Monday, January 23, 2012

Trí thức là cái chi chi?

Trí thức là cái chi chi?

Có những cái, chỉ khi ta đã đánh mất thì mới ý thức được sự tồn tại trước đó của nó. Đạo đức là một ví dụ. Một xã hội lương hảo ai bàn chuyện đạo đức mà làm chi.

Trí thức cũng là một khái niệm tương tự. Theo nghĩa, không ai có thể tự gán cho mình danh nghĩa trí thức được cả. Trí thức là sự cảm nhận của người khác, là sự quan sát, nhận định từ bên ngoài, đánh giá một con người dựa vào những tiêu chí mà người quan sát, nhận định có sẵn trong đầu. Nếu không thấy được cái đặc điểm này thì cứ tranh cãi miết không dứt về hai chữ trí thức.

Chúng ta hãy đi từ những ví dụ quanh mình cho dễ thấy. Một vị giáo sư đại học khả kính, viết thiên kinh vạn quyển, đi khắp nơi để diễn thuyết, nói chung ai nấy đều xem là một nhà trí thức hàng đầu. Thế nhưng có ai thử hỏi hàng xóm sẽ nghe người ta dè bỉu: trí thức gì lão ấy, lão đối xử với bố mẹ như tôi tớ, chuyên đánh vợ như cơm bữa. Thế là trong cảm nhận của người láng giềng, ông giáo sư không phải là trí thức cho dù cả ngàn người khác nghĩ ngược lại. Cả hai đều đúng và ông giáo sư ấy vừa là trí thức vừa không xứng đáng là trí thức. Chuyện này không có gì mâu thuẫn hay ba phải cả vì như đã nói, trí thức là cái cảm nhận chứ đâu phải hàm tước gì mà đạt hay không đạt.

Như vậy lao động trí óc là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Cái điều kiện đủ nó rất phong phú, tùy thuộc vào sự cảm nhận của người đánh giá. Với người này, đó là phong cách sống, là ứng xử với thế sự và nhân cách con người. Với người khác, nó có thể đơn giản là trách nhiệm với gia đình, với mọi người chung quanh. Nhưng với xã hội lớn nói chung, cái điều kiện đủ đó chính là sự minh định rõ ràng tư thế, quan niệm, lập trường trước các vấn đề của xã hội. Nó không phải đơn thuần là sự phản biện (hiểu theo nghĩa cứ ai chăm chăm phê phán nhà nước là trí thức thì nông cạn quá). Phản biện chỉ là một phần và là một phần quan trọng trong tâm thế của một con người trước muôn vàn vấn đề của cuộc sống.

Và ở đây cũng phải trở lại mấu chốt nói ở đầu bài: trí thức hay không là sự cảm nhận của người khác. Vì thế một người phản biện gay gắt một chủ trương của nhà nước có thể được đánh giá là tri thức sáng suốt, dũng cảm với người này nhưng bị xem là mù quáng, là mị dân với người khác. Một người lên tiếng ủng hộ giới cầm quyền có thể được ca ngợi là trí thức có trách nhiệm bởi một số người nhưng bị chê bai bởi nhiều người khác. Đó hoàn toàn là chuyện bình thường.

Vậy, vấn đề là tầm cỡ trí thức của một nước sẽ lớn cùng với nhận thức của dân chúng. Càng nhiều người cảm nhận đúng (cũng là một sự chủ quan của người viết – nhưng sự đúng đắn ở đây dựa vào các giá trị phổ quát toàn thế giới) thì đất nước càng có nhiều trí thức trong tâm tưởng của dân chúng nếu những người có điều kiện cần sẵn sàng dấn thân trước những vấn đề là điều kiện đủ (tức là nhu cầu của người dân, đòi hỏi của người dân với giới trí thức).

Bổ sung: Ở những nước đang phát triển như Việt Nam, ngổn ngang nhiều vấn đề, tâm thế dấn thân càng có tầm quan trọng. Bởi xã hội khi đối diện trước những vấn đề mới đều cần có những người nói lên những quan điểm rõ ràng giúp người dân nhận diện đúng sai. Vì thế, vai trò của người trí thức thường là người đứng ngoài vòng đặc quyền để chất vấn mọi chuyện, tức vừa từ bỏ vị trí đặc quyền để khỏi xung đột lợi ích, vừa có cam đảm để lên tiếng cho xã hội, bất kể tiếng nói đó có làm giới cầm quyền hài lòng hay không. Người trí thức làm tất cả những điều đó như một công việc bên ngoài nghề nghiệp chính của họ. Một bác sĩ chữa bệnh, một nhà văn viết sách không ai xem đó là hoạt động của nhà trí thức. Đó là hoạt động nghề nghiệp đương nhiên của họ.

Saturday, January 14, 2012

Những con số khó hiểu

Những con số khó hiểu

Kết thúc năm 2011, nhiều ngân hàng công bố mức lãi kỷ lục. Ví dụ, Vietinbank lãi 8.105 tỷ đồng hay Vietcombank lãi 5.700 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng khác cũng có những mức lãi khó tin như thế.

Đối với nhiều người, ngàn tỷ đồng lớn đến bao nhiêu thật khó hình dung. Có lẽ chuyển sang đô-la Mỹ cho dễ thấy - 8.105 tỷ đồng tương đương mức lãi 385 triệu đô-la, 5.700 tỷ đồng tương đương 271 triệu đô-la!

Đây là mức lãi lớn bất ngờ, ngay với cả người trong cuộc. Còn nhớ khi cổ phần hóa, bán cổ phần lần đầu ra công chúng, Vietinbank cũng chỉ đặt chỉ tiêu lãi trước thuế cho năm 2011 là 4.954 tỷ đồng. Còn năm 2005 lãi của ngân hàng này chỉ có 525 tỷ đồng.

Mức lãi này cho thấy nhiều điều.

Áp đặt mức trần lãi suất huy động 14% trong khi thả nổi lãi suất cho vay là một chủ trương có lợi cho giới ngân hàng trong khi phần thiệt sẽ thuộc về người dân và doanh nghiệp. Khi lãi suất huy động bị khống chế ở mức 14%, lượng tiền huy động sẽ bị hạn chế theo cho nên ngân hàng sẽ chọn khách hàng nào chịu lãi suất cao để cho vay chứ đâu có động cơ giảm lãi suất cho vay để lôi kéo khách hàng. Trong một tình huống ngược lại, nếu lãi suất cho vay bị khống chế ở một mức nào đó trong khi lãi suất huy động được thả nổi, các ngân hàng sẽ cạnh tranh nâng lãi suất huy động đến một mức nào đó, thấp hơn trần lãi suất cho vay để họ còn có lãi nhưng cao hơn hiện nay để thu hút người dân gởi tiền. Lúc đó lợi nhuận của các ngân hàng có thể không cao như hiện nay nhưng cả nền kinh tế sẽ được lợi, thanh khoản sẽ được cải thiện, lãi suất cho vay sẽ được kiểm soát… Kiểm soát bằng trần lãi suất dù lãi suất huy động hay lãi suất cho vay đều làm cho cung cầu méo mó nhưng mỗi loại méo mó mỗi cách và mỗi loại có lợi cho các đối tượng khác nhau.

Thật ra, đâu phải khoản tiền nào gởi vào ngân hàng cũng nhận lãi suất huy động tối đa 14% đâu. Các ngân hàng thương mại nhà nước hay nhà nước nắm cổ phần chi phối vẫn đang hưởng lợi thế nhận tiền gởi từ các tổ chức, doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn trần 14% rất nhiều. Vậy mà họ không có động lực giảm lãi suất cho vay vì không có gì thúc đẩy họ làm chuyện đó cả. Thị trường bị méo mó là vì thế.

* * *

Một con số khác cũng làm nhiều người ngạc nhiên. Đó là doanh thu của hai công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam. VNPT năm 2011 có doanh thu lên đến 117.275 tỷ đồng; Viettel có doanh thu không kém – 116.012 tỷ đồng (Nguồn: ITCnews). Một nguồn khác cho con số hơi khác một chút, doanh thu năm 2011 của VNPT là 120.800 tỉ đồng còn của Viettel khoảng 117.000 tỉ đồng (Nguồn: SGTT).

Cứ lấy theo con số đầu tiên thấp hơn, cộng hai nguồn doanh thu này lại, chúng ta có con số 233.287 tỷ đồng (tương đương khoảng 11 tỷ đô-la Mỹ)! Mặc dù chưa tính các hãng viễn thông khác, đây là con số khổng lồ.

Chia con số này cho 87 triệu dân, chúng ta thấy mỗi người dân, từ em bé sơ sinh đến cụ già trăm tuổi, năm vừa rồi đã chi gần 2,7 triệu đồng cho ngành viễn thông (chưa tính các hãng viễn thông khác), tức gần 10% tổng thu nhập đầu người. Dĩ nhiên không phải toàn bộ doanh thu của VNPT và Viettel là đến từ dịch vụ điện thoại di động nhưng đây là phần chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Con số này cũng cho thấy nhiều điều.

Thứ nhất là số liệu thống kê về GDP, thu nhập đầu người, cơ cấu tiêu dùng của người dân Việt Nam đối chiếu với doanh thu khổng lồ này là phi lý. Nếu con số doanh thu của VNPT và Viettel là chính xác (mà chắc là chính xác) thì tôi nghĩ GDP thật sự (tức tính cả khu vực phi chính thức) của Việt Nam phải cao hơn con số chính thức được công bố.

Thứ hai, hiện nay mỗi người chúng ta, dù nghèo đến đâu cũng phải chi một khoản tiền không nhỏ cho chiếc điện thoại di động mà nhiều năm trước đây không phải chi. Nghĩ cũng lạ, chiếc điện thoại di động ra đời, làm thay đổi thói quen tiêu dùng lớn như thế nhưng mọi người đều chấp nhận như chuyện đương nhiên. Nhưng biết đâu, đây là khoản chi tạo điều kiện làm ăn cho nhiều người, kể cả người bán hàng rong hay đây là khoản chi tạo niềm hạnh phúc.

Chỉ có điều nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy con người ta ngày nay tiêu dùng thời gian vào chiếc điện thoại ngày càng nhiều. Quan sát một người đang tạm thời rảnh việc, như đang ngồi chờ đến lượt mình, ắt sẽ dễ thấy người chăm chăm làm cái gì đó với chiếc điện thoại di động hơn là thấy một người quan sát quanh mình, trò chuyện với người ngồi bên cạnh để làm quen. Chiếc điện thoại gắn kết nhưng cũng làm cho con người xa cách nhau như một nghịch lý nữa.

Thursday, January 12, 2012

Câu hỏi thường gặp nhất năm 2011

Câu hỏi thường gặp nhất năm 2011

Trò chuyện với một vài chuyên gia kinh tế quen biết, ai cũng kể, câu hỏi họ thường phải đối diện nhất trong năm 2011 từ người quen, người thân và cả người mới gặp: Nếu có ít tiền nên làm gì là tốt nhất? Một câu hỏi thôi cũng nói lên nhiều điều về tình hình kinh tế năm 2011.

Đầu tiên là nỗi lo của mọi người về lạm phát đang ăn dần vào các khoản thu nhập của họ làm họ phải tìm cách tự bảo vệ mình.

Câu trả lời nửa đùa nửa thật của nhiều nhà kinh tế là: Có tiền thì cứ tiêu đi cho thoải mái!

Dĩ nhiên nó sẽ bị gạt bỏ như lời nói đùa không nghiêm túc. Nhưng không ai thấy rằng chính khi họ chuyển khoản tiền mặt họ mới có thành vàng, đô-la hay địa ốc hay một kênh nào khác là họ đang tiêu tiền. Và đây chính là hiện tượng làm cho lạm phát rất khó để chế ngự: trong bối cảnh lạm phát cao, người ta tiêu tiền nhanh, xem chúng như “củ khoai nóng”, phải “chia tay” với nó ngay. Nếu lạm phát được xem như một thứ thuế đánh lên người có thu nhập thì cách thức đối phó của họ là chuyển thứ thuế này cho người khác bằng cách “tiêu tiền ngay” hiểu theo nghĩa trên.

Gạt bỏ chuyện lý thuyết qua một bên, rõ ràng tâm lý của đại đa số dân Việt Nam là ăn chắc mặt bền, tức chịu khó dành dụm để phòng lúc khó khăn (dĩ nhiên, trừ một số đại gia mới nổi, bỏ tiền tỷ mua xe hơi đắt tiền). Vì thế, giới quản lý nên hiểu tâm lý này khi đối diện với câu hỏi: Có một ít tiền nên làm gì đây? Đừng nói với người hỏi những khái niệm lãi suất thực dương hay thực âm, họ không quan tâm đâu. Người dân rất nhạy bén với những tính toán liên quan đến lợi ích của họ; họ sẽ gởi tiền đồng vào ngân hàng nếu lãi suất huy động đáp ứng được kỳ vọng của họ, là sau khi trừ lạm phát, họ vẫn bảo tồn được đồng vốn phần nào. Ngược lại, họ sẽ đi tìm kênh khác. Năm 2011, nhiều người hỏi các chuyên gia kinh tế câu hỏi chúng ta đang bàn chính là bởi nhiều lúc lãi suất huy động không đáp ứng được kỳ vọng này. Vì thế, thay vì bàn chuyện trần lãi suất huy động, các biện pháp trừng phạt ngân hàng nào vi phạm, hãy tổng kết và xem lại các con số vốn huy động trong từng thời kỳ, chúng ta sẽ có câu trả lời, mức lãi suất nào sẽ được người dân chấp nhận.

Điều thứ nhì nổi lên từ câu hỏi “có tiền nên làm gì?” là Việt Nam có nhiều cơ hội cho người dân xoay xở hơn nhiều nước khác. Thử tưởng người dân các nước phương Tây làm gì có thể dễ dàng mua vàng miếng hay ngoại tệ khác như dân Việt Nam. Làm gì các nước có hệ thống bán lẻ vàng miếng kèm theo dịch vụ đổi ngoại tệ rộng khắp từ thành thị đến các thị trấn như ở Việt Nam. Chính hai tác nhân vàng và đô-la đã góp phần làm yếu đi các chính sách tiền tệ vì chúng nằm ngoài sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Trong nửa đầu năm 2011 người dân mua vàng như một cách “tiêu tiền” tránh lạm phát; giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, dẫn tới giá đô-la tăng theo vì bị thu gom để nhập vàng bằng mọi con đường có thể. Và trên hết, vì sự dịch chuyển từ tiền mặt sang vàng, đô-la hay kênh khác làm tốc độ vòng quay tiền tăng lên, lại tác động lên lạm phát.

Đến đây, chúng ta hiểu vì sao Ngân hàng Nhà nước phải soạn thảo nghị định quản lý việc mua bán vàng miếng, phải sửa đổi nghị định quản lý ngoại hối… tất cả nhằm triệt tiêu phần nào hai yếu tố tác động lên chính sách tiền tệ nằm ngoài sự kiểm soát của mình.

Tuy nhiên, câu hỏi dai dẳng “Có ít tiền nên làm gì?” cũng cho thấy với tâm lý của người dân đã quen với vàng như một loại tài sản đương nhiên, nếu không khéo, Ngân hàng Nhà nước lại rơi vào chỗ “thái quá bất cập” – tức đã không quản lý được thị trường vàng hay đô-la mà còn tạo ra những hiệu ứng đẩy thị trường này vào chỗ càng khó kiểm soát hơn, lan rộng hơn.

Điều thứ ba có thể quan sát được là hai kênh đầu tư mới nổi lên mấy năm gần đây là thị trường chứng khoán và thị trường địa ốc xem như thua trong năm 2011. Khi người ta còn hỏi, chứng tỏ chứng khoán không hấp dẫn được họ như những năm trước hay đất đai không còn là thanh nam châm buộc họ xếp hàng dài để mua nhà, mua đất.

Chỉ mong sao năm 2012 này các chuyên gia kinh tế sẽ không còn bị hỏi câu hỏi này nữa, không phải bởi chọn lựa của người dân bị khép lại mà bởi câu trả lời đã hiển nhiên với họ: bỏ vào ngân hàng như người dân của đa số các nước khác hay đầu tư vào các kênh khác như một lẽ thường tình.

Saturday, January 7, 2012

Nên để Hoàng Khương được tại ngoại

Nên để Hoàng Khương được tại ngoại

Thông tin trực tiếp về vụ phóng viên Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ bị bắt tạm giam vì được cho là có tội đưa hối lộ còn quá ít nên không thể đưa ra nhận định gì một cách chắc chắn. Nhưng chung quanh vụ án này đã có nhiều điều có thể khẳng định một cách chắc chắn.

Một Hoàng Khương ở trong trại tạm giam với một Hoàng Khương tại ngoại, chờ ngày ra tòa để được xét xử không khác gì nhau: Với sự bảo lãnh của gia đình, đặc biệt là của báo Tuổi Trẻ, sẽ không có chuyện bỏ trốn; ở đây cũng không có chuyện tội phạm gì nguy hiểm cho xã hội.

Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình của Hoàng Khương rất đáng để anh được tại ngoại ở cùng gia đình, nhất là trong những ngày giáp tết. Con anh đang mang căn bệnh hiểm nghèo, vợ anh lại sắp sinh. Một Hoàng Khương được tại ngoại trong hoàn cảnh đó sẽ đắc nhân tâm hơn nhiều.

Dù chưa có phán quyết của tòa, vụ Hoàng Khương đang gây ra những hệ lụy rất lớn cho làng báo và… giới tham nhũng. Bất kể kết luận sau cùng là gì đi nữa, tôi tin chắc giới tham nhũng sẽ bớt e dè hơn sau vụ Hoàng Khương. Bình thường kẻ nhận hối lộ nào cũng đều mang nỗi lo bị phát hiện, bị sập bẫy. Nay nỗi lo ấy đã giảm đi nhiều, kẻ tham nhũng ắt sẽ vui mừng xòe tay nhận tiền mà không sợ bị trừng trị. Ngược lại, giới phóng viên ắt sẽ tránh xa những đề tài nhạy cảm, các tòa báo cũng giảm bớt loại bài mang tính phơi bày tệ nạn của bộ máy chính quyền. Và để lấp vào khoảng trống, để thu hút độc giả, ắt loại bài mang tính “lá cải” sẽ nhiều thêm. Toàn là những hệ lụy đáng buồn và đây là yếu tố cần cân nhắc khi xét xử vụ án Hoàng Khương.

Vì thế, để Hoàng Khương được tại ngoại là giải pháp giảm trừ tác dụng xấu, ngoài ý muốn tốt nhất trong hoàn cảnh hiện nay.

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...