Thursday, February 16, 2012

Nghịch lý thuế chứng khoán

Nghịch lý thuế chứng khoán

Nhân dịp Facebook chuẩn bị lên sàn chứng khoán, giới phân tích Mỹ lại bàn tán về chuyện thuế đối với chứng khoán và những nghịch lý khó vượt qua.

Từ mức thuế kỷ lục

Nhiều báo đưa tin có khả năng người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg phải chịu mức thuế kỷ lục lên đến 2 tỷ đô-la trong năm nay. Nhưng đó chỉ là giả định chứ chưa phải là chuyện chắn chắn. Nguyên do là vì Zuckerberg hiện sở hữu 414 triệu cổ phần Facebook, ngoài ra anh ta còn có quyền mua thêm 120 triệu cổ phần với giá rất rẻ là 6 xu/cổ phần. Nếu Zuckerberg quyết định thực hiện quyền mua này và sau đó cho dù vẫn nắm giữ chứ không bán chúng ra thị trường, anh ta phải chịu thuế trên khoản chênh lệch giữa giá 6 xu và giá thị trường vào ngày thực hiện quyền mua. Giả thử giá Facebook cũng bằng giá đang giao dịch trên thị trường không chính thức là 40 đô-la/cổ phiếu, khoảng cổ phiếu mà Zuckerberg được quyền mua thêm trị giá đến 5 tỷ đô-la và mức thuế phải trả lên đến chừng 2 tỷ đô-la!

Nhớ lại thời bùng nổ các công ty liên quan đến Internet vào những năm 2000, nhiều người trở thành triệu phú trong nháy mắt như kiểu Facebook nhưng sau đó cũng nhiều người cháy túi và mang nợ khi bong bóng dot.com xì hơi. Đó là vì họ cũng có quyền mua cổ phiếu giá rẻ, cũng thực hiện quyền mua, cũng chịu thuế nhưng lại vay tiền để trả thuế chứ không chịu bán cổ phiếu ra. Ví dụ họ có quyền mua cổ phiếu với giá 1 đô-la/cổ phiếu, giá thị trường vào ngày thực hiện quyền mua là 30 đô-la, tính ra họ phải chịu thuế trên 29 đô-la tiền lãi. Giá cổ phiếu lúc đó cứ tăng nên ít ai chịu bán ra. Không ngờ chỉ một thời gian ngắn sau thị trường sụp đổ, giá cổ phiếu lấy làm ví dụ này giả thử giảm xuống còn 5 đô-la thì người thực hiện quyền mua vẫn phải chịu thuế trên khoản lãi 29 đô-la dù thực tế họ không hưởng được khoản lãi này. Vậy là nhiều người trắng tay, cũng trong nháy mắt.

Rút kinh nghiệm, lần này Zuckerberg cho biết sẽ bán ngay một số cổ phiếu Facebook để có tiền trả thuế mặc dù ai cũng tin giá cổ phiếu Facebook còn lên một thời gian nữa.

Đến tỷ phú không phải trả thuế

Ngược lại, với số cổ phiếu Zuckerberg đang sở hữu, nếu anh ta không bán đi thì không phải đồng thuế nào. Nhiều tỷ phú chứng khoán của Mỹ hiện đang làm theo cách, cổ phiếu cứ để vậy, đi vay tiền mà tiêu để khỏi chịu thuế. Ví dụ Lawrence J. Ellison, tổng giám đốc Oracle vay hơn một tỷ đô-la, dùng cổ phiếu Oracle của ông ta làm vật thế chấp, để tiêu xài, mua du thuyền đắt tiền mà không phải trả xu tiền thuế nào cả.

Tờ New York Times giả định nếu Zuckerberg không bao giờ bán cổ phiếu, năm 2012 lại nhận lương tượng trưng 1 đô-la thì năm 2013 chẳng phải trả đồng tiền thuế nào! Giả thử cứ thế đến lúc chết, Zuckerberg có thể chuyển cổ phiếu cho con cái thừa kế và nếu chúng bán cổ phiếu ra thị trường thì cũng chỉ chịu thuế trên khoản chênh lệch tăng giá nếu có từ khi Zuckerberg qua đời cho đến khi bán ra.

Trường hợp gần đây nhất mà tờ báo này lấy ra minh họa là Steve Jobs. Sau khi tái gia nhập Apple vào năm 1997, Jobs chưa bao giờ bán cổ phiếu Apple nào cả cho đến khi qua đời nên chưa bao giờ phải trả đồng thuế nào trên 2 tỷ đô-la trị giá cổ phiếu Apple mà ông nắm giữ. Nay nếu vợ ông bán cổ phiếu này ra, bà chỉ phải trả thuế trên phần tăng giá từ ngày Jobs qua đời đến ngày bán ra mà thôi – khoản tăng giá diễn ra trong phần đời Steve Jobs không phải chịu thuế.

So với những nhân vật khác, tờ New York Times cho rằng đang có sự bất công ở đây. Ví dụ ca sĩ Lady Gaga, năm 2010 kiếm đây chừng 90 triệu đô-la, phải chịu mức thuế cao nhất, trong khoản 30 đến 45 triệu đô-la tiền thuế.

Vì thế tác giả bài báo đề nghị nên có loại thuế “điều chỉnh theo thị trường” để đánh thuế lên những tỷ phú chứng khoán nếu không những tỷ phú như Warren Buffett, Bill Gates nhiều lúc trả ít thuế hơn nhiều người khác. Đề nghị này cho rằng những ai sở hữu từ 5,7 triệu đô-la chứng khoán trở lên, phải chịu thuế trên phần tăng giá chứng khoán họ sở hữu trong năm đó, bất kể họ có bán chứng khoán hay không. Nếu năm nào giá chứng khoán họ sở hữu bị giảm giá, họ sẽ được hoàn thuế.

Nghe thì hay nhưng chắc chắn đề nghị này sẽ không bao giờ được thực hiện vì người ta sẽ lập luận, không ai phải chịu thuế trên thu nhập “ảo”, thu nhập “trên giấy tờ” bao giờ. Cũng như chẳng người dân nào chịu để chính phủ hoàn thuế bằng tiền thật cho các tay chơi chứng khoán thua lỗ, cũng là những khoản lỗ trên giấy.

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...