sự đổi mới, từ đó thúc đẩy năng suất và nâng cao hiệu quả”.

Để khu vực kinh tế tư nhân trở thành động cơ của đổi mới, phải có hẳn một chiến lược được soạn thảo công phu, nêu rõ lộ trình và các biện pháp nhằm thực hiện lộ trình đó. Tâm lý của các ngành và nhất là các địa phương vẫn coi trọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài bất kể các ưu đãi phải dành cho họ. Đối với họ doanh nghiệp FDI mới thật sự tạo ra giá trị cho nền kinh tế còn doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ có tầm nhìn ngắn hạn, làm ăn nhất thời và không minh bạch. Đối chiếu với thực tế hoạt động sản xuất như nói ở đầu bài, không thể trách cái tâm lý này vì nó dựa vào các câu chuyện có thật.

Bởi vậy sự xoay chuyển, nếu muốn diễn ra thành công, phải đến từ nhiều phía. Hỗ trợ từ các định chế nước ngoài như Ngân hàng Thế giới thì đã có; vấn đề là việc phân bổ tối ưu vốn và các nguồn lực để đạt được hiệu quả và năng suất cao nhất phải tính toán đến cả khu vực kinh tế tư nhân ngay từ bây giờ. Quan chức và nhà hoạch định chính sách phải thay đổi góc nhìn về “phát huy nội lực” để nền kinh tế không rơi vào chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào khu vực FDI. Cuối cùng lực lượng doanh nghiệp tư nhân, sau các bài học cay đắng khi thị trường địa ốc suy sụp, đã rút ra được bài học cho mình: phát triển chậm nhưng chắc mới là con đường tìm kiếm sự thịnh vượng bền vững.




Mơ hồ như chuyện thất nghiệp

Mơ hồ như chuyện thất nghiệp

Giả thử có một cuộc điều tra lao động việc làm đang diễn ra. Nhà nọ có bốn người con trong độ tuổi lao động (tức từ 15-59 tuổi đối với nam và 15-54 tuổi đối với nữ) đã lập gia đình, bố mẹ đã già yếu.

Hai cô con dâu sau khi sinh con bận rộn chuyện nhà chăm sóc con cái. Do không “mong muốn có việc làm” nên cả hai không xếp vào dạng thất nghiệp.

Hai cậu con rể do thất nghiệp dài ngày, nay không còn “đi tìm việc làm” nữa (chẳng phải do năng lực bản thân mà do thị trường việc làm quá khó khăn), nên cũng không xếp vào dạng thất nghiệp.

Bốn người con không ai có việc làm thường xuyên, chẳng hạn trong tuần trước đó, anh thì đi sửa đường ống nước cho nhà hàng xóm trong hai tiếng; anh thì phụ đào cái giếng được một buổi và hai anh còn lại mỗi anh làm thêm có thu nhập được đúng một giờ trong cả tuần. Cán bộ điều tra cũng sẽ ghi nhận cả bốn anh không ai thất nghiệp cả!

Gia đình 10 nhân khẩu này không ai nằm trong diện thất nghiệp theo cách điều tra hiện nay của Việt Nam!

Không dễ trở thành thất nghiệp

Chẳng lạ gì số liệu về tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam thuộc dạng thấp nhất trên thế giới (xem bảng). Ở các nước, tỷ lệ thất nghiệp chừng trên dưới 4% là lý tưởng quá rồi, thế mà ở Việt Nam, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp năm ngoái chỉ là 2,2% ai cũng biết tình trạng thất nghiệp là gay gắt.

Năm ngoái, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về thất nghiệp: khái niệm thất nghiệp ở Việt Nam được hiểu là những người hoàn toàn không làm việc trong 7 ngày, nếu làm việc một giờ cũng không thuộc dạng thất nghiệp. Bởi vậy ông Thức mới nói: “Thử hỏi như vậy, có ai trong 1 tuần không làm việc một giờ hay không, do đó, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thấp là hoàn toàn đúng”.

Đúng hay không chưa cần biết nhưng một chỉ tiêu mà không làm trúng được vai trò phản ánh chính xác thực tế thì cần phải sửa theo thông lệ quốc tế chứ vì sao vẫn duy trì? Mỹ định nghĩa thất nghiệp là tình trạng của những người không có việc làm, đã tích cực tìm việc trong bốn tuần qua và hiện đang sẵn sàng làm việc. Anh cũng định nghĩa gần giống như vậy: không có việc làm, đang tìm kiếm việc làm trong bốn tuần qua và trong vòng hai tuần nữa thì sẵn sàng đi làm được. Cái làm cho định nghĩa thất nghiệp của Việt Nam không giống các nước là thời gian tham chiếu chỉ là 1 tuần thay vì 4 tuần; và chỉ cần làm 1 giờ trong tuần tham chiếu thì người đó cũng không phải là thất nghiệp.

Chính vì cột mốc 1 giờ/tuần này mà trong thống kê, Việt Nam rất coi trọng khái niệm “thiếu việc làm” – được xem là “đã làm việc dưới 35 giờ trong tuần tham chiếu”. Tuy nhiên nhìn vào bảng bên dưới, chúng ta cũng thấy tình trạng thiếu việc làm cũng không có gì là gay gắt (năm 2013 chỉ là 2,77%).

Đó là bởi để được xem là “thiếu việc làm” thì ngoài yếu tố mỗi tuần làm dưới 35 giờ như trên thì người được khảo sát phải mong muốn làm việc thêm giờ và sẵn sàng làm việc thêm giờ.

Phải thay đổi cách đo và cách đánh giá

Nhìn một cách khách quan thì tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm của nước ta lẽ ra đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng gay gắt. Rõ ràng khi tăng trưởng GDP mấy năm gần đây sụt giảm mạnh so với các năm trước đó, chắc chắn công ăn việc làm sẽ bị sụt giảm. Số liệu các doanh nghiệp phải ngưng hoạt động tăng mạnh trong mấy năm nay càng củng cố điều đó. Để tạo ra một việc làm mới, phải có đầu tư. Trong khi đó đầu tư toàn xã hội đang sút giảm thì làm sao khẳng định số liệu giải quyết công ăn việc làm ngày càng tăng cho được.

Về phía cung lao động, số lượng thanh niên tham gia lực lượng lao động vẫn đang cao, năm 2013 tăng thêm 864,3 nghìn người. Ngoài ra các yếu tố khác cũng đang tác động làm tăng nguồn cung lao động như sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp diện tích đất đai nông nghiệp có thể canh tác, thanh niên nông thôn có xu hướng lên thành thị kiếm việc làm, số lượng doanh nghiệp tư nhân mới thành lập đang chững lại...

Trong khi đó, tại hội nghị tổng kết hàng năm, năm nào Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội cũng đưa ra con số giải quyết việc làm rất đáng phấn khởi. Ví dụ bộ này nói đã giải quyết được việc làm cho hơn 1,5 triệu lao động trong năm 2013 hay 1,3 triệu lao động trong năm 2012... Con số này cao hơn nhiều so với cung lao động nên nếu chỉ dựa vào báo cáo hàng năm kiểu như thế, tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam hầu như đã biến mất từ lâu!

Bởi những yếu tố nói trên, từ tính chính xác của khảo sát đến tính chính xác của số liệu nên chỉ tiêu lao động việc làm không được chú trọng như ở các nước khác.

Ngày trước mỗi khi nhà đầu tư nước ngoài giới thiệu một dự án mới tại Việt Nam họ đề nhấn mạnh đến con số việc làm tạo ra từ dự án đó nhưng cho đến gần đây thói quen này cũng mai một.

Thiết nghĩ đã đến lúc phải chấn chỉnh lại tình trạng khảo sát tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta, có con số chính xác thì từ đó mới hoạch định chính sách đúng đắn được. Lấy ví dụ chuyện UBND tỉnh Trà Vinh thoạt tiên đã đồng ý cho một doanh nghiệp Trung Quốc được tuyển dụng trên 2.100 lao động người Trung Quốc tại công trình nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3. Nếu có số liệu chính xác về lao động địa phương và các tỉnh lân cận kể cả tay nghề, kinh nghiệm; nếu có cơ sở dữ liệu cũng như hệ thống thông tin việc làm rộng rãi, các cấp có thẩm quyền đã không phải lúng túng như vừa qua.

Cũng đã đến lúc nhấn mạnh chỉ tiêu tạo việc làm mới khi xét duyệt các dự án đầu tư hay cấp ưu đãi đầu tư. Thay vì tô đậm tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm, nên yêu cầu các báo cáo về tình hình kinh tế xã hội nêu rõ số việc làm mới tạo ra trong kỳ báo cáo, so sánh tỷ lệ thất nghiệp trước và sau kỳ báo cáo. Đó cũng chính là tít lớn của các báo nước ngoài mỗi khi họ đưa tin về tình hình kinh tế nước họ chứ không phải con số GDP khô khan.

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm (%)
Năm
Thất nghiệp
Thiếu việc làm

Chung

Thành thị

Nông thôn

Chung

Thành thị

Nông thôn

2013
2,2
3,54
1,58
2,77
1,48
3,35
2012
1,99
3,25
1,42
2,80
1,58
3,35
2011
2,27
3,60
1,71
3,34
1,82
3,96
2010
2,88
4,43
2,27
4,50
2,04
5,47
2009
2,90
4,64
2,25
5,61
3,33
5,51
(Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo hàng năm của Tổng cục Thống kê)



Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...