Saturday, February 26, 2011

Những hiểu nhầm về CPI

Những hiểu nhầm về CPI

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) coi bộ rất đơn giản nhưng vẫn có nhiều người bị nhầm. Giới viết báo thì khỏe vì chỉ cần dựa vào số liệu của Tổng cục Thống kê công bố mà đưa tin nhưng nếu không cẩn thận nhiều lúc sẽ nhận định sai.

Ví dụ, giả thử CPI tháng 1, tháng 2, tháng 3 đều tăng 1%, các bạn đoán thử CPI quý 1 tăng bao nhiêu? Chắc rất nhiều bạn sẽ nói tăng 3%. Không đúng rồi.

Giả thử CPI kỳ gốc là 100, tháng 1 tăng 1% tức bằng 101 nhưng tháng 2 tăng 1% là tăng trên con số 101 chứ không còn là 100 nữa nên hai tháng CPI sẽ tăng 2,01% (chứ không phải là 2%) và CPI cộng dồn 3 tháng sẽ tăng 3,03%.

Chính vì vậy nên CPI tháng 1-2011 là 1,74%, CPI tháng 2-2011 là 2,09% mà CPI hai tháng đầu năm được Tổng cục Thống kê công bố là tăng 3,87% (chứ không phải lấy 1,74% cộng 2,09% ra thành 3,83).

* * *

Nhiều bạn cũng thắc mắc vì sao báo chí nước ngoài, mỗi khi đưa tin chỉ số giá Việt Nam lại dùng con số khác báo chí trong nước. Ví dụ, một bản tin viết: The country's inflation rate reached 12.17 per cent in January, according to figures released by the General Statistics Office in Hanoi.

Đó là bởi thông lệ quốc tế, mỗi khi nói mức tăng chỉ số giá, họ thường dùng con số so sánh với cùng kỳ năm ngoái, tức là tính mức tăng CPI trong 12 tháng gần nhất. Vì thế họ viết chỉ số giá Việt Nam tháng 1-2011 tăng 12,17%, tháng 2-2011 tăng lên 12,31%. Vì sao tháng 2, CPI tăng 2,09% mà báo chí nước ngoài đưa tin chỉ tăng lên thêm chút xíu vậy? Vì đã tính chu kỳ 12 tháng, thêm tháng 2-2011 thì phải trừ đi tháng 2-2010 (lúc đó CPI tăng 1,96%) đi chớ.

Theo tôi, báo chí và các cơ quan trong nước cũng nên công bố và nhấn mạnh con số cùng kỳ này bởi nó loại trừ được yếu tố thời vụ (những tháng gần Tết giá tăng mạnh, từ tháng 4 đến tháng 8 giá tăng ít hơn nhiều). Nhờ vậy cũng giảm bớt yếu tố tâm lý trong những tháng giá tăng nhiều (bởi trừ đi tháng cùng kỳ năm trước cũng tăng mạnh không kém).

Công bố theo cách này cũng loại trừ cách tính ngược của nhiều người (đại khái nói chỉ còn tăng được chừng này, chừng này là vượt mức chỉ tiêu…) vì nói ngược như thế nhiều lúc không chính xác.

Ngoài ra, làm quen với cách công bố theo thông lệ quốc tế, phóng viên cũng không dịch sai khi đọc những bản tin lạm phát các nước. Ví dụ, đọc những câu này: “Singapore’s inflation rate rose to a two-year high of 5.5 percent in January, after climbing 4.6 percent in December”; “Malaysia’s inflation rate rose to 2.4 percent in January”; “India’s food inflation accelerated for the first time in three weeks to 11.49 percent in the week ended Feb. 12”… rất dễ hiểu nhầm lạm phát tháng Giêng của Singapore là 5,5%, tháng 12-2010 là 4,6%... rồi nghĩ lạm phát mấy nước láng giềng cũng cao ngất ngưỡng thì mệt.

* * *

Cuối cùng một điều rất đáng lưu ý trong mức tăng chỉ số giá ở Việt Nam nhưng chưa thấy ai phân tích gì nhiều. Đó là trong khi CPI các thành phố lớn tăng mạnh (CPI của TPHCM tăng 1,61%; Hà Nội tăng 1,98% trong tháng 2 so với tháng 1) nhưng CPI cả nước còn tăng mạnh hơn (2,09%), trong đó tăng mạnh nhất là vùng Tây Bắc (đến 2,61%). Điều đó cho thấy mức sống của người dân nông thôn ngày càng khó khăn, người nghèo lại càng vất vả hơn.

Lý do chỉ số giá vùng nông thôn cao hơn ở các thành phố lớn có thể vì chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn, hệ thống phân phối chưa tốt nhưng cũng có thể do ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có các chương trình bình ổn giá. Nếu vậy, có thể kết luận các chương trình bình ổn giá đang tạo ra sự bất bình đẳng cho người dân cả nước, người nghèo ở nông thôn không tiếp cận được sự hỗ trợ này nên lạm phát càng tạo thêm gánh nặng cho họ.

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...