Saturday, October 29, 2011

Xuống dốc

Xuống dốc

Giả thử, người đứng đầu một địa phương một hôm đẹp trời đi vi hành khắp các quán cà phê. Ông nổi giận khi thấy thanh niên không chịu đi làm việc mà cứ mải mê trong khói thuốc bên ly cà phê; bèn ra về và ban lệnh cấm khách ngồi uống cà phê quá hai tiếng! Xin nói ngay đây là một chuyện giả tưởng để bàn chuyện khác chứ không có địa phương nào ra lệnh kỳ quái như thế.

Cách “trị dân” của ông này chính là hình ảnh trái ngược của khái niệm Nhà nước pháp quyền và gọi cho đúng bản chất sự việc thì đây là “độc tài”, “độc đoán” dù thiện ý của nhà lãnh đạo này cũng đã rõ.

Một xã hội dân chủ sẽ giải quyết lợi ích cá nhân trong tương quan với lợi ích xã hội bằng một dạng hợp đồng, trong đó cá nhân chịu hy sinh một số quyền tự do nhất định, chịu bị ràng buộc bởi các quy ước chung để mọi người có thể chia sẻ nguồn lực xã hội một cách công bằng nhất.

Nếu thay cà phê trong ví dụ trên bằng ma túy chẳng hạn, rất dễ thấy mọi người trong cộng đồng sẽ đồng tình với điều luật cấm mua bán, sử dụng ma túy, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt đích đáng. Nhưng tất cả phải được thể hiện trước tiên bằng ý muốn của cả cộng đồng thông qua các điều luật làm nền tảng cho việc điều hành của cơ quan công quyền. Lúc đó, luật pháp đứng trên tất cả, kể cả ông lãnh đạo địa phương vì nếu con ông vi phạm, cũng sẽ bị trừng phạt như một người dân thường.

Phần ở trên là trích từ một bài tôi viết và đã đăng trên TBKTSG từ năm ngoái (nhưng không đưa lên blog). Tình huống tưởng như giả tưởng nói trên nay đang diễn ra dưới nhiều dạng khác nhau và sự suy xét đúng sai cũng không hề đơn giản như tôi từng lập luận. Điều đáng ngạc nhiên là, nói một cách ví von, trước những tình huống như thế, dường như đa số ý kiến muốn có lệnh cấm uống café quá hai tiếng ngay chứ không cần đợi có luật lệ gì cả. Chắc mọi người nhớ ngay đến những ví dụ thời sự trong mấy tuần gần đây (từ việc cấm chơi golf, phân biệt sinh viên dân lập đến việc thu hồi sách thành ngữ kiểu mới).

Sự đồng tình đó nói lên cái gì?

Thứ nhất, nó cho thấy hệ thống luật pháp ở nước ta hầu như đã mất tác dụng, người tôn trọng pháp luật một cách ngây thơ sẽ chịu thiệt thòi so với người lách luật. Người ta không còn tin vào sự công minh của pháp luật, sự tuân thủ luật lệ của giới có quyền hay có tiền. Chẳng hạn chuyện tuyển dụng công chức sẽ trở nên bình thường nếu việc thi tuyển thật sự công bằng, dựa vào năng lực của người dự tuyển, chứ không cần dựa vào loại trường tốt nghiệp. Nhưng thực tế đâu có như vậy, việc chạy chọt để kiếm một chân làm việc ở cơ quan nhà nước hầu như đã trở thành chuyện bình thường. Vì vậy, trong tâm lý con người, thôi thì nơi nào tạo dựng được sự công bằng tương đối nào đó cũng tốt hơn là không có, nơi nào tạo ra những rào cản để bớt kẻ chạy chọt cũng là chuyện đáng chấp nhận.

Thứ hai, người dân đang phẫn nộ trước những bất công trong xã hội và ai, điều gì giảm được chút bất công đó, dù bằng con đường không chính thống, đều đáng được hoan nghênh. Sự phẫn nộ của xã hội tạo ra những làn sóng dư luận và các quan chức, các cơ quan công quyền đôi lúc ứng xử dựa vào làn sóng dư luận này, chứ không hẳn dựa vào luật lệ. Người ta cố ý nhầm lẫn giữa nguyên tắc và sự việc cụ thể. Một số tờ báo cũng ứng xử theo cách đó.

Thứ ba, tình hình như thế là một điều đáng buồn chứ không có gì đáng “phấn khởi” cả. Như thể chúng ta tự đánh tụt hạng mình trên con đường xây dựng một xã hội văn minh. Chuyện truy bắt phù thủy chỉ xảy ra từ thời Trung Cổ và từ đó đến nay thế giới đã tiến những bước rất xa. Nếu đồng tình với cách ứng xử như thế, đồng nghĩa với một sự thụt lùi rất xa về nhận thức về một nhà nước pháp quyền, một sự chấp nhận giải quyết mọi việc dựa vào cảm tính và sức mạnh của đám đông.

Thứ tư, hậu quả của nó, nếu nhà nước không nhảy vào để giải quyết một cách dứt khoát chứ không phải là những phát biểu chung chung là rất lớn. Như con đường phát triển của hệ thống đại học ngoài công lập trong tương lai sẽ như thế nào đây khi xã hội, dưới sự “đầu têu” của một số cơ quan chính quyền, từ bỏ nó ngay trong trứng nước?

Friday, October 28, 2011

Steve Jobs (2)

Steve Jobs (2)

Cuốn Steve Jobs của Walter Isaacson nhiều chi tiết quá. Chi tiết làm nên câu chuyện và chi tiết đắt sẽ tô đậm, khắc họa ấn tượng tác giả muốn tạo ra. Sách tràn đầy chi tiết giúp làm nổi bật tính cách cả tốt lẫn xấu của Steve Jobs nhưng những chi tiết khác dễ làm độc giả rơi vào một cánh rừng mà không thấy được toàn cảnh.

Tôi có cảm giác mặc dù tác giả đã phỏng vấn Steve Jobs hơn 40 cuộc trong suốt hai năm, cuốn sách vẫn miêu tả Steve Jobs từ bên ngoài. Có lẽ việc gặp hơn 100 người gồm bạn bè, đồng nghiệp, gia đình, đối thủ của Jobs đã làm tác giả nghiêng nhiều hơn về cách nhìn từ bên ngoài vào. Chúng ta sẽ có cảm giác như đang đọc một bài báo thật dài về Steve Jobs hay đúng hơn là hàng trăm bài báo về Steve Jobs theo những chặng đường trên cuộc đời của ông. Tác giả không giúp cho người đọc thấy được vì sao Jobs hành động, quyết định hay ứng xử như Jobs từng ứng xử ngoại trừ một số đoạn nói về tác động tâm lý của một người con bị bố mẹ đẻ bỏ rơi.

Cuộc đời của Steve Jobs gắn liền với sự sôi động của nền công nghệ thông tin, sự thăng trầm của nhiều số phận, nhiều ý tưởng và sự biến đổi lối sống của tất cả mọi chúng ta dưới tác động của công nghệ thông tin. Nhưng cuốn sách, bị nhấn chìm dưới nhiều chi tiết, chẳng hạn những trang miêu tả dài dòng cách Steve Jobs cho ra mắt một sản phẩm nào đó, nên không phản ánh đầy đủ được sự sôi động này. Phần nói về sự ra đời của chiếc iPhone là một ngoại lệ.

Dĩ nhiên, chi tiết nào thuộc loại mới, lạ đều gây tò mò thích thú ở độc giả. Chẳng lạ gì báo chí Mỹ tràn ngập các tin trích những chi tiết ấy khi sách ra mắt chứ ít thấy những bài điểm sách như thông lệ.

Tuy nhiên, phần cuối sách, khi nói về bệnh tình Steve Jobs, ngòi bút tác giả lại vẽ lên những hình ảnh rất cảm động.

Chẳng hạn, gần cuối sách, tác giả kể một hôm Jobs gởi email mời Ann Bowers đến thăm. Bà từng là giám đốc nhân sự của Apple thời đầu thập niên 1980 và là một trong rất ít người kiềm chế được tính tình nóng nảy của Steve Jobs, là người duy nhất la mắng Jobs sau khi ông nguội cơn thịnh nộ. Lúc bà đến nhà Jobs, ông trở bệnh nặng, đang đau đớn nhưng vẫn hăm hở khoe bà bản vẽ trụ sở mà Apple sẽ xây dựng, như một con tàu vũ trụ – một công trình vĩ đại theo kiểu của ông. Thế rồi ông nhìn bà và hỏi, một câu hỏi suýt làm bà sụm xuống: “Nói cho tôi biết, tôi là con người như thế nào khi còn trẻ?” Bà cố gắng trả lời thành thật: “Cậu thật nóng nảy và thật khó khăn. Nhưng tầm nhìn của cậu thật sự lôi cuốn. Cậu bảo chúng tôi, ‘Cuộc hành trình chính là phần thưởng’. Điều đó hóa ra lại đúng. Jobs trả lời: “Vâng. Tôi học được vài điều trên con đường đó.” Một ít phút sau, ông nhắc lại như thể trấn an bà và cả chính ông: “Tôi thật sự học được vài điều.”

….

Thursday, October 27, 2011

Chuyện giàu nghèo – chưa có lối ra

Chuyện giàu nghèo – chưa có lối ra

Biểu tình phản kháng luôn luôn là cách thức để lôi kéo sự chú ý của công chúng vào một vấn đề gì đó và tìm kiếm sự ủng hộ cho những giải pháp đưa ra. Phong trào “Chiếm lấy phố Wall” làm được điều thứ nhất nhưng thất bại ở điều thứ hai.

Đến nay ai cũng biết “Chiếm phố Wall” là một cách nói, một cách hành động để biểu lộ sự bất mãn sâu sắc tình trạng phân hóa giàu nghèo, giữa 1% dân số giàu nhất và 99% số người còn lại. Theo nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz trong một bài báo mang tựa đề “Của 1%, Do 1%, Vì 1%”, một phần trăm dân số giàu nhất nước Mỹ đang sở hữu đến 40% tài sản nước này. Tệ hại hơn, người giàu ngày càng giàu hơn và dĩ nhiên khi tổng thu nhập quốc dân thay đổi không đáng kể thì người nghèo buộc phải càng nghèo đi. Năm 1980, 1% người giàu nhất chiếm 9% có tổng thu nhập nước Mỹ thì đến năm 2006, họ chiếm gần đến 19%.

Phong trào “Chiếm phố Wall” lan ra khắp thế giới, chứng tỏ chuyện phân hóa giàu nghèo không chỉ giới hạn vào nước Mỹ và sự bất mãn của người dân không chỉ tập trung vào phố Wall.

Sự phẫn nộ của người dân có lẽ bùng phát từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008, lúc hàng ngàn tỷ tiền đóng thuế của người dân được tung ra để cứu lấy hệ thống ngân hàng và các tập đoàn tài chính. Những tưởng sau đó, kinh tế phục hồi, mọi chuyện đâu vào đó nhưng nước Mỹ và nhiều nước khác vẫn đang đối diện nạn thất nghiệp cao ngất, kinh tế vẫn đình trệ và giới ngân hàng vẫn tự thưởng cho mình hàng chục triệu đô-la mỗi người. Thử hỏi không ai không bất mãn trước tình thế đó.

Nhưng vấn đề là làm gì để giải quyết nạn bất bình đẳng trong thu nhập thì không ai có thể đưa ra câu trả lời hoàn hảo. Lấy ví dụ chuyện trả thu nhập cho giới đứng đầu các tập đoàn tài chính. Chính các khoản lương thưởng cao ngất cho một số ít người đứng đầu là động lực thúc đẩy sự hoạt động với hiệu quả cao nhất của các tập đoàn này, là thanh nam châm thu hút người tài vào khu vực này và là củ cà rốt đòi hỏi mọi người ganh đua nhau làm việc tận lực với hy vọng ngày nào đó họ sẽ đến đích, bỏ túi được những khoản thưởng hậu hĩ. Nếu bỏ cơ chế trả lương thưởng cao trong nền kinh tế thị trường, chúng ta xóa đi một động lực rất lớn và trong bối cảnh kinh tế ngày càng tệ hại, không ai dám và không ai muốn làm chuyện đó cả.

Tuần trước báo chí mới tiết lộ Steve Jobs, nhà doanh nhân huyền thoại vừa mới qua đời, khi gặp Tổng thống Obama vào năm ngoái, đã tiên đoán thẳng, Obama sẽ chỉ là tổng thống một nhiệm kỳ. Đó là bởi Jobs phản đối những biện pháp kiểm soát thị trường mà Obama đang cố gắng áp dụng. Một con người từng được xem là cấp tiến như Stev Jobs mà khi quyền lợi doanh nghiệp bị đe dọa vẫn lên tiếng phản ứng thì làm sao các chính trị gia, những người phụ thuộc rất nhiều vào nguồn quỹ vận động từ doanh nghiệp, dám áp dụng biện pháp gì để xóa bớt sự bất bình đẳng trong thu nhập.

Thật ra thủ phạm sâu xa của hố sâu giàu nghèo ở các nước chính là lòng tham của giới tài phiệt lợi dụng quá trình toàn cầu hóa diễn ra trong những thập niên qua. Thoạt tiên, toàn cầu hóa được xem là con đường tối ưu hóa sản xuất trên bình diện toàn cầu, là sự phân công lại nguồn lực lao động và sự phân bổ vai trò cho các nước. Các khâu sản xuất cần nhiều công nhân được chuyển dần sang các nước nghèo; nước giàu chỉ còn giữ các khâu dịch vụ, được định giá cao hơn nhiều lần. Nhìn ở góc độ tích cực, toàn cầu hóa đã nâng cao mức sống của hàng trăm triệu con người ở những nước đang phát triển nhưng ngược lại, nhìn từ các nước phương Tây, hàng loạt ngành công nghiệp lần lượt bị dẹp bỏ, công nhân thất nghiệp tràn lan, nhiều thành phố công nghiệp bị bỏ hoang, nhiều kỹ năng biến mất. Và dĩ nhiên trong quá trình chuyển biến này, giới tư bản hưởng lợi nhiều nhất vì đã tối đa hóa được lợi nhuận, bất kể biên giới địa lý.

Để có thể dễ hình dung, chúng ta cứ tưởng tượng toàn trái đất này là một ngôi làng, mọi người được quyền di chuyển dễ dàng để sống ở bất kỳ nơi đâu như trong một câu chuyện khoa học viễn tưởng. Toàn cầu hóa như vừa qua ắt, trên lý thuyết, sẽ dẫn đến chỗ nhiều công nhân các nước giàu sẽ phải di cư sang những nước nghèo để kiếm việc làm thích hợp với họ và chịu một mức sống giảm sút. Nhưng chính ở những nước nghèo, toàn cầu hóa cũng làm trình trạng chênh lệch giàu nghèo nhanh chóng nảy sinh; những người thợ luôn phải chịu đồng lương thấp còn giới chủ vẫn hưởng thu nhập trên trời. Những năm trước khủng hoảng, tình trạng bất bình đẳng còn chịu đựng được vì phương Tây định giá trị các khâu dịch vụ trong chuỗi sản xuất toàn cầu rất cao. Chúng ta đều biết giá trị gia công giày Nike hay quần áo thời trang rất thấp so với giá bán cao ngất của chúng vì đa phần chạy vào chi phí thiết kế, quảng cáo, tiếp thị… Nhưng dần dần phương Tây mới hiểu ra năng suất trong dịch vụ không thể tăng bằng tốc độ tăng của sản xuất – chênh lệch này vì cạnh tranh sẽ giảm và cuối cùng thu nhập, định đoạn bởi năng suất sau cùng, giảm trên chung cuộc.

Ai cũng muốn nền kinh tế nước mình đi vào công nghệ cao, làm chuyện to lớn chứ không mắc kẹt vào dây chuyền sản xuất cổ lỗ. Nhưng nếu nhìn vào sự phát triển của nước Mỹ trong những năm qua chẳng hạn, chúng ta sẽ thấy một bức tranh méo mó. Theo số liệu của tờ Economist, tổng cộng các hãng danh tiếng nhất nước Mỹ hiện nay gồm Apple, Google, Facebook và Amazon chỉ có 113.000 nhân viên, bằng một phần ba lượng nhân viên của hãng GM vào năm 1980. Người Mỹ thường đem những tên tuổi này ra để trấn an mọi người rằng nước Mỹ hiện vẫn dẫn đầu trong thế giới kinh doanh, với những sáng kiến làm ăn không ai vượt qua, với những sản phẩm cả thế giới phải trầm trồ. Sự thật là giá trị các hãng này đem lại cho nước Mỹ không lớn như các đại gia thời trước như GM, Ford, Caterpillar, General Electric hay Kodak. Họ không tạo ra sự thịnh vượng cho cả một cộng đồng mà chỉ đem lại tiền tỷ cho một số ít người đứng đầu các tập đoàn này.

Thế nhưng, cả thế giới đã lậm sâu vào con đường phân công theo mô hình toàn cầu hóa, không thể một sớm một chiều mà thay đổi gì được. Đó là lý do vì sao Phong trào “Chiếm Phố Wall” cho đến nay vẫn chưa đưa ra được một giải pháp gì cho sự phản kháng của họ.

Wednesday, October 26, 2011

Steve Jobs (1)

Steve Jobs (1)

Tôi đang đọc cuốn Steve Jobs của Walter Isaacson, một cuốn sách hấp dẫn vì nhiều lý do. Có lẽ sách đang bán chạy bởi nó tiết lộ những bí mật về cuộc đời của Jobs, một nhân vật đã trở thành huyền thoại mà tên tuổi gắn liền với các sản phẩm nổi tiếng như iPhone, iPad, iPod…

Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất đối với tôi, ít nhất sau khi đọc phần đầu cuốn sách, là tác giả đã vẽ ra một con người Steve Jobs với nhiều, rất nhiều tính cách xấu. Tôi chỉ mới đọc đến đoạn Steve Jobs sắp sửa rồi bỏ Apple vào năm 1985 nhưng dưới ngòi bút cặn kẽ, chi ly của tác giả, Steve Jobs hiện ra như một con người có tài nhưng cũng lắm tật: kiêu ngạo, hung hăn với cấp dưới, độc đoán, vô tâm, không chung thủy, không chơi đẹp với bạn bè… Tác giả phỏng vấn hàng trăm người và ai lần đầu tiếp xúc với Jobs dạo đó đều khựng người vì… Steve Jobs ở dơ quá mức, mỗi tuần tắm một lần đã là chuyện hiếm, chuyên đi chân trần. Jobs bị cha mẹ ruột bỏ rơi ngay từ lúc mới sinh nhưng đến năm 23 tuổi cũng bỏ mặc đứa con gái của mình, thậm chí khi đã có kết quả xét nghiệm DNA còn chưa chịu nhận đó là con mình.

Chưa biết đây có phải là thủ thuật của tác giả hay không để phần sau vẽ một chân dung khác nhưng phải thừa nhận một cuốn tiểu sử được chính Steve Jobs tham gia mà tác giả vẫn giữ quyền quyết định đưa hay không đưa chi tiết nào vào, kể cả chuyện Steve Jobs có một thời gian dài hút cần sa và LSD, đã là chuyện hiếm thấy.

Ở đoạn đầu sách tôi có ấn tượng mạnh về những năm học tiểu học của Steve Jobs.

Trước khi Steve Jobs bắt đầu đi học, mẹ của ông đã dạy ông trước ở nhà. Đây là một sai lầm lớn vì Jobs thấy không có gì đáng học ở lớp nên bắt đầu quậy phá (cũng là tính cách chống lại mọi loại thẩm quyền ép buộc ở Steve Jobs suốt cuộc đời ông). Cùng với một người bạn, ông làm giả thông báo tổ chức ngày thú nuôi cho cả trường để học sinh đem thú nuôi vô lớp. Thế là khắp trường hỗn loạn cảnh chó đuổi mèo, mèo phá lớp. Một lần khác ông dụ dỗ bạn bè tiết lộ mã số ổ khóa xe đạp, rồi ra đổi lấy khóa xe này bỏ vào xe khác. Bạn bè phải loay hoay đến nửa đêm cũng không mở xong khóa xe. Một lần khác, lúc mới học lớp 3, ông đốt pháo dưới ghế cô giáo. Chẳng lạ gì chưa học hết lớp 3, ông bị đuổi về nhà mấy lần.

Một điều lạ nữa là cha ông, khi được mời vào gặp nhà trường đã tuyên bố: “Này, không phải lỗi của nó. Nếu các ông không làm cho nó quan tâm [đến chuyện học] thì đó là lỗi của các ông.

May mắn cho ông là khi lên lớp bốn, ông được học với cô giáo mà sau này Jobs miêu tả “là một trong những thiên thần của đời tôi”. Sau khi quan sát Jobs vài tuần, cô giáo thấy cách giải quyết tốt nhất là hối lộ cậu học trò thông minh nhưng quậy phá này. Cô trao cho ông một cuốn sách bài tập toán, nói làm xong hết sách sẽ được thưởng kẹo và năm đô-la. Chỉ hai ngày sau ông trả lại cho cô giáo cuốn bài tập đã giải hết. Sau đó thì ông không cần kẹo hối lộ, ông chỉ muốn học những điều mới trong sách cô giáo trao cho. Steve Jobs hồi tưởng: “Tôi học được từ cô nhiều hơn bất kỳ thầy cô giáo nào khác và nếu không nhờ có cô, chắc tôi đã vào tù rồi”.

Cuối năm lớp bốn, cô giáo cho Jobs làm bài tập kiểm tra năng lực, điểm của ông tương đương học sinh lớp 10 trung học nên trường của ông quyết định cho ông học vượt hai lớp lên thẳng lớp bảy.

Nhưng một lần nữa, chuyện lạ xảy ra: gia đình Jobs chỉ đồng ý cho ông nhảy một lớp và đó lại là một quyết định đúng đắn.

….

Monday, October 24, 2011

Cảm tính

Cảm tính

Hồi hôm mới đọc qua mấy chương đầu cuốn truyện hấp dẫn “Cobra” của Frederick Forsyth, loại truyện đọc nhanh để giải trí. Mở đầu truyện là cảnh Tổng thống Mỹ vì một lý do cá nhân đã yêu cầu một cựu nhân viên CIA dày dạn kinh nghiệm trả lời câu hỏi – liệu có thể tiêu diệt đường dây buôn lậu cocaine vào nước Mỹ? Tôi cứ tưởng tác giả sẽ để nhân vật phân tích ngay tại chỗ, dựa vào kinh nghiệm hay quan hệ của anh ta từ thời làm cho CIA. Có thể tốc độ truyện mới nhanh, mới hấp dẫn và lôi cuốn.

Không dè anh này yêu cầu cho anh 2 tuần và một giấy giới thiệu do Tổng thống ký, bắt buộc mọi cơ quan khắp nước Mỹ phải hỗ trợ thông tin cho anh vô điều kiện. Thực tế 4 tuần sau anh mới hoàn tất báo cáo ngắn hai trang để trả lời câu hỏi ban đầu.

Nói chuyện đó để làm gì?

Ấy là bởi tôi thấy mọi người bàn tán các chuyện thời sự như ủng hộ hay phản đối quyết định của Nam Định không cho người tốt nghiệp đại học dân lập được dự thi tuyển vào làm công chức nhà nước và một loạt chuyện khác mà tôi không muốn nhắc đến. Bàn thì nhiều nhưng không ai đặt câu hỏi, liệu Nam Định trước khi đưa ra quyết định đó đã có điều tra hay nghiên cứu gì chưa. Bản thân việc điều tra hay nghiên cứu chuyện gì cũng cần có thời gian để suy nghĩ nhưng ít nhất cũng phải trả lời cho được các câu hỏi: chất lượng sinh viên dân lập thấp hơn sinh viên công lập như thế nào, định lượng ra sao, bao nhiêu công chức từng là sinh viên dân lập không hoàn thành nhiệm vụ so với sinh viên công lập, việc thi tuyển có thu hút được sinh viên công lập không, tỷ lệ so với sinh viên dân lập là bao nhiêu. Việc nghiên cứu cũng phải trả lời cho được câu hỏi, phân biệt trong tuyển dụng như thế vi phạm luật nào, sẽ bị xử lý ra sao, khả năng bị kiện cao không.

Nếu ai cũng như Nam Định, giải quyết công việc dựa vào cảm tính (tôi đi tôi thấy) thì sẽ còn nhiều vụ như Nam Định diễn ra, và không chỉ giới hạn vào chuyện tuyển dụng.

Thursday, October 20, 2011

Lại những con số

Lại những con số

Chính phủ đã điều chỉnh con số tăng trưởng GDP cho năm 2012 xuống mức thực tế hơn: 6-6,5%.

Thế nhưng trên TBKTSG số ra tuần này có bài “Dàn nhạc lỗi nhịp”, trong đó tác giả cho biết hầu hết các địa phương, kể cả những tỉnh nghèo đều đặt mục tiêu tăng trưởng với mức cao “giật mình”. Chẳng hạn: Đồng Tháp: 13,5%; Đồng Nai: 12-13%; Sóc Trăng: 12,5%; Hà Tĩnh: trên 13%; Điện Biên: 12,8%Thanh Hóa: từ 13,5% trở lên; Nam Định:13%...

Cũng trên số báo này, có những con số gây ấn tượng khác. Đó là mặc dù chúng ta cứ liên tục nghe chuyện cắt giảm đầu tư công nhưng bài “Tái cấu trúc đầu tư, cần siết kỷ cương trước” cho biết theo báo cáo vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và trình Chính phủ vào đầu tháng 10, số dự án sử dụng vốn nhà nước mới khởi công trong nửa đầu năm nay chẳng những không giảm, mà còn tăng mạnh. Cụ thể, có đến 6.731 dự án mới khởi công trong 6 tháng đầu năm và tăng gần 1.000 dự án so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bài “Nhiệm vụ khó khăn”, có một con số kỷ lục. “Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá cho biết, các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã gửi danh mục dự án đầu tư công trong năm tới ra Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tổng số tiền 300 tỉ đô la Mỹ. Ông nói: “Với một nền kinh tế quy mô 105 tỉ đô la Mỹ hiện nay, thì chúng ta không được ăn gì, tiêu gì trong 3 năm mới đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư chỉ trong 1 năm”.

Toàn là những con số gây nhức đầu.

Sunday, October 16, 2011

Hiểu nhầm

Hiểu nhầm

Có một hiểu nhầm tương đối phổ biến, chắc phải nói để mọi người tránh cách hiểu như thế.

Ấy là lập luận: nếu lãi vay ngân hàng là 20%/năm thì doanh nghiệp đi vay phải làm ra lợi nhuận trên 20%/năm còn không xem như lỗ.

Không đúng. Lợi nhuận là phần lãi còn lại sau khi đã trừ mọi thứ chi phí như lãi vay ngân hàng, khấu hao, thuế… nên chi một doanh nghiệp tuyên bố có lãi sau thuế chỉ 5% trong khi trước đó phải trả lãi vay ngân hàng đến 25%, thì họ vẫn lãi 5% chứ có suy suyễn gì đâu (vì đã trả lãi rồi mới ra lợi nhuận 5%).

Một lập luận cũng rất sai, thường thấy ở diễn đàn Quốc hội: phải kéo lạm phát xuống dưới mức tăng trưởng kinh tế, còn không GDP tăng bao nhiêu thì lạm phát ăn hết cả rồi.

GDP thường được tính theo hai con số: GDP theo giá thực tế và GDP theo giá so sánh. Vì lạm phát cao, mức tăng GDP theo giá thực tế hằng năm rất cao, ví dụ nếu tính theo giá thực tế GDP năm 2010 tăng 19,4% so với năm 2009.

Còn tính theo giá so sánh, tức là đã khử lạm phát đi rồi thì mức tăng này chỉ còn 6,78% như đã công bố. Nói cách khác, mức tăng GDP như chúng ta thường thấy là đã khử lạm phát đi rồi.

Nhưng ngược lại, khi thấy báo đưa tin số thuế thu được trong 9 tháng đầu năm, giả dụ, tăng 15% thì đây không phải là tin mừng. Vì lạm phát đã lên trên 18% nên số thuế thu được chỉ tăng 15% chứng tỏ doanh nghiệp làm ăn kém hơn năm ngoái, số thuế nộp thực chất thấp hơn năm ngoái.

Thursday, October 13, 2011

Nobel Kinh tế 2011

Nobel Kinh tế 2011

Có thể đọc bài về giải Nobel Kinh tế năm nay của anh Vũ Quang Việt, đăng trên TBKTSG. Đây là bài, theo tôi, dễ đọc nhất trong số các bài báo, kể cả báo nước ngoài mà tôi đọc được. Đây là đường link.

(trích)

Nhận giải Nobel Kinh tế năm nay, Thomas J. Sargent có một đóng góp về mặt vừa lý thuyết vừa kỹ thuật, mà chủ yếu là kỹ thuật. Sargent cho rằng sự liên hệ mà Friedman nói tới còn tùy vào kỳ vọng (expectation) của người sản xuất và người tiêu dùng. Kinh tế lượng, một bộ môn thống kê học, dùng để tìm sự liên hệ giữa các biến kinh tế và rồi dùng kết quả để dự báo tương lai, đã được Sargent biến đổi để có thể xử lý vấn đề kỳ vọng. Như vậy, kỳ vọng có thể đưa đến tình trạng hoàn toàn không có đánh đổi giữa thất nghiệp và lạm phát và cũng có thể có một chút đánh đổi, nhưng nói chung là có sự đánh đổi trong ngắn hạn còn trong dài hạn thì không.

Trong khi đó, người đồng nhận giải năm nay, Christopher A. Sims, lại đi từ một góc nhìn khác, hoàn toàn mang tính kỹ thuật. Trước Sims, khi đi tìm kiếm phương trình liên hệ giữa cung hay cầu, cả hai đều là phương trình của giá thì người ta gặp vấn đề là làm sao xác định ra đường cung và đường cầu, khi chỉ có hai biến số là giá và lượng (cung = cầu). Vì vậy mà phải đưa vào một biến số thứ ba thí dụ như thời tiết được coi là chỉ ảnh hưởng đến cung mà không liên quan đến cầu để xác định ra đường cầu chẳng hạn. Sims cho rằng cách làm thế có vấn đề vì gần như mọi cái đều có thể ảnh hưởng lẫn nhau, thời tiết xấu có thể làm cho người dùng phải tăng mua để có dự trữ. Sims vì thế cho rằng các thông số của chính nó trong quá khứ có thể liên hệ với hiện tại vì thế phải tính chúng, và như thế phần còn lại có thể được dùng để tìm ra vai trò của các quyết định biết trước.

(hết trích)

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng; những vấn đề kinh tế gay gắt nổi lên như nợ công ở châu Âu, thất nghiệp ở Mỹ, tỷ giá ở Trung Quốc, dường như giải Nobel Kinh tế bị lạc lõng. Các nhà kinh tế hiện đang bó tay với các vấn đề thời sự - nên càng không thể trông mong những công trình nghiên cứu đã 30, 40 năm qua có tác dụng gì cho hành động hôm nay.

Tờ Time đã làm một cuộc so sánh như thế khi đối chiếu quan điểm của hai nhà kinh tế nhận giải Nobel năm nay với các vấn đề thời sự kinh tế. Và tờ báo này kết luận: Dường như Sargent rốt cuộc muốn nói rằng có nhiều công trình nghiên cứu kinh tế tốt chưa hẳn luôn dẫn đến chính sách kinh tế tốt. Có lẽ vì thế khi được yêu cầu giải thích vì sao nền kinh tế đang tệ hại đến thế, Sargent đã “chuyển giao trách nhiệm”: “Xét cho cùng, đấy là câu hỏi về chính trị, một lãnh vực tôi không rành cho lắm. Nhưng xét về mặt thuần túy kinh tế học, mọi việc lẽ ra đã phải khác đi”. Còn Sims? Theo Wall Street Journal, Sims từ chối không bình luận về những gợi ý nào công trình nghiên cứu đoạt giải của ông có thể đem lại cho chính sách hiện nay.

Tờ Time kết luận khá đau: Nếu nền kinh tế toàn cầu có khựng lại trong vài tuần tới, đừng trông mong các nhà kinh tế mới đoạt giải Nobel của chúng ta cho chúng ta biết nguyên nhân sai lầm nằm ở đâu.

Thursday, October 6, 2011

Cần làm, bớt nói

Cần làm, bớt nói

Nhắc đến giáo dục, hầu như ai cũng thấy mình có thẩm quyền để lên tiếng. Điều đáng tiếc là ngay cả các chuyên gia giáo dục, tại nhiều diễn đàn góp ý cho ngành giáo dục, chỉ nhắc đi nhắc lại các cụm từ quá quen thuộc như “chấn hưng giáo dục”, “triết lý giáo dục”, “đổi mới giáo dục” chứ ít khi đi vào các vấn đề cụ thể. Ngành giáo dục lại thiếu vắng những công trình nghiên cứu làm nền tảng cho những cải cách cần thiết.

Hiện đang nổi lên một suy nghĩ khá phổ biến rằng, tìm ra được, định ra được cái “triết lý giáo dục” cho Việt Nam ắt sẽ giải quyết mọi vấn nạn của nền giáo dục nước nhà. Cứ như thể “triết lý giáo dục” là liều thuốc nhiệm mầu mà nền giáo dục đang thiếu.

Thiết nghĩ công cuộc cải cách giáo dục nước nhà chỉ có thể thành công nếu chúng ta tiến hành song song nhiều việc – những công việc rất cụ thể - chứ không thể trông chờ vào một sự đột phá nào đó xuất phát từ việc “ngộ ra” triết lý giáo dục của riêng ta. Những công việc đó có thể bao gồm các nghiên cứu, các khảo sát để xác định chính xác các vấn đề của nền giáo dục Việt Nam; những cải tổ nhỏ có thể thực hiện ngay để giải quyết các vấn đề cấp bách nhất; và việc soạn thảo một chiến lược cải cách giáo dục tổng thể, trong đó, tính thực tiễn được nhấn mạnh thay cho những tranh luận về khái niệm.

Nói ngành giáo dục không có nghiên cứu nào về thực trạng giáo dục Việt Nam có thể là võ đoán nhưng nếu có đi nữa, kết quả những nghiên cứu này không đến được với công chúng. Đã có ai khảo sát tâm lý giáo viên hiện nay ra sao khi xã hội đang dần nghiêng về việc phê phán, lên án giáo viên phạt đòn học sinh, chẳng hạn. Có ai nghiên cứu xem học sinh phải học thêm mỗi tuần bao nhiêu giờ, cụ thể cho từng khối lớp, từng vùng nông thôn, thành thị, lý do vì sao và chi phí như thế nào. Đã có nhà tâm lý học nào thử tìm hiểu xem vì sao học sinh ngày càng thụ động hay nhà ngôn ngữ học nào đi hỏi cho ra lẽ vì sao học sinh viết ngày càng sai chính tả.

Tất cả những phát biểu, những nhận định về tình hình giáo dục phải dựa trên số liệu cụ thể, những quan sát hay những thí nghiệm thực tế mà các câu hỏi ở trên chỉ là những ví dụ minh họa. Sai lầm lớn nhất của nhiều phát biểu về giáo dục là khái quát hóa tình hình dựa trên cảm nhận cá nhân hay thực tế hẹp quanh mình.

Ở bình diện lớn hơn, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần có những dự án nghiên cứu để trả lời cho được những câu hỏi cần giải đáp ngay, chẳng hạn, vì sao ngày càng ít sinh viên chọn các ngành khoa học xã hội, phải làm gì để đảo ngược xu hướng này; tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay là bao nhiêu, tỷ lệ này tăng hay giảm qua từng năm, tác động của nó lên xu hướng chọn ngành học của sinh viên, có hay không tình trạng bạo lực học đường, nguyên nhân từ đâu… Người ta thường nói hệ thống đại học Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp chê sinh viên ra trường phải đào tạo lại nhưng cũng chỉ là những phát biểu cảm tính dựa vào một hai trường hợp cụ thể nào đó. Mọi trích dẫn hầu như chỉ quy về một phát biểu dạo nào của đại diện hãng Intel!

Những vấn đề lớn như dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học cũng được quyết định không dựa trên một khảo sát chuyên nghiệp nào cả. Chẳng trách gì nhiều người hoài nghi dạy tiếng Anh tăng cường kiểu như thế chỉ để giúp ai đó bán được sách giá cao ngất ngưởng.

Ngành giáo dục có lợi thế là có cả hàng trăm ngàn con người đang ngày đêm cọ xát với những vấn đề thiết thân với họ. Nếu chỉ cần phát huy dân chủ thật sự, để các thầy cô, các nhà sư phạm lên tiếng nói về các vấn đề họ đang băn khoăn, trăn trở, những giải pháp họ đề ra, những thử nghiệm họ đã tiến hành, chắc chắn ngành giáo dục sẽ giải quyết được vô số vấn đề nhỏ, đang cản trở quá trình cải cách toàn diện. Đó cũng là một cách “Khoán 10” trong giáo dục và ắt cũng tạo nhanh một diện mạo mới cho ngành như Khoán 10 từng tạo cho nông nghiệp.

Chúng ta thử đọc những công trình nói về công cuộc cải cách giáo dục ở các nước sẽ thấy họ bàn những chuyện rất cụ thể. Tờ The Economist số ra ngày 17/9/2011 có hai bài tổng hợp các công trình như thế. Để cải thiện thành tích học tập của học sinh, các nước nghiên cứu ứng dụng Internet vào giảng dạy và học tập như thế nào, bất bình đẳng trong thu nhập xã hội ảnh hưởng lên chất lượng học tập ra sao, giao quyền tự chủ cho nhà trường sẽ giúp cải thiện tình hình như thế nào… Đáng chú ý là một xu hướng quay về với những quy luật cơ bản: kỷ luật học đường, sự nghiêm khắc của giáo viên, đồng phục cho học sinh, sự nhất quán trong quan điểm giáo dục của lãnh đạo nhà trường…

Chúng ta cũng có thể tiến hành ngay những cải tổ nhỏ và phải có những đợt truyền thông rộng rãi để mọi phụ huynh biết và hỗ trợ, giáo viên hiểu và thực thi, ví dụ, không giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 nữa hay sửa đổi thế nào đó để một bản in sách giáo khoa có thể dùng được nhiều năm, tiết kiệm tiền của cho từng gia đình và toàn xã hội.

Riêng việc soạn thảo một chiến lược cải cách toàn diện nền giáo dục nước nhà là một nỗ lực chung của toàn xã hội. Bài học từ các nước trên thế giới cũng có rất nhiều. Vấn đề then chốt là đừng quá câu nệ vào từ ngữ hay khái niệm – hãy để thực tiễn chứng minh cái đúng, cái sai.

Lấy nghề báo để minh họa, dạy cho sinh viên ngành báo chí cách viết tin thì dễ lắm, chỉ cần ba tháng đến sáu tháng là đã có thể truyền đạt hết mọi kỹ thuật viết tin cho sinh viên. Nhưng nếu chỉ dừng ngang đó thì ngành báo chí sẽ chẳng bao giờ đào tạo được những nhà báo tương lai, biết hoài nghi trước mọi nguồn tin, biết sục sạo những đầu tin người ta muốn che giấu, biết phân biệt đúng sai, chính tà - những nhà báo yêu nghề với hoài bão đem lại công bằng cho cuộc sống.

Như vậy sứ mệnh của người thầy trong trường hợp này đâu phải chỉ là truyền đạt kiến thức, để trả lời cho một câu hỏi khác, học như thế nào? Người thầy phải trang bị cho sinh viên óc phê phán, lối tư duy lật tới lật lui một vấn đề, phương pháp đón nhận cái mới, cách phân biệt đâu là thông tin, đâu là ý tưởng. Thay đổi góc nhìn, lúc này là đòi hỏi của thực tế chứ đừng tự trói buộc vào những quan niệm cứng nhắc.

Nếu chúng ta còn cứ băn khoăn, cãi nhau là nên dùng từ “tự trị” hay “tự chủ” trong giáo dục đại học, nên có một bộ sách giáo khoa hay cho tự do soạn sách… thì sẽ không bao giờ soạn được chiến lược này.

Tuesday, October 4, 2011

Nước Mỹ không thể làm nổi chiếc máy Kindle

Nước Mỹ không thể làm nổi chiếc máy Kindle

Trong khi nhiều người vẫn tin toàn cầu hóa theo kiểu như miêu tả trong cuốn Thế giới phẳng của Thomas Friedman là xu hướng không thể đảo ngược, bài viết “Tại sao Amazon không thể làm chiếc máy Kindle tại Mỹ?” đăng trên tạp chí Forbes của Steve Denning như một gáo nước lạnh tạt vào mặt dân Mỹ.

Lâu nay người ta vẫn nghĩ Mỹ khôn, chuyển dần hết mọi khâu sản xuất cần lao động chân tay sang cho nước khác như Trung Quốc, họ chỉ làm những việc “cao cấp” như thiết kế, tiếp thị… mà vẫn hưởng phần lợi lớn nhất. Đó là “tinh túy” của chuyện toàn cầu hóa. Bài viết của Denning cũng bắt đầu bằng các con số tạo ra sự yên tâm như vậy.

Hai nhà kinh tế thuộc Fed chi nhánh San Francisco làm một cuộc nghiên cứu, cho thấy chỉ có 2,7% hàng hóa dân Mỹ tiêu dùng là có mang nhãn “Made in China”, hơn nữa chỉ có 1,2% thật sự phản ánh chi phí của loại hàng nhập khẩu như thế. Như vậy, với mỗi đô-la người Mỹ chi cho loại hàng “Made in China” thì 55 xu rơi vào các dịch vụ phát sinh tại Mỹ. Chuyện đâu có gì đáng lo, Denning đặt câu hỏi?

Sự thật thì không phải như thế. Đằng sau những con số vô hồn này là sự sụp đổ của nhiều ngành nghề và số phận bế tắc của nhiều người dân Mỹ.

Lấy ví dụ Dell, hãng sản xuất máy tính hàng đầu nước Mỹ. Thoạt tiên Dell thuê ASUSTeK, một công ty Đài Loan sản xuất giùm một số bảng mạch điện tử. Công việc trôi chảy, ASUSTeK bèn đến gạ Dell để cho họ sản xuất giùm cả bo mạch chiếc máy tính, với lập luận đây đâu phải là năng lực lỏi của Dell đâu mà phí thời gian vào, với lại giao cho bọn tôi, các ông sẽ giảm được thêm 20% chi phí. Dĩ nhiên Dell đồng ý vì doanh thu không bị ảnh hưởng trong khi lợi nhuận lại tăng. Cứ thế Dell dần dần nhả ra cho nhà thầu của mình từng công đoạn, đến nguyên khâu lắp ráp cả chiếc máy tính, cả khâu cung ứng vật tư và thiết kế sản phẩm. Lần cuối cùng ASUSTeK đến, không phải để thăm tổng hành dinh của Dell ở Mỹ nữa mà chuyển sang các siêu thị Best Buy và các hãng bán lẻ khác với lời chào mời hấp dẫn: cung cấp máy tính nhãn hiệu của họ, chất lượng như máy Dell mà giá thấp hơn 20%.

Thế là thêm một hãng biến mất hay sắp sửa biến mất, một tên tuổi khác thế chỗ. Chẳng có ai ngu dại gì trong chuyện này cả; ai cũng làm đúng theo bài bản quản trị kinh doanh: tập trung nâng lợi nhuận bằng cách tập trung vào những năng lực lỏi tạo ra lợi nhuận và từ bỏ những hoạt động không sinh lời! Toàn cầu hóa là như thế đấy.

Hàng thập kỷ thuê nước ngoài gia công sản xuất hàng hóa như thế nay đã để lại cho nước Mỹ một thực tế: không còn đủ năng lực, cơ sở hạ tầng, con người và thiết bị để sản xuất những sản phẩm công nghệ cao, là chìa khóa để phục hồi nền kinh tế.

Lấy chiếc máy đọc sách Kindle của Amazon làm ví dụ, Denning khẳng định dù muốn Amazon cũng không thể sản xuất nó ở Mỹ được mọi bộ phận của máy đã được Mỹ chuyển cơ sở sản xuất sang Trung Quốc, Đài Loan hay Hàn Quốc từ lâu. Danh sách những ngành “biến mất” khỏi nước Mỹ thật dài và thật đáng ngại: sản xuất chip, màn hình LCD, điện thoại di động, pin sạc, máy tính để bàn, máy tính xách tay, ổ đĩa cứng…

Kết thúc bài viết, Steve Denning đưa ra một loại khuyến cáo cho các nhân vật chính trong nền kinh tế như lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư, người điều hành, chính phủ, nhà kinh tế… Nhưng dĩ nhiên một xu hướng đã và đang diễn ra từ nhiều thập niên đến nay không dễ gì giải quyết bằng một bài báo ngắn gọn. Cũng có người đặt vấn đề, Amazon không sản xuất nổi chiếc máy Kindle tại Mỹ thì đã sao nào? Nếu việc phân công lao động buộc dân Mỹ phải tập trung vào những công đoạn cao cấp như thiết kế, tiếp thị và bán hàng thì đã sao nào? Người đặt câu hỏi này không hiểu rằng việc nghiên cứu, thiết kế, tiếp thị nếu tách rời không gian sản xuất, không dựa vào một nền sản xuất thật với những vấn đề của nó thì sẽ đi vào chỗ bế tắc và thất bại.

Dù nước Mỹ cố tình bỏ rơi nhiều ngành sản xuất hay giờ đây đang sực tỉnh vì sự hụt chân của mình, bài báo của Denning cũng đã nêu một hiện tượng đáng suy nghĩ về toàn cầu hóa và cách thức tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Đây cũng là một góc nhìn về những xáo động đang diễn ra trên bình diện kinh tế thế giới.

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...