Thursday, September 23, 2010

Một nhầm lẫn lớn

Một nhầm lẫn lớn

Hiện vẫn còn tồn tại một nhầm lẫn rất lớn rằng các cơ quan chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, có quyền chỉ đạo trực tiếp các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc. Chúng ta vẫn thường đọc thấy các chỉ thị ra lệnh cho doanh nghiệp này làm việc này, doanh nghiệp kia làm việc khác.

Nếu nhầm lẫn này xảy ra trước đây khi doanh nghiệp nhà nước còn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thì còn hiểu được. Nhưng từ khi mọi doanh nghiệp nhà nước phải chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì việc chỉ đạo chúng không thể theo cách trực tiếp như cũ nữa.

Mỗi doanh nghiệp là một pháp nhân riêng lẻ, chúng không thể nhận lệnh trực tiếp từ ông chủ tịch tỉnh hay ông bộ trưởng. Người duy nhất có thể ra lệnh cho chúng là chủ sở hữu. Chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước đương nhiên là Nhà nước nhưng luật pháp không chấp nhận một chủ sở hữu chung chung như thế nên có quy định tùy theo từng trường hợp cụ thể, chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước có thể là Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành.

Vấn đề ở chỗ, mỗi khi ông bộ trưởng, được cử làm chủ sở hữu tại một doanh nghiệp nhà nước, ra lệnh cho doanh nghiệp thực hiện một chiến lược nào đó, ông sẽ thực hiện điều này trong tư cách là người được nhà nước cử làm chủ sở hữu doanh nghiệp đó chứ không phải trong tư cách là bộ trưởng.

Sẽ có người nói, đây chỉ là vấn đề hình thức, chứ thực chất cũng chẳng khác gì nhau. Nhầm lẫn này chính là nguyên nhân của nhiều lúng túng hiện nay bởi sự khác biệt giữa hai chức năng, nhiệm vụ đó là rất lớn.

Giả dụ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra lệnh cho các doanh nghiệp nhà nước tạm trữ gạo - đó là một mệnh lệnh hành chính, kết quả sau này như thế nào, ông bộ trưởng sẽ không chịu trách nhiệm vì đang thi hành một chính sách của Nhà nước. Nhưng cũng người bộ trưởng này khi ra lệnh cho doanh nghiệp nhà nước mà mình làm chủ sở hữu thì đó là một quyết định kinh doanh và ông sẽ phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về tính hiệu quả của quyết định kinh doanh này.

Chính Nghị định 25/2010 cũng quy định các cơ quan quản lý nhà nước không được phân công thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp… tức là không được can thiệp trực tiếp vào các doanh nghiệp này và phải đối xử với chúng như các doanh nghiệp khác.

Tách biệt như thế là bước đầu tiên trong việc từ bỏ vai trò chủ quản của cơ quan quản lý trong quản lý doanh nghiệp để mọi doanh nghiệp sẽ phải hoạt động bình đẳng trên một bộ khung pháp lý chung. Và cũng từ đó, sẽ nâng cao được tính trách nhiệm của chủ sở hữu đại diện cho Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, với tư cách cá nhân chứ không phải là tập thể, để họ phải cân nhắc và đắn đo suy nghĩ trước mỗi quyết định kinh doanh, tránh tình trạng cố ý làm sai mà không ai chịu trách nhiệm sau cùng như từng xảy ra tại nhiều doanh nghiệp nhà nước.

Friday, September 17, 2010

Đổ thêm 300 triệu đô-la vào Vinashin

Đổ thêm 300 triệu đô-la vào Vinashin

Hôm qua có tin quan trọng: Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng giao Bộ Tài chính xử lý đề nghị của Vinashin về việc sử dụng một phần nguồn trái phiếu quốc tế năm 2010 (300 triệu USD) để trả nợ.

Nó quan trọng ở mấy điểm này:

Thứ nhất, trước nay, theo các thông tin chính thức thì các khoản nợ nước ngoài của Vinashin bao gồm 750 triệu đô-la tiền bán trái phiếu quốc tế của Chính phủ chuyển giao, 600 triệu đô-la vay của các tổ chức tín dụng quốc tế. Nay nảy sinh thêm khoản nợ 300 triệu đô-la phải trả cho Ngân hàng Natixis. Khoản 750 triệu đô-la đến năm 2015 mới đáo hạn, hiện nay chỉ trả lãi khoảng trên 50 triệu đô-la/năm. Khoản 600 triệu đô-la vay thương mại thì cũng đến năm 2015 mới trả xong. Như vậy 300 triệu này không nằm trong hai khoản kia. Ở đâu ra khoản nợ này?

Thứ hai, lúc phát hành trái phiếu 1 tỷ đô-la vào đầu năm 2010, tiền thu về theo kế hoạch là dành cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà và Tổng công ty Lắp máy Việt Nam vay lại để thực hiện đầu tư các dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án mua tàu vận tải, dự án Thủy điện Xê Ca Mản 3 và Nhà máy thủy điện Hủa Na. Hoàn toàn không nói gì đến Vinashin. Nay chuyển 300 triệu đô-la cho Vinashin là làm sai Nghị quyết trước đó của Chính phủ.

Thứ ba, 1 tỷ đô-la tiền phát hành trái phiếu về đến Việt Nam từ tháng 1-2010. Tiền vay về sao không sử dụng, cứ để lãi mẹ đẻ lãi con và bây giờ lại chuyển cho Vinashin trả nợ?

Thứ tư, việc dùng 300 triệu đô-la tiền trái phiếu chuyển cho Vinashin trả nợ không làm thay đổi bản cân đối kế toán của tập đoàn này. Khoản nợ 86.000 tỷ đồng vẫn sẽ nằm nguyên đó vì trả được 300 triệu đô-la nợ của Natixis thì lại phải ghi thêm nợ của Bộ Tài chính 300 triệu đô-la. Có thay đổi chăng là nghĩa vụ trả lãi cho 300 triệu đô-la này xem như Bộ Tài chính phải gánh chịu, không thể trông chờ gì từ Vinashin.

Một lần nữa, cần phải nhanh chóng tập trung làm rõ bức tranh nợ nần của Vinashin, tính toán chi phí giải quyết để gom thành một khoản tiền cụ thể, công bố rõ và xin phép Quốc hội phê chuẩn nếu cần. Nếu không chúng ta sẽ cứ tiếp nhận như tin đau tim như thế này trong thời gian tới.

Mẩu tin trên, được nhiều báo đăng tải, nói là chỉ mới giao cho Bộ Tài chính xử lý đề nghị này. Có thể Bộ Tài chính sẽ bác đề nghị của Vinashin vì những lý do nói trên.

Tuesday, September 14, 2010

Chuyện nghề báo (2)

Không sòng phẳng

Nếu chỉ đọc trên báo, người ta sẽ hiểu nhầm rằng có 5 đại sứ gởi thư phản đối Thông tư 122, rằng Thông tư này nhằm kiểm soát giá sữa. Vì thế sẽ có người bực dọc: Giá sữa bị thả nổi cho các doanh nghiệp nước ngoài thao túng, bây giờ kiểm soát là điều hay, có gì phải phản đối.

Ở đây báo chí viết nhầm.

Một tờ báo viết như thế này: “Theo nguồn tin của [tên tờ báo đó], đại sứ các nước: Hoa Kỳ, Úc, Canada, New Zealand, Liên minh châu Âu tại Việt Nam vừa gửi một bức thư cho Bộ trưởng Tài chính đề nghị hoãn thực thi Thông tư quản lý giá số 112 do bộ này mới ban hành”.

Viết vậy là sai rồi. Thông tư 122 được ban hành ngày 12/8; thư của năm ông đại sứ gởi ngày 24/6, tức là gởi khi Thông tư vẫn còn ở dạng dự thảo.

Thứ nữa, Thông tư 122 nhằm quản lý giá trên 20 mặt hàng chứ đâu chỉ có sữa bột dành cho trẻ em. Nói Thông tư 122 quản lý giá sữa (và tạo tâm lý đồng thuận ở người đọc) là không sòng phẳng.

Còn vì sao nhiều doanh nghiệp nước ngoài phản đối chuyện quản lý giá thì xin xem lại bài “Lúng túng chuyện giá” hoặc bài ở đây, được viết lúc Thông tư còn là dự thảo. Chỉ xin trích một đoạn:

Không thể nào tưởng tượng nổi chuyện doanh nghiệp sản xuất một mặt hàng trong diện đăng ký giá, mỗi khi thay đổi giá thì phải thực hiện đúng quy trình thực hiện phương án điều chỉnh giá phức tạp mới được tăng hay giảm giá bán. Có những quy định mới nhìn vào đã thấy không thể nào thực hiện được, không hiểu sao dự thảo vẫn đưa vào. Ví dụ, Sở Tài chính sẽ là nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký giá của các thành phần kinh tế… nhưng làm sao một sở ở một địa phương có đủ nguồn lực để biết doanh nghiệp đăng ký giá như thế nhưng có thực hiện đúng giá đã đăng ký không ở trên các thị trường khắp cả nước. Làm sao doanh nghiệp, mặc dù đã đăng ký giá, có thể kiểm soát được việc bán đúng giá đã đăng ký tại hàng chục ngàn hay thậm chí hàng trăm ngàn điểm bán lẻ trên khắp cả nước.

Giả thử có một thông tư dành riêng cho việc quản lý giá sữa hay giá thuốc chữa bệnh, xin hoan nghênh cả hai tay nhưng quản lý giá theo kiểu Thông tư 122 chắc chắn sẽ chỉ mang tính hình thức vì không khả thi. Vấn đề ở chỗ báo chí đã không chính xác và sòng phẳng khi đưa tin.

Thursday, September 9, 2010

Khoản nào ra khoản đó

Khoản nào ra khoản đó

Liệu có thể ra lệnh cho các ngân hàng thương mại khoanh nợ, dãn nợ cho Vinashin được chăng?

Công việc đầu tiên mỗi khi bắt tay giải cứu một công ty lớn trên đường phá sản là khoanh gọn vụ việc để ngăn ngừa khả năng lây lan ra các doanh nghiệp khác.

Nhìn lại những vụ chính phủ các nước ra tay “tái cơ cấu” những doanh nghiệp khổng lồ bị lâm nguy của nước họ trong hai năm gần đây, có thể thấy một điểm chung là việc nhanh chóng thành lập một ủy ban đánh giá tình hình, vạch kế hoạch giải cứu, tính trọn gói chi phí, tìm nguồn tài chính (có thể phải thông qua quốc hội nước họ), và đưa ra lộ trình cùng kết quả kỳ vọng sẽ đạt được. Trong đó, quan trọng nhất là chi phí tính toán chính xác để vực dậy doanh nghiệp cũng như cách thu hồi lại những khoản tiền rót vào - bởi khi đụng đến ngân sách là đụng đến tiền đóng thuế của người dân.

Với Vinashin, Chính phủ đã có những bước đi tương tự nhưng phần chi phí giải cứu Vinashin không được tính toán chính xác, chỉ dựa vào những mệnh lệnh hành chính, có thể làm gánh nặng Vinashin chuyển thành gánh nặng của nhiều doanh nghiệp khác.

Trong các văn bản liên quan đến việc tái cơ cấu Vinashin, chỉ có một khoản tài chính cụ thể là “tạm ứng vốn điều lệ cấp bù cho Vinashin” nhưng đây chỉ là một khoản rất nhỏ so với những gánh nặng tài chính của tập đoàn này. Vốn điều lệ của Vinashin trước đây là 9.000 tỷ đồng, nay theo quyết định chuyển tập đoàn này thành công ty TNHH một thành viên thì vốn điều lệ được nâng lên thành 14.655 tỷ đồng. Trong khi đó Vinashin hiện đang có các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính lên đến 86.000 tỷ đồng.

Trong kết luận của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin, có đoạn: “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo, chỉ đạo việc rà soát, đối chiếu công nợ của Tập đoàn tại các ngân hàng thương mại; khoanh nợ, dãn nợ đến hết năm 2011 cho Tập đoàn, cân đối nguồn vốn để tiếp tục cho Tập đoàn vay vốn lưu động hoàn thành các hợp đồng đã ký kết, báo cáo Ban Chỉ đạo.”

Đây có lẽ cũng là một bước trước sau gì cũng phải làm nhưng chỉ có thể tiến hành sau khi bức tranh nợ nần của Vinashin đã được làm rõ. Nợ đến hạn của Vinashin trong năm nay và năm sau là bao nhiêu, điều kiện của các khoản vay đó như thế nào, có phải là vay theo chỉ định của Chính phủ hay vay thương mại, nếu vay thương mại thì trách nhiệm thẩm định các khoản vay của bản thân các ngân hàng là như thế nào?

Còn nhớ những năm chuẩn bị vào WTO, Việt Nam đã có những nỗ lực hạn chế yêu cầu các ngân hàng thương mại cho vay theo chỉ định và dần dần giao nhiệm vụ này cho các ngân hành chính sách, ngân hàng phát triển theo thông lệ quốc tế. Nay, về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước làm sao có quyền chỉ đạo các ngân hàng thương mại, nhất là ngân hàng thương mại quốc doanh nay đã cổ phần hóa, khoanh nợ, dãn nợ cho Vinashin.

Tất cả phải lượng định bằng tiền và, đáng tiếc phải nói thẳng, tiền này phải do từ ngân sách chi ra chứ không thể bắt ai khác gánh chịu. Chính vì thế mới có yêu cầu tính toán chính xác tổng khoản tiền phải bỏ ra để “tái cơ cấu” Vinashin và nếu cần trình ra Quốc hội để được thông qua một cách chính thức.

Trong tuần trước, báo chí đưa tin đậm về việc hãng đánh giá tín dụng Fitch Ratings công bố xếp hạng cho bốn ngân hàng trong nước. Ba trong bốn ngân hàng này được Fitch Ratings cho là có ảnh hưởng bởi những khoản vay đối với Vinashin. Loại thông tin “khoanh nợ, dãn nợ” nói trên không giúp gì cho các ngân hàng này cả mà lẽ ra nên sòng phẳng, nói rõ ai sẽ chịu trách nhiệm cho các khoản vay này để không chuyển khó khăn cho các ngân hàng hay doanh nghiệp khác.

Cũng tuần rồi, bốn cán bộ cao cấp của Vinashin bị bắt giữ, sai phạm của họ được cơ quan điều tra công bố rộng rãi. Dư luận hoan nghênh việc này và đòi hỏi những công bố cụ thể hơn nữa những sai phạm của Vinashin. Những, cũng theo tinh thần “việc gì ra việc nấy”, nên tách bạch hai chuyện: xử lý sai phạm tại Vinashin (phải làm mạnh và nghiêm khắc) và “tái cơ cấu” Vinashin (phải làm nhanh và chính xác). Trong chuyện tái cơ cấu, cũng nên tách bạch hai mảng: xử lý nợ thông qua một công ty nhận nợ và xây dựng một Vinashin mới như bài “Tái cơ cấu Vinashin: những vấn đề cụ thể” trên TBKTSG số ra tuần trước đã đề nghị.

Cập nhật: Trong bối cảnh đó, một trong những công việc được xem là quan trọng, được đưa vào ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lại là “giao Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) giúp Vinashin thiết lập mạng trực tuyến giữa Vinashin với các đơn vị thành viên chủ chốt để công tác điều hành của tập đoàn có hiệu quả, thường xuyên hơn”!

Chuyện nghề báo (1)

Người dơi tấn công đại lễ?

Một lần nữa giới viết blog làm phóng viên bẽ mặt vì một lỗi nhỏ nhưng cực kỳ phi lý. Báo chí khi đưa tin về chương trình nghệ thuật trong 10 ngày đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã ghi tên một tiết mục nhạc là “Bát man tấn công”.

Làm sao giới blogger bỏ qua một lỗi to đùng như thế vì bất kỳ ai chịu khó suy nghĩ một chút khi viết tin (dù đó là tin trích lại từ trang web báo điện tử của Chính phủ) cũng phải thắc mắc vì sao lại có tên tiết mục nhạc lạ kỳ này, không lẽ lấy nhạc nền của một bộ phim Người dơi nào đó?

Hóa ra đó là bài nhạc “Bát man tấn cống” (có nơi viết là “Bắc man tấn cống). Theo một số tài liệu về nhạc cải lương, nhạc tài tử, tựa đề này có nghĩa ngày xưa lúc Việt Nam cường thịnh, các nước nhỏ phải đến triều cống. Đây là một trong tám bài "Bát ngự".

Cám ơn người viết blog đã nhắc nhở giùm giới viết báo, phải luôn luôn hiểu những gì mình viết ra, không hiểu thì hỏi lại, chứ không thể viết bừa. Còn trách nhiệm của trang báo điện tử Chính phủ khi viết sai như thế thì thôi để người khác nói.

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...