Thursday, February 17, 2011

Mọi đề xuất phải từ thực tế

Mọi đề xuất phải từ thực tế

Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2011 lên đến 1,74% so với tháng trước đó hay 12,17% so với cùng kỳ năm ngoái, đã có nhiều ý kiến từ các chuyên gia kinh tế đề xuất các biện pháp kiềm chế mức tăng giá cả.

Đáng chú ý là ý kiến của một “chuyên gia kinh tế cao cấp”: Ngân hàng Nhà nước nên chiết khấu cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất 3 – 4%, thậm chí đề nghị Chính phủ cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0%.

Cơ sở để chuyên gia này đưa ra kiến nghị này là bởi “trong nền kinh tế thiếu thanh khoản thì Ngân hàng Nhà nước là tổ chức có quyền phát hành tín dụng mà không cần huy động vốn từ nhân dân, không cần phải trả bất kỳ 1% tỷ lệ lãi suất nào cho ai và Ngân hàng Nhà nước có thể quyết định cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất hợp lý theo quy định mới của luật ngân hàng”.

Nói tóm lại, chuyên gia này phản đối cách suy nghĩ “Mỗi khi chỉ số giá tiêu dùng tăng thì các nhà hoạch định chính sách thường cho là lạm phát và phản ứng bằng cách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát” nên đề nghị làm ngược lại: giảm lãi suất để hạ chỉ số giá tiêu dùng và việc giảm lãi suất như thế nằm trong tay Nhà nước.

Đến đây thì bất kỳ một sinh viên kinh tế nào cũng có thể phản bác lập luận trên bằng những quy luật kinh tế học sơ đẳng: Giá hàng hóa tăng vì có sự mất cân đối giữa lượng tiền và hàng hóa lưu thông trong nền kinh tế, nếu bơm thêm tiền ra thì giá cả càng tăng chứ làm sao giảm được. Bởi thế cho nên một trong những công cụ chủ yếu để kiểm soát lạm phát là lãi suất – các nước thường nâng lãi suất để ngăn chận lạm phát.

Tuy nhiên, đúng là trong thời gian gần đây, cũng có nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của việc nâng lãi suất nhằm chặn đà lạm phát, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang suy thoái, sản xuất chưa đạt mức cân bằng với nhu cầu, thất nghiệp còn cao. Họ lập luận lãi suất cao càng làm giảm lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường nên giá cả càng tăng.

Thế nhưng ý kiến loại này cũng chỉ tỏ ra hoài nghi về tác dụng của việc nâng lãi suất đối với lạm phát, tức là, chẳng hạn, họ cho rằng, tăng 1 điểm phần trăm lãi suất trong một năm chỉ làm lạm phát giảm 0,2%. Hơn nữa cái gọi là lãi suất cao được đề cập ở trên là lãi suất thật (lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát); nếu lãi suất danh nghĩa là 15% trong khi lạm phát lên đến 10% thì lãi suất thật (5%) không thể gọi là cao được.

Khi nói mọi đề xuất phải từ thực tế, tức là chúng ta phải xem thực trạng nền kinh tế Việt Nam đang ở đâu, từ đó mới có thể nhận định đúng đắn đề xuất nào là hợp lý, đề xuất nào sẽ làm tình hình xấu hơn.

Có phải hàng hóa trên thị trường đang khan hiếm, là tác nhân gây tăng giá không? Câu trả lời là không. Số liệu thống kê chính thức cho thấy GDP năm ngoái 6,78%, sản lượng lúa cả nước năm 2010 là 40 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn so với năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14%, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 24,5% (nếu loại trừ yếu tố giá thì cũng tăng đến 14%).

Ngược lại, chính việc tung tiền ra đầu tư tràn lan là tác nhân gây lạm phát hiện nay. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam năm 2010 lên đến 41,9% GDP, tăng 17,1% so với năm trước. Và mặc dù lãi suất cao, tổng tín dụng cho nền kinh tế đến cuối năm 2010 vẫn tăng 29,81% so với cuối năm 2009, tổng phương tiện thanh toán tăng 25,3%.

Đúng là lãi suất cao như hiện nay đang gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. Vấn đề là tìm một điểm cân bằng để việc đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát không quá đắt giá. Nếu doanh nghiệp khó khăn vì lãi suất cao thì người dân khó khăn gấp bội lần vì lạm phát. Người có thu nhập càng thấp thì khó khăn do lạm phát gây ra chịu sức khuếch tán càng lớn. Và như thế mọi nỗ lực xóa đói giảm nghèo trong nhiều năm qua rất có thể bị xóa bỏ trong một sớm một chiều.

Nói như vị chuyên gia kinh tế nêu trên là đứng trên lợi ích của giới kinh doanh mà không đếm xỉa đến sự an nguy của nền kinh tế và sự bảo toàn tài sản của người dân trong dài hạn. Làm gì có chuyện Ngân hàng Nhà nước có quyền phát hành tín dụng mà “không cần phải trả bất kỳ 1% tỷ lệ lãi suất nào cho ai”. Ngân hàng Nhà nước muốn cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất 3-4% như chuyên gia này đề nghị thì phải mua lại trái phiếu chính phủ từ ngân hàng thương mại. Khi lãi suất trái phiếu khoảng 10%, nếu cho ngân hàng vay với lãi suất thấp như thế, mọi lợi nhuận sẽ rơi vào tay ngân hàng như từng xảy ra trong năm 2010. Nếu chính phủ cho vay với lãi suất 0% như chuyên gia này đề nghị, ngay lập tức sẽ có làn sóng đầu tư bất chấp hiệu quả, bong bóng đủ loại tài sản như nhà đất, cổ phiếu sẽ phình to và nổ tung bất kỳ lúc nào. Đó chính là mối nguy tiềm ẩn của những kiến nghị không đếm xỉa gì đến thực tế.

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...