Saturday, May 31, 2014

Cửa chính… không vào

Cửa chính… không vào

Đọc câu này trên tờ The Atlantic nói về tờ New York Times có lẽ nhiều người thấy khó hiểu: “Trong vòng hai năm, tờ New York Times mất 80 triệu người vào thăm trang chủ - chiếm đến một nửa lượng người vào đọc trang nytimes.com”.

Ở đây có lẽ phải giải thích một chút. Cách đây chừng dăm năm, với nhiều người, đọc báo trực tuyến có nghĩa là vào trang chủ (homepage) của những tờ báo mình yêu thích hay tin cậy, xem có tin gì mới, bài gì hay để bấm vào từng bài, từng tin để đọc.

Trang chủ của mọi tờ báo thành cái mặt tiền được chăm chút, làm sao để thu hút khách, giữ chân khách – nhiều người có tham vọng biến trang chủ của báo mình thành trang khởi động mỗi khi người dùng chạy chương trình duyệt web.

Nhưng tất cả đã thay đổi. Người ta không vào đọc tin của các báo từ cửa chính nữa. Họ không còn dạo quanh từ tờ này đến tờ khác nữa. Họ vào đọc tin, bài từ giới thiệu (referal) của nơi khác, đa phần là Facebook và các mạng xã hội khác, từ các “siêu thị tin tức” như Google News hay Yahoo News, từ gợi ý của bạn bè qua email, tin nhắn và từ kết quả tìm kiếm.

Chính vì vậy số lượng người đọc New York Times trực tiếp từ trang chủ trong hai năm qua đã giảm đến 80 triệu lượt người. Đến giờ trong 10 người vào đọc New York Times, chỉ chưa đầy 3 người vào đọc theo lối cửa chính, tức là vào từ homepage.

Ở những tờ báo ít danh tiếng hơn, đến 80-90% lượng người vào đọc là từ các nguồn giới thiệu đa dạng trong khi chỉ có 10% vào trực tiếp từ địa chỉ của trang chủ.

Điều đó có ý nghĩa gì?

Trước đây tin là đích đến, người đọc phải dùng các công cụ quen thuộc với họ để tìm kiếm; nay tin phải chạy đến với người đọc, người đọc là đích đến chứ không phải là tin nữa.

Ở đây với người “yếu bóng vía” sẽ dễ dàng “sa ngã” trước cám dỗ dùng tin “tươi mát” để dụ dỗ người đọc. Có thể họ thành công, có thể họ giữ được chân người đọc một thời gian nhưng, để mà xem, rồi người đọc sẽ chán vì không lẽ cứ đọc tin “lộ hàng”, “bí quyết trên giường” mãi. Tòa soạn sa vào con đường “tẩu hỏa nhập ma” sẽ thưởng cho phóng viên theo số lượng người xem (pageview) và cứ thế khích thích lối viết rẻ tiền, giật gân, câu khách. Có lẽ giai đoạn này sẽ chóng qua.

Tuy nhiên, người làm báo trực tuyến không thể ngó lơ xu hướng này. Và hàm ý đối với họ, trước tiên là về mặt kỹ thuật. Khi trang chủ không còn là trang chủ nữa thì mỗi tin bài là mỗi trang chủ.

Thế là thay chỗ cho những nỗ lực chăm chút làm đẹp trang chủ, các báo phải biến đổi trang tin thành một “tiểu trang chủ”. Nếu chú ý chúng ta sẽ thấy hiện nay bên dưới trang tin, các báo đều đã trình bày rất bắt mắt, làm sao để người đọc từ đó phải tò mò bấm vào để đọc tiếp. Dưới tin đều có những tin liên quan, tin nổi bật, tin hay trong ngày…

Điều thứ hai là rất có thể các tờ báo sẽ mất dần bản sắc, tờ nào rồi cũng sẽ như nhau. Trước đây trang chủ hay trang nhất một tờ nhật báo phản ánh những giá trị mà tờ báo ấy muốn chia sẻ với công chúng. Những tin tức mà tờ báo đưa ra ngoài trang chủ là do người làm báo muốn nhấn mạnh chúng, muốn mọi người chú ý. Khổ nổi các mạng xã hội dẫn dắt người đọc thì không có giá trị tự thân như vậy, nó phản ánh mối quan tâm của từng cá nhân. Mà cá nhân ít quan tâm đến tin tức nóng hổi bằng những vấn đề thiết thân với họ; họ không thích sự khách quan đến độ lạnh lùng của nhà báo chuyên nghiệp, họ lại thích sự bình luận, thích sự bày tỏ thái độ của các bài mang tính diễn đàn hơn.

Cho dù giai đoạn dùng tin giật gân để câu khách có thể chóng qua nhưng xu hướng phục vụ độc giả, chìu theo ý họ sẽ lấn lướt – điều này đã dần thể hiện qua cách đặt tít tin bài online, sao cho gợi tò mò, kích thích người đọc nhấn vào để đi tiếp.

Điều thứ ba là nhà báo nói riêng và tòa soạn nói chung phải biết cách chia sẻ tin bài của mình bằng nhiều con đường, càng nhiều càng tốt. Mỗi người viết báo phải sử dụng thành thạo các mạng xã hội và tạo cho mình một lượng độc giả riêng trên các mạng này để mỗi khi có tin bài mới, họ sẽ vào đọc theo giới thiệu từ mạng xã hội. Cái ranh giới giữa mạng xã hội và báo chính thống sẽ bị thu hẹp, ít nhất là về mặt quảng bá.

Tương tự như thế là việc các tờ báo không những chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với các nguồn thông tin khác. Không có gì ngăn cản một trang web chuyên đăng công thức dạy nấu ăn thu hút quảng cáo như một tờ báo chuyên nghiệp – nếu trang web dạy nấu ăn mà có nhiều người chia sẻ và vì thế có nhiều người đọc hơn, dĩ nhiên họ sẽ thu được từ quảng cáo nhiều hơn báo chính thống. Số liệu thực tế đã chứng minh cho xu hướng này.





Tuesday, May 20, 2014

Tranh cãi về cuốn “Tư bản mới”

Tranh cãi về cuốn “Tư bản mới”

Sách bán chạy thường gây ra tranh cãi. Cuốn “Tư bản trong thế kỷ 21” của Thomas Piketty cũng không nằm ngoài quy luật này. Nhưng vì sao một cuốn sách bàn về chuyện bất bình đẳng và tìm cách giảm nhẹ nó lại gặp phải không ít chống đối? Lập luận hai bên ủng hộ và phản đối là gì?

Có lẽ trước tiên chúng ta nên nhìn lại bối cảnh ra đời cuốn “Tư bản trong thế kỷ 21”, chỉ vài năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với quy mô và ảnh hưởng không kém gì cuộc Đại khủng hoảng trong thập niên 1930, làm nhiều người phải nhìn lại và đánh giá lại các quy luật của kinh tế thị trường trước nay vẫn được cho là tối ưu. Nhiều người nói đến sự khác nhau giữa nền “kinh tế thực” sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ và nền “kinh tế ảo” chỉ chăm chăm tìm lợi nhuận dựa vào tài sản đầu cơ và các công cụ tài chính khác. Kinh tế ảo sụp đổ, kéo theo sự trì trệ của kinh tế thực, mãi cho đến bây giờ.

Ở mức độ xã hội, phong trào chống phố Wall thu hút được sự ủng hộ của nhiều giới. Hình ảnh bất bình đẳng được vẽ nên theo kiểu 1% dân số giàu nhất thế giới có tài sản còn hơn cả 99% phần dân số còn lại gây bất bình cho những người thật sự bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng dù đó là mất việc làm hay mất các khoản dành dụm suốt đời vì món đầu tư bị bốc hơi cùng khủng hoảng.

Không lạ gì với một bối cảnh như thế, cuốn “Tư bản trong thế kỷ 21” nhanh chóng được đón nhận như một minh họa rõ nét nhất, thuyết phục nhất, với chứng lý rõ ràng nhất bế tắc của chủ nghĩa tư bản khi bất bình đẳng trong thu nhập được tác giả chứng minh sẽ ngày càng gia tăng chứ không giảm bớt. Theo tác giả, đó là định mệnh của chủ nghĩa tư bản chứ không phải là điều gì xấu xa; chỉ có điều bất bình đẳng ở mức độ ngày càng lớn như thế sẽ dẫn tới bất ổn xã hội, các cột trụ cho một xã hội phát triển bền vững sẽ bị lung lay. Tác giả nhắc đến các cuộc đại thế chiến, từng hủy diệt tài sản (là nguồn cơn gây ra bất bình đẳng), để hàm ý không lẽ thế giới phải trải qua những cuộc bể dâu như thế để phục hồi lại sự bình đẳng, coi như để xóa bài làm lại từ đầu?

Như thế những người ủng hộ Thomas Piketty là những trí thức khuynh tả, những người coi việc thừa hưởng gia sản, tích lũy tài sản và nhờ đó ngày càng giàu là không thể chấp nhận được. Đó là bởi những người làm công ăn lương phải trở thành con tin cho những đợt biến động kinh tế dù không do họ gây ra. Họ ủng hộ Piketty vì cuốn sách của ông cung cấp bức tranh trải dài qua nhiều thế kỷ để cho thấy nhân loại vẫn chưa tìm ra con đường chung sống với nhau, cùng chia sẻ nguồn lực mà nếu sử dụng khôn ngoan là đủ nuôi sống toàn nhân loại một cách thoải mái.

Người phản đối, có thể chưa đọc hết Piketty nhưng sẽ thấy dợn người vì cách miêu tả đó, con đường lập luận đó quen thuộc quá, từng gây đổ vỡ cho nhiều nền kinh tế và kết cấu xã hội.

Cụ thể hơn, nhiều người tấn công vào lập luận chính của cuốn sách rằng thu nhập từ tư bản luôn lớn hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế từ đó mới có chuyện bất bình đẳng ngày càng lớn dần lên. Họ cho rằng chưa chắc điều này đã đúng; thu nhập từ tư bản theo định nghĩa của Piketty quá rộng quá mơ hồ, sử dụng tư bản theo con đường lãi nhiều thì rủi ro cũng nhiều, có thể trắng tay...

Cụ thể hơn nữa, theo tờ Economist, có người cho rằng thu nhập từ tư bản theo quy luật phải giảm dần; ví dụ con rô-bốt công nghiệp thứ 100 sẽ không tạo ra lợi nhuận cao như con rô-bốt đầu tiên.

Nhiều người khác phê phán Piketty ở chỗ tư bản tích lũy theo kiểu thế kỷ 19 trong các cuốn tiểu thuyết cổ điển mà ông trích dẫn về bản chất khác hẳn tư bản tích lũy bởi những người dựa vào sự sáng tạo, tiến bộ công nghệ như Bill Gates hay Jeff Bezos. Bill Gates giàu không phải nhờ thừa hưởng gia sản và ông cũng từng tuyên bố không để lại sản nghiệp cho con cái.

Chê bai nhiều nhất, nhưng thật ra là nhẹ nhất vì những người này trước tiên đồng ý với lập luận của Piketty, là những chỉ trích giải pháp đánh thuế lên tư bản toàn cầu mà tác giả đề nghị. Họ đồng ý phải làm gì đó để giảm thiểu sự bất bình đẳng nhưng đánh thuế lên tư bản là chuyện không tưởng vì tư bản có chân, nó sẽ bỏ đi nơi không có thuế và cạnh tranh ở mức độ quốc gia sẽ tạo ra những “nơi trú ẩn an toàn” cho tư bản để nó “phát huy tác dụng” bất kể đang “đóng đô” ở phương nao.

Kẻ thiên hữu, người bảo thủ thì chống đối Piketty theo kiểu vì nguyên tắc mà họ tin tưởng hơn là dựa vào lập luận theo lô-gích. Nguyên tắc của họ, sôi động nhất dưới thời Tổng thống Reagan ở Mỹ và Thủ tướng Thatcher ở Anh là để yên cho thị trường hoạt động, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp, bất bình đẳng chút ít cũng không sao, thậm chí là liều thuốc kích thích mọi người hăng say làm giàu.

Với họ, vì sao không lập luận 1% người giàu đang tạo công ăn việc làm cho một tỷ lệ người làm công ăn lương lớn hơn nhiều lần, giả dụ 99% còn lại đi?

Dù sao, tranh cãi còn hơn không – bởi qua tranh cãi như thế xã hội phương Tây đang tìm cách thích nghi với những biến động mới để tìm ra mô hình phát triển mới, dựa trên những điều đã tranh cãi nát nước để cuối cùng sự đồng thuận nổi lên. Trong góc nhìn đó, đóng góp lớn nhất của Thomas Piketty mà cho đến giờ này cả hai phe đều phải thừa nhận là 20 năm nghiên cứu của ông với những số liệu thu thập được làm cơ sở cho cả hai phe lập luận, dù để kình chống nhau.



Box
Đọc “Tư bản trong thế kỷ 21” từ Việt Nam

Mặc dù cuốn sách của Thomas Piketty hoàn toàn không có số liệu nào cho Việt Nam, chúng ta vẫn có thể hình dung tích lũy tư bản giảm sút rất mạnh qua chiến tranh, rồi giảm tiếp qua các biến động như các đợt cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp... Lúc đó rõ ràng sự bất bình đẳng trong xã hội là không đáng kể vì trong một thời gian dài mọi người... nghèo như nhau.

Nếu nhớ lại giai đoạn trước và ngay sau khi Việt Nam vào WTO, giá trị tài sản tăng vọt làm cho sản nghiệp (wealth) của nhiều người phình ra. Nếu sách của Piketty cho rằng đất đai đã mất tính quan trọng của nó trong xã hội phương Tây ngày nay so với thế kỷ 19 thì ngược lại ở Việt Nam đất đai trở thành nguồn tư bản tạo ra những tỷ phú qua đêm. Có những thời điểm, rõ ràng thu nhập từ 100 năm lao động miệt mài cũng không bằng lợi nhuận do đất đai mang lại trong vài ba tháng. GDP như năm đó dù tăng cao nhưng làm sao cao bằng thu nhập từ tài sản, nhất là địa ốc, cổ phần, cổ phiếu...

Mặc dù hiện nay tốc độ tăng giá của tài sản, kể cả đất đai, cổ phần đã chựng lại, sự tích lũy tư bản trong những năm trước đó đang là nền tảng cho sự bất bình đẳng về thu nhập, ngày càng lớn ở Việt Nam. Một xu hướng nữa là nguồn vốn từ nước ngoài sẽ làm cho chênh lệch giàu nghèo dãn ra theo một hướng nữa: chúng ta sẽ trở thành người làm thuê ngay chính trên đất nước mình.



Trích đoạn

Trích từ cuốn “Tư bản trong thế kỷ 21” của Thomas Piketty
(Đoạn cuối phần Giới thiệu)
...
Thật là quá tự tin khi xuất bản một cuốn sách vào năm 2013 mà đặt tên “Tư bản trong thế kỷ 21”. Tôi xin độc giả thứ lỗi vì dùng nhan đề Tư bản trong thế kỷ 21 cho cuốn sách này, được xuất bản bằng tiếng Pháp năm 2013 và bằng tiếng Anh năm 2014. Tôi hiểu rất rõ làm sao mình có khả năng tiên đoán tư bản sẽ mang hình thái nào trong năm 2063 hay 2113. Như tôi đã nói và như tôi sẽ thường xuyên chứng minh trong các phần sau, lịch sử về thu nhập và sản nghiệp luôn mang tính chính trị sâu sắc, hỗn loạn và không thể tiên đoán.

Lịch sử này diễn biến ra sao tùy thuộc vào cách xã hội nhìn như thế nào về bất bình đẳng và sẽ có chính sách gì, thể chế nào để đo lường và chuyển biến bất bình đằng. Không ai có thể thấy trước những việc như thế sẽ thay đổi ra sao trong các thập niên tới.

Tuy nhiên các bài học lịch sử rất có ích bởi chúng giúp chúng ta thấy rõ hơn một chút chúng ta sẽ đối diện với những chọn lựa gì trong thế kỷ tới và những động lực nào sẽ phát tác ở đây. Mục đích duy nhất của cuốn sách, mà lẽ ra theo lô-gích phải được đặt tên “Tư bản vào buổi bình minh của thế kỷ 21”, là rút ra từ quá khứ một ít chìa khóa khiêm tốn cho tương lai. Vì lịch sự luôn tạo ra con đường riêng của nó, tính hữu ích thật sự của các bài học như thế vẫn còn phải chờ. Tôi đưa các bài học này ra cho độc giả mà không dám mạo muội nói mình biết hết ý nghĩa của chúng.



(Đoạn đầu tiên của Chương 1)
Vào ngày 16/8/2012, cảnh sát Nam Phi can thiệp vào một cuộc xung đột lao động giữa công nhân tại mỏ bạch kim Marikana gần Johannesburg và chủ mỏ: những người nắm cổ phần công ty Lonmin, Inc trụ sở ở Luân Đôn.

Cảnh sát dùng đạn thật bắn vào những người đình công. Ba mươi bốn thợ mỏ bị bắn chết. Như thường thấy ở các cuộc đình công như thế, xung đột chủ yếu liên quan đến tiền lương: thợ mỏ đòi tăng lương gấp đôi, từ 500 lên 1.000 euro mỗi tháng. Sau vụ thiệt hại nhân mạng bi thảm này, cuối cùng công ty đề nghị tăng lương tháng lên thêm 75 euro.

Sự kiện này nhắc cho chúng ta nhớ, nếu cần nhắc cho nhớ, rằng câu hỏi tỷ lệ nào của sản lượng nên dành cho lương, tỷ lệ nào dành cho lợi nhuận – nói cách khác, thu nhập từ sản xuất phải được phân chia thế nào cho lao động và tư bản – đã luôn là tâm điểm của cuộc xung đột phân bổ thu nhập.

Ở các xã hội trước đây, nét cơ bản của bất bình đẳng xã hội và nguyên nhân thường thấy nhất của việc nổi loạn là xung đột giữa chủ đất và nông dân, giữa những người sở hữu đất đai và những người canh tác đất bằng sức lao động, những người nhận địa tô và những người phải trả địa tô. Cuộc Cách mạng Công nghiệp làm sâu sắc thêm sự xung đột giữa tư bản và lao động, có lẽ vì sản xuất trở nên cần nhiều vốn hơn quá khứ (tận dụng máy móc và khai thác tài nguyên thiên nhiên nhiều hơn từng có trước đây) và cũng có lẽ bởi vì niềm hy vọng cho sự phân phối thu nhập bình đẳng hơn và một trật tự xã hội dân chủ hơn đã tan tành...


Bi kịch Marikana gợi nhớ những sự cố bạo lực trước đó. Tại Quảng trường Haymarket ở Chicago vào ngày 1/5/1886 và rồi tại Fourmies, ở miền bắc nước Pháp vào ngày 1/5/1891, cảnh sát bắn vào công nhân đang đình công đòi tăng lương. Loại xung đột nhuốm bạo lực như thế giữa lao động và tư bản chỉ thuộc về quá khứ hay nó sẽ là một phần hữu cơ của lịch sử thế kỷ 21?

Đứng xa nhìn... triết lý giáo dục

Đứng xa nhìn... triết lý giáo dục

Đối với khái niệm “triết lý giáo dục” tôi thường dùng cách “kính nhi viễn chi” bởi dù được đào tạo trong ngành sư phạm và đã từng dạy học hơn 10 năm, nếu có ai hỏi triết lý giáo dục Việt Nam là gì, tôi đành chịu, không trả lời được. Và cũng chẳng biết triết lý giáo dục chi phối nền giáo dục của nước này nước nọ cụ thể là gì.

Trong khi đó ở các nước, mỗi khi bàn đến cải cách giáo dục rất hiếm khi nghe họ nói đến triết lý giáo dục, có chăng chỉ nói về mục đích, tầm nhìn hay ý nghĩa của nền giáo dục mà họ muốn hướng đến.

Dù sao, cũng như mọi yếu tố khác trong giáo dục, “triết lý giáo dục”, nếu có, không thể chỉ đến từ giới quản lý, hoạch định chính sách giáo dục. Nó còn thể hiện ở người dạy và quan trọng hơn cả, ở người học.

Xin lấy ví dụ từ một môn học rất đơn giản để cùng hình dung. Nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy các trung tâm dạy lái xe thường bày cho người học các mánh lới để làm bài thi đạt điểm cao (kiểu như có từ “đường bộ” thì chọn câu 2, “đường sắt” thì chọn cách 5 mét...). Như vậy với họ, học lý thuyết chỉ nhằm mục đích để thi cho đạt chứ đâu phải học lý thuyết để biết mà lái xe cho đúng luật! Người học cũng vậy, thấy các mánh lới làm bài này đều nhớ nằm lòng, chẳng cần biết ý nghĩa của nội dung họ đang học.

Cái mắc mứu ở đây là người soạn đề sát hạch chọn cách tạo ra những cái bẫy để đánh đố người thi chứ không phải soạn đề như thế nào đó để người học phải học thật sự chứ không học vẹt, học theo kiểu đối phó. Có những câu hỏi mà các chọn lựa trả lời thật dài, giống nhau gần hết chỉ khác một hai chữ then chốt. Vậy tại sao không hỏi như thế nào đó để làm nổi bật cái điều then chốt muốn hỏi, tại sao phải tạo ra những đám mây mù hòng buộc người thi sập bẫy đánh sai làm gì? Tôi có tham khảo đề thi của các nước và thấy, đa phần họ hỏi rất cụ thể, thấy biển như thế này thì phải làm gì. Hỏi như vậy sẽ củng cố phản xạ của người học. Còn hỏi “biển nào cấm máy kéo?” như ở Việt Nam là cách hỏi lắt léo, mang tính đánh đố chứ không thực tiễn chút nào.

Cái triết lý giáo dục, nếu có, trong trường hợp này bị hỏng từ trên xuống dưới.

Trở lại các môn trong bậc học phổ thông. Cái quan niệm học để thi chi phối mọi hoạt động của thầy trò dù đó là thi học kỳ hay thi tốt nghiệp. Sự say mê học để tiếp nhận kiến thức, học để rèn luyện kỹ năng, học để tạo cho mình óc xét đoán, cách nhận định đúng sai hầu như không được đặt nặng. Môn toán được biên soạn theo cách giới thiệu kiến thức và bài tập là những lắt léo để bắt học sinh nhớ kiến thức – trong khi các hoạt động khác như dùng toán để giải các vấn đề của cuộc sống đặt ra, rèn luyện cách tư duy lô-gích lại không được chú trọng. Môn văn không nhằm giúp học sinh các kỹ năng diễn đạt bằng ngòi bút hay cảm thụ được cái hay cái đẹp của văn chương; nó chỉ củng cố một số khuôn mẫu được định sẵn, ép học sinh phải chấp nhận như chuẩn mực duy nhất đúng. Môn tiếng Anh cũng coi nhẹ việc rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ mà tập trung vào các tiểu xảo chuyển đổi câu, biến đổi câu ngay chính người nói tiếng Anh cũng ít khi dùng.

Sẽ có người nói, cái đó không phải là triết lý giáo dục. Nó chỉ mới dừng lại ở mức độ gì gì đó, thấp hơn triết lý giáo dục nhiều.

Như đã nói ở trên, thiệt tình tôi không biết đó có phải là triết lý giáo dục hay không. Nhưng dù phải dù không, tôi nghĩ cải cách giáo dục phải bắt đầu từ những chuyện cụ thể, dễ hiểu, dễ thay đổi như thế. Lúc đó, liệu có cần bàn đến triết lý giáo dục không nhỉ?

Hay là lúc đó mọi người mới chợt nhận ra “triết lý giáo dục” thay đổi tùy theo từng cá nhân, là cách họ tiếp cận giáo dục, cách họ tin giáo dục sẽ đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống của họ (như người học) hay của học sinh (khi họ là người dạy). Không thể áp đặt triết lý sống của một người cho toàn xã hội thì, theo tôi, cũng không hề có một triết lý giáo dục cho tất cả.


Thị trường và định hướng

Thị trường và định hướng

Nói đến kinh tế thị trường có lẽ người nói và người nghe đều hiểu như nhau vì dựa vào những nguyên tắc phổ biến như quy luật cung cầu. Thế nhưng khái niệm định hướng xã hội chủ nghĩa thì không được rõ ràng như thế. Ngay chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh, khi được hỏi thế nào là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà còn nói: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”. Có thể ý ông nói đã từng có mô hình đó trước đây đâu – đừng đi tìm nữa mà cứ bắt tay vào làm. Có người hiểu đó là nỗ lực bằng bàn tay hữu hình của nhà nước để hạn chế những thiếu sót của kinh tế thị trường; có người hiểu đó là định hướng nhằm tìm kiếm sự bình đẳng tương đối trong một mô hình mà bản chất là bất bình đẳng.

Nói gì thì nói, điều quan trọng nhất mà có lẽ ai cũng dễ đồng tình là hai vế của khái niệm này không được triệt tiêu lẫn nhau, không được mâu thuẫn nhau bằng không mọi nỗ lực sẽ bị hao phí.

Điều đáng tiếc, nhiều cơ quan quản lý không thấy được điểm này nên vẫn cho ra đời những chính sách triệt tiêu động lực của kinh tế thị trường trong khi không giúp được gì cho bình đẳng xã hội.

Lấy ví dụ chuyện áp trần giá sữa: mới nhìn qua tưởng đâu sẽ giúp các bà mẹ chi khoản tiền ít hơn khi mua sữa cho con bằng cách ép doanh nghiệp giảm bớt lợi nhuận.

Nhưng kinh tế thị trường hoạt động dựa trên quy luật cung cầu cho nên một khi nhà nước ấn định mức giá tối đa doanh nghiệp có thể bán một sản phẩm của họ thì chọn lựa hợp lý nhất đối với họ là giảm cung. Bởi trong một thị trường có tính cạnh tranh nếu đã giảm giá được để bán được nhiều sản phẩm hơn thì họ đã giảm rồi.

Cung đột ngột giảm trong khi cầu từ các bà mẹ nuôi con vẫn như cũ, chắc chắn giá sẽ tăng chứ không thể nào giảm được. Giá tăng đụng đến mức trần đã bị ấn định thì sản phẩm sẽ chuyển vào thị trường xám, thị trường chợ đen nơi bàn tay quản lý nhà nước không với tới được.

Có thể thấy ngay chính sách áp giá trần trong khi vẫn mong muốn xây dựng một nền kinh tế thị trường là một mâu thuẫn không thể vượt qua và chắc chắn chính sách sẽ không đi vào cuộc sống như mong muốn.

Ngược lại, nếu thật sự muốn dùng nguyên tắc cạnh tranh để giải quyết vấn đề giá sữa, chúng ta có những chọn lựa hoàn toàn khác; chẳng hạn khuyến khích nhập khẩu song song, khuyến khích thị trường xám, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng để hạn chế tình trạng bất đối xứng về thông tin về giá trị dinh dưỡng thật sự của sữa formula....

Một ví dụ khác, Bộ Xây dựng đề xuất không cấp giấy phép dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới trong năm 2014 còn Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thì than bất động sản khó khăn “do quá tôn trọng thị trường”. Mâu thuẫn giữa hai vế “kinh tế thị trường” và “định hướng” ở đây lên đến mức phải đề xuất tạm thời không áp dụng “kinh tế thị trường nữa”.

Vấn đề ở chỗ liệu đề xuất của Bộ Xây dựng có giúp ích gì cho những người thu nhập thấp, là đối tượng nhà nước phải hướng tới nhằm hỗ trợ để tạo ra sự bình đẳng trong xã hội? Không hề. Không cấp thêm giấy phép thì mừng nhất là những dự án đã có phép, thay vì giảm giá để bán cho được sản phẩm nay cứ yên tâm giữ giá vì không có thêm đối thủ cạnh tranh. Như vậy Bộ đứng đằng sau để ủng hộ cho doanh nghiệp mà là doanh nghiệp đặc quyền chứ đâu phải vì người mua hay vì thị trường nói chung?

Bởi thế, đứng trước câu hỏi “kinh tế thị trường” nhưng làm thế nào để đúng “định hướng”, trước tiên có lẽ phải xác định “định hướng” phải luôn là vì người dân, vì sự công bằng xã hội, vì sự phát triển bình đẳng cho mọi người. Chỉ khi xác định được như thế, cụm từ “định hướng” mới không bị lợi dụng làm bình phong cho lợi ích nhóm hay các hình thức tư bản thân hữu trá hình, làm cản trở các quy luật thị trường thật sự.




Giàu và nghèo và thế giới phẳng

Giàu và nghèo và thế giới phẳng

Tranh cãi về toàn cầu hóa là cuộc tranh cãi xưa như trái đất mà cho đến nay vẫn chưa có hồi kết; lập luận hai bên ủng hộ và chống đối cũng đều đã rõ. Tuy nhiên, gặp người cổ xúy hết lời cho toàn cầu hóa như Thomas Friedman, tác giả của các cuốn sách bán chạy về toàn cầu hóa như Chiếc Lexus và cây Oliu hay Thế giới phẳng mà không khơi lại cuộc tranh luận này cũng phí đi một cơ hội.

Vậy là tại buổi tọa đàm với Friedman khi ông ghé thăm TPHCM do NXB Trẻ tổ chức vào cuối tuần trước, tôi bèn cố ý “gợi” chuyện: “Tôi đồng ý với ông về mọi điều, thế giới đang ngày càng phẳng hơn, mọi người kết nối với nhau nhiều hơn, ngôi làng toàn cầu đang dần bé lại… nhưng thế rồi sao nữa? Các vấn đề của thế giới như đói nghèo, ô nhiễm, bất bình đẳng vẫn còn đó. Chắc ông đã đọc cuốn Tư bản trong thế kỷ 21 của Thomas Piketty – sách của nhà kinh tế này cho thấy toàn cầu hóa đâu có làm giảm bất bình đẳng trong thu nhập mà thậm chí ngày càng tăng đấy chứ?”

Không hổ danh là một nhà báo lão luyện, Friedman đáp bằng một câu có thể rút thành tít: “Tôi chưa đọc cuốn sách của Piketty nhưng giới cánh tả ở châu Âu và Mỹ dường như chỉ chú tâm làm sao để người giàu nghèo đi chứ không tìm cách sao cho người nghèo giàu lên [cho bình đẳng]”. Ông khẳng định: “Rõ ràng trong hai chục năm qua, hàng triệu triệu người ở các nước đang phát triển đã giàu hẳn lên nhờ vào quá trình toàn cầu hóa”.

“Tôi e rằng không đơn giản như thế”, tôi ngắt lời Friedman. “Đúng là mọi người có giàu lên nhưng mức độ cải thiện cuộc sống đâu có giống nhau. Người có nguồn lực như đất đai, tiền bạc, tài sản khác thì giàu lên nhanh hơn nhiều lần so với công nhân chỉ biết trông chờ vào đồng lương”.


Friedman cũng lịch sự đáp trả: “Thật sự phải nói tôi không đồng ý về điều đó”. Và ông bắt đầu kể về con đường phát triển kinh tế của Ấn Độ và Trung Quốc. Ông dùng lại hình ảnh các bức tường ngăn trở, và những đột phá công nghệ đã giúp phá vỡ những bức tường này như thế nào, đã giúp các nước này biến đổi ra sao, kể cả cạnh tranh với các nước phát triển... Ông cho rằng lập luận của Piketty chỉ tập trung vào các nước phát triển ở châu Âu hay Mỹ, rằng có thể dữ liệu của cuốn sách là đúng nhưng hầu như không thấy Piketty nói gì về vai trò của công nghệ, xem như công nghệ không tồn tại, không có vai trò gì trong việc giảm bất bình đẳng!

Friedman kể cánh tả Ấn Độ từng phê phán ông và cuốn sách Thế giới phẳng rằng Friedman chỉ đến gặp vài ba người giàu lên ở Ấn Độ nhờ công nghệ thông tin mà dám tuyên bố thế giới phẳng; họ bảo còn cả hàng triệu triệu người Ấn Độ nghèo khổ kia kìa, sao không nói đến. “Tôi mới bảo, ồ, thế à, cám ơn đã cho tôi biết điều đó!” – Friedman mỉa mai, với ý người nghèo thì đã tồn tại ở Ấn Độ hàng ngàn năm nay rồi, cái điểm mới mà ông muốn miêu tả là sự biến đổi nhờ công nghệ, nhờ toàn cầu hóa tác động lên một phần dân số Ấn Độ - đó là tin, đó là điểm mới mà ông muốn miêu tả trong cuốn sách của mình.

“Tôi phải thú thiệt tôi không phải là con người của số liệu, tôi chỉ là nhà báo. Tôi không biết hết mọi chuyện, tôi không phải là người lập thuyết. Tôi chỉ biết những gì mình tường thuật. Và điều tôi muốn tường thuật là những biến đổi xảy ra nhờ việc kết nối thế giới theo một cách hoàn toàn mới mẻ, chưa từng có”, ông nói và nhắc lại lập luận cho rằng những người nói về bất bình đẳng chỉ muốn làm người giàu nghèo đi chứ không phải là giúp người nghèo giàu lên.

Tôi vẫn chưa chịu bỏ cuộc. “Một trong những nạn nhân rõ nhất của công nghệ kết nối như ông nói là báo in. Số lượng phát hành các báo giảm, báo mạng chưa tìm ra phương thức cân đối thu chi. Người ta cũng đánh mất thói quen đọc sâu, đa phần chỉ thích đọc lướt và chọn đọc tin giải trí rẻ tiền. Ông nghĩ sao về mặt trái này?”

Có lẽ với nhà báo khác, tình cảnh này đã rõ và sẽ nhận được sự đồng tình nhưng với Friedman thì hơi khác. “Báo tôi [New York Times] bắt người đọc trả tiền và có đến 800.000 người trả tiền để đọc báo mạng. Nếu ta có nội dung hay mà bạn đọc muốn thì họ sẽ trả tiền để đọc thôi. Năm năm nữa báo giấy sẽ như thế nào, tôi không biết. Nhưng giờ đây bạn có thể bắt độc giả trả nhiều tiền hơn để đọc báo giấy [với chất lượng cao hơn]”.

Friedman cũng khuyên dùng chiêu dĩ độc trị độc, cứ đăng tin “hở hang hấp dẫn” để thu hút người đọc rồi đăng cả tin nghiêm túc kèm bên, một sự kết hợp mà nhiều báo đang dùng.

Nói là nói vậy thôi, khó khăn của làng báo in là chuyện khó giải quyết bởi ngay chính ở New York Times, gia đình Ochs-Sulzberger đang sở hữu tờ báo này cũng phải dùng nhiều biện pháp để tồn tại như, theo lời Friedman kể, không nhận lương hay phải vay tiền của Carlos Slim, trùm viễn thông Mexico, từng là người giàu nhất thế giới.

Vì vậy,  cú “gợi” chuyện sau cùng của tôi là “sự tự nguyện – free will”: “Nói cho cùng, tôi đâu muốn phải đăng tin bikini hấp dẫn để người ta đọc kèm với tin nghiêm túc; anh nông dân đâu muốn phải cạnh tranh với một người trồng lúa đâu tận bên kia bán cầu; người dân đâu muốn đánh đổi một nhà máy dù hoành tráng bằng nạn ô nhiễm. Toàn cầu hóa không cho người ta sự chọn lựa!”.

“Đây là vấn đề quá lớn” – Thomas Friedman cười nói và kết thúc câu chuyện. Đã bảo tranh cãi về toàn cầu hóa là câu chuyện chưa có hồi kết!


Saturday, May 3, 2014

Điểm cuốn Capital

1% sẽ ăn hết của 99%

Nếu trong giới kinh tế học mà cũng có ngôi sao như trong giới điện ảnh, ca hát thì Thomas Piketty ắt sẽ là ngôi sao mới nổi, đang được đón chào chẳng kém diễn viên Brad Pitt. Cuốn sách vừa xuất bản bằng tiếng Anh của ông, “Capital in the Twenty-first Century – Tư bản trong thế kỷ 21” tuần trước lọt vào danh sách sách bán chạy nhất của tờ New York Times. Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman cho rằng cuốn sách của Piketty sẽ “thay đổi cả cách chúng ta suy nghĩ về xã hội và cách chúng ta nghiên cứu kinh tế học”.

Chủ đề cuốn sách đang gây xôn xao dư luận này là bất bình đẳng trong thu nhập, một chủ đề quen thuộc, từng được đề cập trong hàng ngàn cuốn sách hay hàng ngàn bài viết trước đây. Thế nhưng vì sao sách của Thomas Piketty lại trở thành hiện tượng?

Trước tiên phải nói ngay sự bất bình đẳng trong thu nhập mà tác giả đề cập chủ yếu không xoay quanh chuyện lương các CEO cao gấp mấy trăm lần lương công nhân (có nhưng không phải là điểm chính). Sự bất bình đẳng này thể hiện giữa hai xu hướng: thu nhập từ tư bản, có tốc độ tăng cao hơn nhiều so với thu nhập từ sức lao động, thường thấp hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Lương của Bill Gates nay có thể không là bao nhiêu cả khi không còn làm cho Microsoft nhưng so với năm ngoái, tài sản của ông năm nay đã tăng thêm 9 tỷ đô-la, lên 76 tỷ đô-la Mỹ. Mức tăng ấy đến từ lợi tức tư bản mà dân gian chúng ta thường nói “tiền đẻ ra tiền”. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng GDP của nước Mỹ - điều đó có nghĩa, dù không muốn nhưng Bill Gates sẽ tiếp tục ngày càng giàu, trong khi đại đa số dân Mỹ thấy thu nhập hầu như không tăng. Vì vậy khoảng cách giàu nghèo giữa Bill Gates và những người có thu nhập từ tư bản như ông và những người làm công ăn lương sẽ ngày càng dãn ra, dãn dần ra đến một tỷ lệ không tưởng nổi.

Đó chính là lập luận chính của cuốn sách “Tư bản trong thế kỷ 21”. Tư bản, theo định nghĩa của Piketty gồm tất cả những tài sản mà người ta có thể sở hữu và mua bán trên thị trường, như bất động sản, vốn trong doanh nghiệp, máy móc, nhà xưởng, kể cả tài sản sở hữu trí tuệ. Tư bản tạo ra thu nhập và theo Piketty, hiện nay ở các nước phát triển, thu nhập từ tư bản vào khoảng 4-5%/năm.

Trong khi đó tốc độ tăng trưởng thu nhập quốc dân của các nước này chỉ vào khoảng 1-2%/năm.

Điều gì sẽ xảy ra nếu hai tốc độ chênh lệch nhau này cứ thế tiếp diễn trong suốt thế kỷ 21 này? Chắc chắn sẽ đến lúc những người nắm tư bản trong tay sẽ chiếm gần hết thu nhập của một nước trong khi những người còn lại, tức chỉ biết dùng sức lao động để tạo ra thu nhập, sẽ phải chia miếng bánh ngày càng nhỏ đi. Cuối cùng thế giới sẽ quay trở lại hình ảnh của châu Âu vào thế kỷ 19 khi giới thượng lưu không làm gì cả, chỉ biết hưởng lợi tức trên điền trang như trong các cuốn tiểu thuyết cổ điển và giới lao động bình dân luôn sống trong chật vật nghèo khó.

Lập luận này đi ngược lại những gì kinh tế học lâu nay thường giả định, rằng kinh tế thị trường sẽ làm cho bất bình đẳng trong thu nhập ngày càng nhỏ lại nhưng Piketty thuyết phục được nhiều người nhờ khối lượng dữ liệu khổng lồ trải dài suốt mấy trăm năm mà ông từng thu thập, phân tích để viết cuốn sách. Ví dụ ông cho rằng giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20, sự bất bình đẳng không rõ nét lắm là bởi tư bản hay sản nghiệp của nhiều người đã bị hủy diệt qua hai cuộc đại thế chiến, qua những cơn khủng hoảng và chỉ mới tích lũy lên lại mức xưa vào nửa cuối thế kỷ 20.

Điều gây ấn tượng trong lập luận của tác giả là: nền kinh tế càng rơi vào trì trệ, tốc độ tăng trưởng kinh tế càng giảm thì sự bất bình đẳng trong thu nhập càng cao (vì chênh lệch giữa thu nhập từ tư bản và thu nhập từ lao động càng cách biệt).

Thomas Piketty năm nay mới 42 tuổi, sinh trưởng ở Pháp. Năm 22 tuổi ông đã lấy xong bằng tiến sĩ kinh tế và được ba trường danh tiếng của Mỹ gồm MIT, Harvard và Đại học Chicago mời sang dạy. Ông chọn MIT nhưng chỉ dạy ở đây 2 năm rồi quay về Pháp và bỏ hết thời gian để nghiên cứu dữ liệu liên quan đến bất bình đẳng trong thu nhập của hàng chục nước trên thế giới.

Đương nhiên khi vẽ nên bức tranh của kinh tế thế giới đang đi vào chỗ bế tắc như thế, tác giả đưa ra những đề nghị táo bạo: đánh thuế lên tư bản để giảm bất bình đẳng. Đây là điểm yếu của cuốn sách vì đa phần đều cho là tác giả “ngây thơ về chính trị” – không ai dại gì đánh thuế lên tư bản vì nó sẽ chạy sang nước khác; một sắc thuế toàn cầu lại càng bất khả thi hơn.

Hiện nay đa phần lời bình khi điểm cuốn này là sự khen ngợi. Tuy nhiên, phải nói ngay cuốn sách được viết theo dạng nhắm đến độc giả không chuyên về kinh tế nên khá dài dòng, lập đi lập lại một cách không cần thiết. Bức tranh toàn cảnh mà tác giả đưa ra trải dài qua nhiều thế kỷ, qua nhiều nước nên giúp độc giả có được cái nhìn rất toàn diện, tỉnh táo, không bị tác động bởi các yếu tố chính trị, chiến tranh hay xung đột “nóng lạnh”. Nhưng cũng chính vì phải phân tích những chuỗi dữ liệu lớn như thế nên sách đôi lúc mang tính kỹ thuật, khá khô khan. Tác giả đã cố gắng cân bằng trở lại bằng cách dùng các cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Jane Austen, Balzac hay Henry James làm dữ liệu sống để minh họa cho số liệu thời đó.

Điều chắc chắn là cuốn sách của Thomas Piketty sẽ còn được bàn tán nhiều trong năm nay; các nhà làm chính sách ắt sẽ đọc kỹ và rất có thể những phân tích trong cuốn sách sẽ tác động đến một số chính sách trong tương lai. Biết đâu một số nước phương Tây sẽ nới lỏng thêm chuyện nhập cư vì Piketty cho rằng gia tăng dân số cũng là một trong những phương cách giảm bất bình đẳng trong thu nhập.




Quote:
“Tôi tin vào sở hữu tư nhân. Nhưng chủ nghĩa tư bản và thị trường phải là nô lệ cho nền dân chủ chứ không phải ngược lại” – Thomas Piketty.


Box:
Trong cuốn “Tư bản trong thế kỷ 21”, Thomas Piketty đưa ra hai “quy luật cơ bản của chủ nghĩa tư bản”. Thứ nhất, ở các nước phát triển tổng giá trị tư bản của nền kinh tế so với tổng thu nhập quốc dân hàng năm thường ở mức 5 đến 6 lần. Ví dụ ở các nước như Pháp, Anh, Đức, Ý, Mỹ, Nhật Bản, thu nhập quốc dân đầu người chừng 30.000 đến 35.000 euro/năm, còn tổng sản nghiệp đầu người (tức tư bản) chừng 150.000 đến 200.000 euro.
Từ đó, Piketty đưa ra quy luật đầu tiên, nếu tổng tư bản bằng sáu năm tổng thu nhập quốc dân và nếu tỷ lệ thu nhập từ tư bản là 5% thì phần chia cho tư bản từ thu nhập quốc dân là 30%.
Quy luật thứ hai, chỉ đúng trong dài hạn, cho rằng tỷ lệ tiết kiệm càng cao và tốc độ tăng trưởng càng thấp thì tỷ lệ tư bản trên thu nhập quốc dân càng cao. Nói cách khác giả thử một nước tiết kiệm 8% thu nhập và GDP hàng năm tăng 2% thì về lâu về dài nước này sẽ tích lũy một khoản tư bản bằng 4 năm tổng thu nhập quốc dân hàng năm. Nhưng nếu GDP chỉ tăng 1%/năm thì sau một thời gian, tỷ lệ tư bản trên thu nhập quốc dân này sẽ là 8 lần chứ không còn là 4 lần nữa.



Thế nào là ít, bao nhiêu là nhiều?

Thế nào là ít, bao nhiêu là nhiều?

Hai sự kiện mới nhìn tưởng chừng trái ngược nhau: một bên (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) khăng khăng kinh phí tổ chức ASIAD 18 chỉ có 150 triệu đô-la, một bên (Bộ Giáo dục - Đào tạo) bung ra kinh phí đổi mới chương trình và biên soạn sách giáo khoa lên đến trên 34.000 tỉ đồng. Cả hai đều bị dư luận phản đối.

Rõ ràng vấn đề không phải là con số kinh phí nhiều hay ít; vấn đề là các cơ quan nhà nước dường như không ý thức được ý nghĩa của các con số, cứ tung ra cho dư luận mà không lường hết tác dụng của chúng.

150 triệu đô-la để tổ chức ASIAD 18 là quá ít vì cơ quan tung con số này ra đã cố ý không tính đến phần kinh phí mà các địa phương phải chi cho sự kiện thể thao này cũng như bỏ lơ phần kinh phí xã hội hóa lớn hơn nhiều lần (lên đến 12.000 tỉ đồng).

Chính vì thế trong thông báo quyết định không đăng cai ASIAD 18, Văn phòng Chính phủ đã thông báo phân tích rất chính xác của lãnh đạo Chính phủ: “...việc đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình phải có để phục vụ cho ASIAD 18 theo hình thức xã hội hóa như: sân đua xe đạp lòng chảo, làng vận động viên, khu thi đấu đua ngựa và 5 môn phối hợp… cũng như dự kiến nguồn thu từ ASIAD để bổ sung cho kinh phí tổ chức là chưa có cơ sở chắc chắc và rất khó đảm bảo”.

Ngược lại, trên 34.000 tỉ đồng phục vụ việc thay sách giáo khoa là quá nhiều vì cơ quan tung ra con số này đã đưa vào đây những phần việc không liên quan trực tiếp đến nội dung chính.

Trong giải trình mới nhất, kinh phí biên soạn sách giáo khoa chỉ còn lại 105 tỉ đồng; các khoản lớn nhất, chiếm gần hết kinh phí như trên 20.000 tỉ đồng là để mua sắm trang thiết bị dạy học, 5.000 tỉ đồng là chi cho ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng kênh truyền thông giáo dục...

Bộ Giáo dục - Đào tạo, khi đưa ra các con số kinh phí này cũng không nói rõ đường đi nước bước của dòng tiền dành cho ngành giáo dục hàng năm nên gây hiểu nhầm, ngân sách lấy đâu ra khoản tiền lớn như thế trong bối cảnh bội chi, giảm thu?

Thật ra, ngân sách trung ương và ngân sách địa phương dành cho giáo dục đã định hình hàng năm, các khoản chi để bồi dưỡng giáo viên theo chương trình và sách giáo khoa mới hay để mua sắm trang thiết bị là lấy từ nguồn ngân sách này. Vấn đề chỉ là ưu tiên chuyện này thì giảm chuyện khác; đó là sự chọn lựa của ngành giáo dục mà thôi.

Nếu nhìn như thế thì con số 105 tỉ để biên soạn chương trình, biên soạn sách giáo khoa là quá ít. Cho dù tốn nhiều hơn chừng đó mà Việt Nam có một chương trình giáo dục phổ thông hoàn chỉnh để từ đó đổi mới giáo dục làm cho ngành giáo dục đào tạo được những con người sẵn sàng cho bậc học cao hơn hay tham gia được ngay vào nền kinh tế là điều đáng mừng.  

Lấy ví dụ, trong ước thực hiện thu chi ngân sách năm 2013 do Bộ Tài chính công bố, chi cho giáo dục - đào tạo, dạy nghề lên đến 167.992 tỉ đồng, chiếm 18% tổng chi ngân sách. Đề án xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa kéo dài trong nhiều năm tài chính, tức kinh phí biên soạn sẽ được phân bổ đều trong một vài năm. Vậy tổng kinh phí 105 tỉ đồng đâu có là bao nhiêu so với 167.992 tỉ đồng hay gấp hai gấp ba lần con số này?

Vấn đề là kế hoạch xây dựng chương trình có thật sự đổi mới chưa, có giải quyết được những vấn đề xã hội đặt ra lâu nay chưa, có thật sự tạo ra sự chuyển biến cho ngành giáo dục chưa? Nếu có thì ngân sách gấp vài lần cũng hoàn toàn xứng đáng; nếu chưa thì chỉ một phần kinh phí này cũng đã là lãng phí.

Cho đến bao giờ các quan chức nhà nước sử dụng các nguyên tắc tài chính, kinh tế vào quản lý hay ít ra vào việc truyền đạt chính sách hay đề án đến với công luận để dư luận không bị hút vào những tranh luận chưa cần có mà bỏ quên những tranh luận cần thiết hơn nhiều.




Cá nhân soạn sách giáo khoa?

Cá nhân soạn sách giáo khoa?

Nếu tạm thời gạt bỏ chuyện tiền bạc sang một bên thì nội dung quan trọng nhất của đề án “Đổi mới chương trình và sách giáo khoa” của Bộ Giáo dục - Đào tạo nằm ở chỗ “khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ sách giáo khoa hoặc các cuốn sách giáo khoa khác”. Tuy nhiên vấn đề là Bộ có thật sự muốn điều này và dùng chủ trương này để tạo ra sự đột phá trong biên soạn sách giáo khoa hay không.

Đề án, được dư luận quan tâm vì gắn với khoản tiền trên 34.000 tỷ đồng, thật ra bao quát một số phần việc chính gồm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; biên soạn bộ sách giáo khoa sau năm 2015; thử nghiệm, đánh giá chương trình, sách giáo khoa mới và cuối cùng là triển khai thực hiện trên toàn quốc.

Như vậy mấu chốt của đề án phải là việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, tích hợp vào đây tất cả những mong muốn đổi mới, cải tiến, chọn lựa nội dung cần giảng dạy, kể cả thể hiện những khái niệm khá mơ hồ mà đề án đưa ra như “dạy học tích hợp” hay “dạy học phân hóa”. Đây rõ ràng là phần việc của Bộ và chiếm vị trí quan trọng nhất của đề án. Nó phải được xem như bản vẽ chi tiết của nhà kiến trúc sư muốn xây dựng nền giáo dục nước nhà đi theo hướng nào, đi theo con đường nào… Ở đây, mong muốn “dạy chữ” hay “dạy người” sẽ được thể hiện, làm sao dạy cho học sinh ứng xử với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng sẽ được đặt ra, làm sao để bắt kịp với tư duy của thời đại mới được nhấn mạnh…

Các phần việc sau, kể cả biên soạn sách giáo khoa dựa trên chương trình nói trên, nên giao cho xã hội; Bộ không nên can thiệp và tham gia làm gì. Bởi vì mặc dù đề án khẳng định “từ chương trình quốc gia có thể có nhiều bộ sách giáo khoa hoặc cuốn sách giáo khoa khác nhau để đáp ứng tính đa dạng vùng miền và đặc điểm nhận thức của các đối tượng khác nhau”, Bộ lại giành cho mình vai trò trung tâm: “Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn đủ một bộ sách giáo khoa”.

Thử hỏi một khi Bộ đã bỏ công biên soạn một bộ sách giáo khoa rồi thì cá nhân, tổ chức nào có thể cạnh tranh nổi với Bộ. Thử hỏi khi đặt ra yêu cầu như trong đề án (“Tất cả sách giáo khoa phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt trước khi sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông”) thì làm sao duy trì được sự công bằng, khách quan trong thẩm định và phê duyệt.

Ở đa số các nước mà chúng ta quan sát được, cơ quan quản lý giáo dục chỉ đề ra chương trình khung hay mục tiêu giáo dục nói chung; việc biên soạn sách giáo khoa giao cho xã hội tự lo với nhau. Sự cạnh tranh để được thầy cô giáo và học sinh chọn để sử dụng buộc các nhà xuất bản phải cho ra đời các bộ sách giáo khoa ngày càng được cải thiện về chất lượng nội dung và hình thức.

Một khi đã có chương trình quốc gia rồi và một khi chương trình đã được sự đồng thuận của xã hội sau khi có sự “trưng cầu ý kiến” như đề án nói thì việc biên soạn sách giáo khoa chỉ là công đoạn “xây nhà dựa trên bản vẽ thiết kế đã có”. Nhất là khi Bộ đã “công khai các yêu cầu, tiêu chí đánh giá sách giáo khoa để làm căn cứ cho việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và sử dụng sách giáo khoa” thì không việc gì lo ngại sách “chệch hướng”, sách không đạt chất lượng, sách biên soạn cẩu thả… Việc biên soạn sách lúc đó sẽ giúp Bộ giải quyết một số vấn đề vướng mắc lớn của ngành giáo dục hiện nay.

Lấy một ví dụ về chuyện học thêm. Học sinh hiện đi học thêm vì nhiều lý do mà một trong những lý do có thể là các em đánh mất khả năng tự học vì sách giáo khoa quá sơ sài, không thể tự học, tự mày mò như ngày xưa. Nay nếu có những bộ sách biên soạn như sách giáo khoa nước ngoài, có nghĩa là dày gấp đôi gấp ba lần sách hiện nay, trình bày đầy đủ, minh họa rõ ràng để tự học sinh nếu bỏ công sức ra cũng có thể tự học thì chuyện học thêm sẽ giảm đi nhanh chóng.

Việc để cho cá nhân tham gia viết sách giáo khoa, có nhiều bộ sách giáo khoa tốt, đầy đủ, dày dặn và các trường có quyền lựa chọn sách phù hợp cho học sinh, còn là một cách hạn chế sách tham khảo tràn lan, chất lượng bát nháo như hiện nay nữa.

Với thị trường to lớn của sách giáo khoa chắc chắn sẽ có những nơi sẵn sàng đầu tư để biên soạn sách một cách công phu vì khả năng thu hồi vốn đầu tư là cao. Nhưng nếu Bộ vẫn giành quyền biên soạn thì không ai dám liều lĩnh bỏ công sức biên soạn sách mà chưa biết có được sử dụng hay không.

Đề án được viết theo kiểu cũ, cứ ôm hết mọi phần việc cho Bộ lo nên số tiền cần có để triển khai đề án lên đến trên 34.000 tỷ đồng, kể cả những đầu việc mênh mang mà việc triển khai không có gì bảo đảm đúng hạn, đúng chất lượng. Có thể tính theo cách thức mà Bộ quen làm lâu nay, ví dụ tập huấn cho hàng trăm ngàn lượt người nhân cho số ngày nhân cho định mức được Bộ Tài chính duyệt thì sẽ ra những con số khổng lồ đó thật.

Nhưng nếu làm theo cách mới, vấn đề kinh phí không còn là chuyện lớn. Phần việc quan trọng nhất là xây dựng chương trình, cái đó thật sự cần kinh phí nhưng chỉ là một phần rất nhỏ so với 34.000 tỷ đồng. Các phần việc sau như biên soạn sách giáo khoa giao cho xã hội lo; chuyện đào tạo lại giáo viên để có thể dạy theo chương trình mới là công việc thường xuyên của nhà trường và cũng phải để giáo viên tự lo. Bộ chỉ là nơi đưa ra các tiêu chí và giám sát thực hiện tiêu chí. Nếu xem chương trình và sách giáo khoa là “dạy cái gì” thì phần triển khai “dạy như thế nào” thiết nghĩ nên trao quyền cho nhà trường và giáo viên để họ có thể thật sự tìm tòi sáng tạo và áp dụng những phương thức truyền đạt kiến thức tốt nhất, không còn những nổi lo phi lý như “cháy giáo án”.

Nếu nhìn theo góc độ đó thì đề án thật sự là sơ sài, phần quan trọng là xây dựng chương trình giáo dục quốc gia chưa hình thành rõ nét; phần biên soạn sách giáo khoa quá chú trọng các vấn đề hình thức như thử nghiệm, đánh giá, lộ trình; phần triển khai khá máy móc theo một lộ trình chủ quan. Thiết nghĩ yêu cầu của các đại biểu Quốc hội bắt Bộ Giáo dục – Đào tạo soạn lại đề án trước khi dựa vào đó ra Nghị quyết là yêu cầu xác đáng.

Box

Đề án này bỏ quên đề án ngoại ngữ quốc gia 2020

Một điều đáng ngạc nhiên là trong khi hiện nay Bộ GD-ĐT đang ráo riết triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 với những bước đi như giúp giáo viên đạt chuẩn châu Âu cũng như triển khai cách khảo sát trình độ học sinh theo các chuẩn quốc tế thì đề án này không có dòng nào về việc này.

Lẽ ra một khi đã xác định chương trình khung về ngoại ngữ cho giáo dục phổ thông cũng như các chuẩn mà học sinh các cấp phải đạt được thì chương trình dành riêng cho bộ môn ngoại ngữ, kể cả sách giáo khoa đã được giải quyết xong. Điều này lẽ ra phải được thể hiện trong đề án “Đổi mới chương trình và sách giáo khoa” để tránh sự trùng lắp, lãng phí.


Coi chừng nhầm rừng với cây

Coi chừng nhầm rừng với cây

Vì sao dữ liệu lớn (big data) bỗng trở thành một câu chuyện thời thượng? Và vì sao nay lại có những lời phản bác dữ liệu lớn theo kiểu quay ngoắt 180 độ? Cái quan trọng hơn dữ liệu là gì?

Thành phố Boston một hôm bỗng nảy ra một ý tưởng xuất sắc: viết một phần mềm cho điện thoại di động thông minh, kêu gọi người dân cài đặt, bất kỳ khi nào họ lái xe qua một ổ gà, ổ voi, máy sẽ ghi nhận cú nhún đột ngột. Hàng ngày, hàng chục ngàn dòng dữ liệu như thế chảy về một trung tâm xử lý sẽ giúp Boston biết ngay đường phố nào đang hư hỏng, mức độ nặng hay nhẹ để cho người đi sửa chữa ngay.

Đó là một ví dụ trong đời thường về dữ liệu lớn và những gì nó có thể làm được. Thử tưởng tượng trước đây làm sao có cách nào có được thông tin đầy đủ về tình trạng sức khỏe đường sá một thành phố lớn theo thời gian thật như thế.

Dữ liệu lớn ở khắp nơi

Chỉ trong mấy năm gần đây, dữ liệu lớn hay nói đúng ra, cách khai thác những luồng dữ liệu khổng lồ để tìm ra những xu hướng, những bức tranh tổng thể, những lớp thông tin nằm bên dưới... đã trở thành một lãnh vực phát triển nhanh chóng đến mức kỳ diệu. Hăm hở nhất là doanh nghiệp: họ cứ tưởng giờ đây họ đã hiểu khách hàng tận chân tơ kẻ tóc; dùng dữ liệu mà các gã khổng lồ như Google thu lượm hàng ngày hàng giờ, doanh nghiệp có thể nhắm ngay trúng đích người đang cần sản phẩm hay dịch vụ của mình. Thực tế đã có những câu chuyện nghe như khoa học viễn tưởng: bạn viết email hỏi người bạn ở Đà Nẵng khách sạn nào là tốt nhất để ở mấy ngày cuối tuần, chưa thấy ai trả lời thì Google đã cho hiện lên thông tin về đúng loại khách sạn bạn tìm. Từ kho dữ liệu lớn công cộng, một tờ báo biết ngay độc giả tuổi teen của họ đang tìm kiếm những từ khóa gì và tổ chức bài vở đúng y sở thích của những độc giả tiềm năng này.


Có một câu chuyện minh họa cho dữ liệu lớn, không biết là chuyện thiệt hay bịa. Dân tình đồn đoán chuỗi siêu thị Target là nơi sử dụng dữ liệu lớn thành công hơn cả. Một hôm một người đàn ông giận dữ xông vào văn phòng Target ở Minneapolis, la mắng ban giám đốc vì sao cho người gởi tài liệu giới thiệu quần áo trẻ em và tả lót cho con gái ổng trong khi cô này đang còn tuổi đi học. Giám đốc hết lời phân bua và xin lỗi vì có lẽ máy tính nhầm lẫn gì chăng. Bất ngờ thay một tuần sau ông bố mới thật sự biết cô con gái tuổi teen của ông vừa mới mang bầu. Target biết trước ổng do phân tích đúng mọi dữ liệu thu thập được từ thói quen mua sắm của cô này.

Sự đời hóa ra không đơn giản

Mọi việc đang diễn tiến tốt đẹp cho ngành khai thác dữ liệu lớn như thế bỗng trong tháng gần đây, hàng loạt các tờ báo lớn trên thế giới cùng nhau lên tiếng phê phán việc quá coi trọng dữ liệu lớn.

Tờ New York Times liệt kê tám, chín điều “băn khoăn” về dữ liệu lớn. Ví dụ mối tương quan giữa các dữ liệu có thật tương quan không (Từ 2006 đến 2011, tỷ lệ sát nhân và tỷ lệ sử dụng Internet Explorer có mối tương quan rất rõ: cả hai đều giảm mạnh; hay từ 1998 đến 2007 số lượng ca bệnh tự kỷ được phát hiện tăng nhanh y như mức tăng doanh số hàng thực phẩm hữu cơ. Nhưng có ai dám kết luận mối quan hệ nhân quả nào ở đây chăng!)

Hay con người rất dễ đánh lừa các phần mềm dựa vào dữ liệu lớn. Các chương trình thử nghiệm chấm điểm bài luận sinh viên thường dựa vào các yếu tố như độ dài của câu, sự xuất hiện các từ khó, từ thể hiện độ chín của tư duy... Thế là sinh viên cứ cố tình viết câu cho dài, cứ lâu lâu lại thả vào bài một hai từ “đao to búa lớn” dù chúng không ăn nhập gì đến nội dung. Kết quả bài theo đúng mô-típ như thế đều được điểm cao.

Điều quan trọng nhất trong các vấn đề mà tờ báo này nêu ra có lẽ là chuyện dữ liệu lớn được thu thập theo một cách, vì một mục đích nào đó nay được đem ra phân tích theo cách khác, vì mục đích khác. Đương nhiên kết quả sẽ bị méo mó, không còn đáng tin cậy. Kho dữ liệu lớn hiện có đến từ nhiều nguồn, nhiều phương pháp thu thập, liệu ai dám đoan chắc chúng được khai thác đúng cách?

Tờ Financial Times viết mạnh hơn, đặt vấn đề ngay trên tựa “Dữ liệu lớn: Có phải chúng ta đang phạm sai lầm lớn?” Tờ này kể lại câu chuyện xảy ra từ năm 1936 khi Alfred Landon ra tranh cử chức tổng thống Mỹ với Franklin Roosevelt. Tờ Literary Digest làm một cuộc thí nghiệm táo bạo, tiên đoán kết quả cuộc tranh cử bằng cách thăm dò đến 10 triệu người, tức một phần tư số cử tri lúc đó. Sau khi tổng kết 2,4 triệu phiếu thăm dò gởi trả về tòa soạn, một tỷ lệ hồi âm rất lớn, tờ này bèn mạnh dạn kết luận: Landon sẽ thắng với tỷ lệ 55% so với 41%.

Kết quả thật hoàn toàn ngược lại: Roosevelt thắng áp đảo, 61% so với 37%. Đau cho Literary Digest là một cuộc thăm dò quy mô nhỏ hơn nhiều của một nhà tiên phong trong lãnh vực thăm dò là George Gallup (chỉ phỏng vấn 3.000 người) đã có kết quả gần sát với thực tế. Gallup hiểu một điều mà tờ Literary Digest không chịu hiểu: khi nói đến dữ liệu, lớn hay nhỏ không thành vấn đề. Để từ đó tờ Financial Times cảnh báo về lỗi khi lấy mẫu và thiên kiến khi lấy mẫu có thể làm cho dữ liệu lớn trở thành vô giá trị. Ví dụ tờ Literary Digest lấy danh sách người để gởi câu hỏi từ danh sách đăng ký xe ô tô – một mẫu không mang tính đại diện cho cử tri vì toàn là người giàu có.

Ngày nay người ta hoàn toàn có thể quét hết nội dung trên Twitter của một ngày nào đó rồi dựa vào đó mà phân tích tâm trạng của xã hội vào thời điểm đó, được chăng? Hoàn toàn không vì người dùng Twitter ở Mỹ là giới trẻ, sống ở thành thị hay vùng ngoại ô chứ không phải là toàn bộ dân số Mỹ.

Trở lại với ví dụ về ứng dụng tự động phát hiện ổ gà của thành phố Boston, thực tế đây chỉ là bản đồ tình trạng đường sá của những khu nhà giàu, khu giới trẻ hay lui tới bởi sở hữu điện thoại di động là giới đó chứ không phải toàn bộ thành phố, không phải là các khu nghèo, ổ gà nhiều hơn, cần sửa đường nhiều hơn.

Dữ liệu lớn, dù là cơ sở để doanh nghiệp, tổ chức tiên đoán được tâm lý, thói quen người tiêu dùng, cũng không nên và không thể trở thành yếu tố xác định dòng chảy cuộc sống. Báo mà cứ chạy theo dữ liệu lớn về sở thích đọc tin giật gân của đại đa số thanh niên ngày nay thì không lẽ cứ chìu theo để đăng toàn tin giật gân, bỏ qua loại tin nghiêm túc? Doanh nghiệp đo lường xu hướng thời trang năm nay xong, không lẽ chỉ sản xuất độc nhất một loại áo bán chạy để tất cả xã hội thành nơi mặc đồng phục? Cái bất ngờ, cái dị biệt luôn là gia vị của cuộc sống – dữ liệu lớn hay không có dữ liệu lớn – không có những ngoại lệ này cuộc sống sẽ thiếu màu sắc biết bao.

  



Box
Từ chuyện cảm cúm mà ra
Câu chuyện dữ liệu lớn bùng phát một phần do sự ồn ào Google tạo ra cách đây 5 năm. Lúc đó một nhóm nghiên cứu của Google xuất bản một bài trên tạp chí Nature cho biết họ có thể theo dõi sự bùng phát của dịch cúm ở khắp nước Mỹ một cách chính xác và nhanh hơn Trung tâm Phòng chống dịch bệnh. Đó là nhờ theo dõi và phân tích xu hướng tìm kiếm từ khóa “bệnh cúm” cũng như những từ miêu tả triệu chứng của bệnh này.
Từ đó dữ liệu lớn kiểu “xu hướng bệnh cúm Google” này đã trở thành đề tài thời thượng.
Năm ngoái tờ Nature lại đăng bài nhưng lần này là tin xấu cho Google. Sau khi cung cấp thông tin chính xác về sự bùng phát dịch cúm ở các địa phương trong mấy mùa cúm liên tiếp, nay dữ liệu của Google cung cấp không còn chính xác nữa. Có lúc dữ liệu của Google cảnh báo cúm sắp bùng lên ở đây hay ở đây nhưng sau đó không có gì xảy ra cả.
Lý do có thể vì Google đi tìm mối liên hệ nhưng không chú ý đến nhân quả. Ví dụ cuối năm 2012 thế giới đang lo sợ vì dịch cúm, đương nhiên ai cũng đi tìm thông tin chứ đâu phải vì họ có triệu chứng bị bệnh. Hay có thể do Google thay đổi thuật toán tìm kiếm nên kết quả không còn chính xác như xưa. Dù sao câu chuyện cảm cúm của Google phản ánh rõ sự thăng trầm của dữ liệu lớn trong mấy năm qua.


Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...