Saturday, July 31, 2010

Trường chuyên: Nên? Không nên?

Trường chuyên: Nên? Không nên?

Giả thử có một cuộc khảo sát chuyện nên hay không nên phát triển hệ thống trường chuyên, có lẽ đa số những người có liên quan sẽ trả lời rằng nên. Phụ huynh chắc ai cũng muốn con mình là học sinh giỏi, thậm chí nhiều người mang hoài bão con mình là thần đồng. Thầy cô giáo được dạy ở trường chuyên là niềm tự hào. Địa phương nào lại không muốn có một ngôi trường chuyên toàn những học trò xuất sắc, đạt giải quốc gia, quốc tế. Và nhân vật chính – học sinh – có lẽ nhiều em mơ ước được vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi, được tuyển thẳng vào đại học hay được đi du học sau khi tốt nghiệp từ một trường chuyên.

Thế nhưng vì sao có nhiều ý kiến phản đối từ khái niệm trường chuyên, đến hiện trạng dạy và học ở các trường chuyên ở nước ta?

Theo tôi, có một môi trường ở đó các em có năng khiếu nổi trội ở những bộ môn nào đó được phát triển hết tiềm năng, một nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, một địa chỉ mà các trường đại học phải tìm đến để tuyển cho bằng được sinh viên giỏi tương lai cho mình – ước muốn đó hoàn toàn chính đáng.

Vấn đề nằm ở chỗ, khái niệm trường chuyên ở nước ta được hình thành với mục tiêu sai lệch và từ đó làm nảy sinh những hệ lụy đáng tiếc. Dù không ai thừa nhận công khai, các trường chuyên được thành lập như những ổ nuôi gà chọi, nhằm tuyển lựa và đào tạo những em học sinh trong đội tuyển sẽ đi thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Một khi đây là mục đích hàng đầu, phương pháp dạy và học sẽ đi theo phục vụ nó. Ví dụ, học sinh trong các lớp chuyên Anh sẽ được dạy rất kỹ về ngữ pháp trong khi các kỹ năng nghe, nói bị bỏ qua. Các em sẽ được “rèn” làm những bài tập mà mục đích chỉ bẫy thí sinh bằng các quy luật ngữ pháp xa lạ, người bản ngữ ít khi dùng. Chuyên Toán cũng vậy, thầy trò cùng nhau vật lộn với các bài tập lắt léo. Vì thế, nhiều ý kiến phản đối trường chuyên học lệch là theo ý này – học không phải vì mục tiêu kiến thức mà chỉ dùng nó vào chuyện thi cử.

Trở lại chuyện khảo sát nói ở đầu bài, nếu hỏi những người thật sự ở trong cuộc, chắc rằng câu trả lời sẽ khác. Đã có một thời học sinh không muốn vào trường chuyên, hoặc vào rồi không muốn tham gia đội tuyển; phụ huynh ngần ngại, hỏi han rất kỹ trước quyết định cho con dự tuyển vào trường chuyên. Mà cũng phải nói thật với nhau, lý do chưa hẳn vì chuyện kiến thức. Chủ yếu vì phụ huynh và học sinh không muốn mình bị biến thành gà chọi chỉ giỏi đấu đá một môn trong khi thi đại học phải ba môn. Lại nữa, đến khi phong trào xin học bổng du học rộ lên, học sinh trường chuyên mới ngộ ra, đại học nước ngoài muốn một bảng điểm đẹp đều các môn, một thành tích không chỉ học giỏi mà còn sinh hoạt ngoại khóa, làm công tác xã hội, công tác từ thiện thật sự. Quá trình này dẫn đến một sự điều chỉnh ở các trường chuyên lớn, cũng để thu hút học sinh và xây dựng uy tín thật sự.

Như vậy để có một hệ thống trường chuyên không bị lệch lạc, có rất nhiều việc phải làm. Trong bối cảnh của Việt Nam, rất khó để thay đổi quan điểm của lãnh đạo địa phương và phụ huynh về mục tiêu thực chất của trường chuyên là đào tạo những học sinh xuất sắc toàn diện. Áp dụng mô hình trường chuyên của các nước (như các chương trình AP, IB) thì Việt Nam chưa đủ khả năng để làm. Khả thi nhất là bắt đầu từ việc mở rộng khái niệm trường chuyên, học sinh không chỉ chọn một mà có quyền chọn vài ba môn chuyên, các em được quyền đăng ký và nếu đạt yêu cầu, có thể vô ra các lớp chuyên này dễ dàng, không chịu nhiều ràng buộc. Môn đăng ký học chuyên sẽ được đánh giá cao trong tuyển sinh đại học. Các kỳ thi học sinh giỏi phải được cải tiến để đánh giá các kỹ năng như tư duy độc lập, óc phê phán, tính sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề… Môn tiếng Anh, chẳng hạn, phải thi cả bốn kỹ năng nghe nói đọc viết. Trường chuyên phải có các chương trình vươn ra cộng đồng để học sinh tham gia hoạt động xã hội.

Quan trọng hơn, cách đánh giá trường chuyên có hiệu quả hay không cũng phải được thay đổi. Không nên xem trọng số lượng giải thưởng trong các kỳ thi (nếu làm tốt, đấy sẽ là hệ quả tất yếu). Nên nhìn dài hạn xem thử trường đã đào tạo những học sinh như thế nào cho xã hội, không những chỉ ở số lượng vào đại học, đi du học mà xa hơn, các em đó sau khi ra đời làm gì, có những đóng góp gì, trở thành con người như thế nào. Các trường lớn hiện đã có bề dày hoạt động vài ba chục năm, ắt phải làm được việc tổng hợp thông tin về cựu học sinh của mình như thế.

Đề án phát triển hệ thống trường chuyên cho nước ta chỉ có thể thành công nếu kèm theo nó là những khảo sát nghiêm túc, bài bản về những vấn đề của hệ thống trường chuyên hiện hữu, kể cả thăm dò ý kiến các em cựu học sinh. Bởi, trong giáo dục số tiền đầu tư, dù có lên mấy ngàn tỷ đồng, cũng không mang tính quyết định.

Friday, July 16, 2010

Xung đột lợi ích

Xung đột lợi ích

Có lẽ nhiều người còn nhớ chuyện chính phủ Mỹ vào cuối thập niên 1990 đã tìm mọi cách điều tra và cáo buộc hãng Microsoft lạm dụng vị thế độc quyền. Thậm chí vào năm 2000, công ty này suýt nữa bị tách làm hai. Lúc đó Microsoft là ngôi sao sáng trong nền kinh tế kỹ thuật số đang cất cánh, đem lại cho Mỹ biết bao lợi thế, biết bao lợi nhuận. Thế nhưng vì sao chính phủ Mỹ, không những không nuông chiều đứa con cưng của mình mà còn muốn trừng phạt nó? Vì họ hiểu nếu để Microsoft một mình một chợ trên thương trường, lợi ích trước mắt dù to lớn cũng không thể nào so với thiệt hại nó đem lại khi tính cạnh tranh bị triệt tiêu, doanh nghiệp khác không còn cơ may tham gia thị trường và cải tiến công nghệ có nguy cơ đình trệ.

Thử tượng tượng nếu Microsoft là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc tổng thống Mỹ hay một bộ nào đó, liệu việc điều tra có tiến hành được chăng hay dù tiến hành, liệu có khó khăn hơn gấp bội lần chăng?

Các sự vụ gần đây liên quan đến các tập đoàn kinh tế nhà nước như EVN hay Vinashin dù sao cũng có tác dụng tốt. Nó xóa tan những hoài nghi trước đây ở nhiều người về chuyện độc quyền hay vai trò của doanh nghiệp nhà nước như kiểu thắc mắc về Microsoft. Hàng chục hàng trăm bài viết công phu phân tích sâu sắc chưa chắc đã làm chuyển biến nhận thức của nhiều người bằng hình ảnh suy sụp của Vinashin hay chuyện cúp điện tràn lan của EVN trong thực tế.

Vấn đề còn lại là tìm một mô hình thích hợp với hoàn cảnh nước ta để hạn chế những điểm yếu của cách tổ chức các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như hiện nay.

Đầu tiên, có thể khẳng định khó tránh được sự xung đột lợi ích một khi chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước chính là các cơ quan điều hành nền kinh tế, quản lý xã hội như các bộ hay các địa phương. Sự bất cập này càng bộc lộ rõ khi chủ sở hữu là người đứng đầu chính phủ. Chủ sở hữu thì luôn muốn dành cho doanh nghiệp của mình mọi thuận lợi, muốn doanh nghiệp của mình luôn phát triển bất kể cách phát triển đó có gây bất lợi cho ai khác. Trong khi đó, cơ quan điều hành nền kinh tế nói chung phải cân đối lợi ích của mọi thành phần tham gia, phải giữ vai trò công minh và đặt lợi ích của đất nước lên trên hết. Giả thử chủ sở hữu là người đứng đầu chính phủ yêu cầu bộ, ngành bên dưới ưu ái cho doanh nghiệp trực thuộc, đó không phải là xung đột lợi ích thì là gì nữa? Các bộ, ngành muốn kiểm tra giám sát loại doanh nghiệp này cũng phải dè chừng hoặc thậm chí bị vô hiệu hóa.

Vì thế, phải tách biệt vai trò chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước ra khỏi vai trò quản lý nhà nước – càng sớm càng tốt và càng triệt để càng hay. Tách biệt như mô hình SCIC (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước) là không hiệu quả vì đứng đầu SCIC vẫn là các quan chức nhà nước kiêm nhiệm. Ở đây thế giới đã có nhiều mô hình đáng tham khảo, như thuê chuyên gia độc lập, tổ chức quỹ đầu tư không bị chi phối về chính trị, vấn đề là chúng ta liệu có đủ ý chí để làm theo hay không mà thôi.

Thứ đến, con đường cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, biến chúng thành các công ty cổ phần, đa sở hữu chính là con đường phải tiến hành. Con đường này không phải là không trả giá như thất thoát tài sản nhà nước, như hình thành các nhóm lợi ích mới, sự lũng đoạn dưới những hình thức mới. Tuy nhiên, đi kèm với cổ phần hóa và đại chúng hóa các doanh nghiệp nhà nước, tính minh bạch của chúng bắt buộc phải được nâng lên, sự giám sát chia đều cho toàn xã hội thì cái giá phải trả rẻ hơn nhiều so với sự thất thoát do các tập đoàn như Vinashin gây ra.

Cuối cùng, bộ khung luật lệ, quy định của chúng ta, tuy còn phải điều chỉnh nhiều nhưng đã tương đối đầy đủ trong chức năng giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Sự buông lỏng chức năng quản lý giám sát của các cơ quan nhà nước mà một phần là do sự xung đột lợi ích nói trên cũng góp phần làm xấu thêm tình hình. Chỉ nói riêng chuyện yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty phải báo cáo tài chính thường kỳ, có kiểm toán, nếu thực hiện nghiêm chỉnh cũng đã giúp ngăn ngừa gánh nặng nợ nần ở nhiều doanh nghiệp.

Hoặc một quy định rất rõ ràng “Chủ tịch hội đồng quản trị không kiêm tổng giám đốc công ty” đã được nêu trong Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Nghị định 101 về việc thí điểm thành lập tập đoàn và nhiều văn bản khác. Thậm chí có văn bản ghi như một lời nhắc nhở sau nhiều lần “trên bảo dưới không nghe”: “Nghiêm chỉnh tuân thủ quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị không kiêm Tổng giám đốc của công ty”! Thế nhưng chúng ta vẫn thấy trong một thời gian dài ở nhiều tập đoàn hai vị trí này vẫn do một người đảm nhận. Luật lệ một khi không được tuân thủ sẽ trở thành tấm bình phong che dấu nhiều chuyện sai trái trong quản lý các doanh nghiệp nhà nước.

Thursday, July 15, 2010

TBKTSG số 29

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 29, phát hành ngày 15-7-2010

Vay vốn quốc tế - sự lựa chọn bắt buộc? - Ngọc Lan: Bất kể bài học trước mắt của Vinashin, nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước đang lên kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế đồng loạt vào quý 4 năm nay. PetroVietnam: 1 tỷ đô-la; Than và Khoáng sản: 500 triệu đến 1 tỷ đô-la; EVN: 1 tỷ đô-la. Chuyên gia Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định: “Hệ số tín nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam thấp nên chắc chắn phải đi vay với lãi suất cao”.

10 năm thị trường chứng khoán: Ông Lê Văn Châu, nguyên chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kể: Trong cuộc họp đầu tiên để Chính phủ báo cáo với Bộ Chính trị phương án phát triển TTCK (mà tôi được giao trình bày), nguyên cố vấn Ban Chấp hành trung ương Đảng Phạm Văn Đồng đã hỏi tôi: “Đồng chí hãy nói cho Bộ Chính trị nghe tại sao chúng ta là nước xã hội chủ nghĩa lại phải xây dựng TTCK”. Tiếp đó Tổng bí thư Đỗ Mười hỏi: “Tính chất giai cấp của TTCK là gì?”!

Sự trở lại của tư tưởng bao cấp? Mục ý kiến của TBKTSG đặt vấn đề: Tư tưởng bao cấp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong một số chính sách đã bắt đầu quay trở lại với mức độ và phạm vi rộng.

Hai bài của Diệp Văn Sơn và Vũ Xuân Tiền tiếp nối vấn đề ông Nguyễn Quang A đặt ra trong số báo trước: Trước hết cần sự phân quyền thực chấtPhân công, phân cấp hợp lý và giám sát hiệu quả.

(Sẽ cập nhật đường link khi TBKTSG Online đưa lên mạng)

Wednesday, July 14, 2010

Độ tin cậy và con số chính xác

Độ tin cậy và con số chính xác

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những động thái khá tích cực trong việc chủ động đưa ra thông tin để định hướng dư luận. Bài viết của ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Vụ trưởng Vụ Dự báo, thống kê tiền tệ NHNN “Cung - cầu ngoại tệ của nền kinh tế: Cơ sở để bình ổn tỷ giá” đăng trên website của NHNN là một nỗ lực như thế.

Tuy nhiên, thông tin trong bài viết để lại những câu hỏi khó lý giải đối với những ai theo dõi sát diễn biến của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm.

Ví dụ, bài viết của ông Nghĩa đưa ra những con số về cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2010 như sau:

Đơn vị: Triệu USD

Quý I/2010

Ước Quý

II/2010

Ước 6 tháng đầu năm 2010

I. Cán cân vãng lai

-1.892

-1.678

-3.570

1. Cán cân thương mại

-2.239

-1.963

-4.202

2. Chuyển tiền một chiều (ròng)

2.051

1.828

3.879

II. Cán cân vốn và tài chính

3.686

3.319

7.005

1. Đầu tư trực tiếp (ròng)

1.670

2.035

3.705

2. Vay nước ngoài (ròng)

898

702

1600

3. Đầu tư gián tiếp (ròng)

1.290

510

1.800

II. Tổng cán cân vãng lai và cán cân vốn và tài chính

1.794

1.641

3.435

Nguồn: NHNN

Trong phần I, tác giả cho biết cán cân thương mại 6 tháng đầu năm chỉ âm 4,2 tỷ đô-la nhưng con số của Tổng cục Thống kê là 6,7 tỷ đô-la. Vì sao có sự sai biệt này? Cho dù lấy theo con số Tổng cục Hải quan vừa mới công bố là 6,29 tỷ đô-la thì cách biệt này vẫn còn quá lớn.

Mục chuyển tiền một chiều gồm hai khoản chính là kiều hối từ nước ngoài gởi về và tiền lãi của các dự án FDI chuyển ra nước ngoài, trừ hai con số này với nhau thì ra con số ròng. Theo con số của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, kiều hối 6 tháng đầu năm là khoảng 3,6 tỷ đô-la. Con số chuyển lợi nhuận về nước không có (cả năm 2009 là 4,9 tỷ đô-la và ước cả năm 2010 là 3,8 tỷ đô-la, theo Ngân hàng Thế giới). Nhưng chắc chắn con số ròng nói trên phải nhỏ hơn 3,6 tỷ đô-la chứ ở đâu ra con số 3,879 tỷ đô-la như tác giả nêu?

Nói gì thì nói cân đối hai khoản mục này (-4,2 tỷ và 3,8 tỷ) lẽ ra cân đối tài khoản vãng lai phải là -323 triệu đô-la. Vì sao tác giả ghi cán cân vãng lai sáu tháng đầu năm là -3.570 triệu đô-la? Những khoản mục nào đã không được đưa vào bảng này để lý giải cho sự chênh lệch lên đến trên 3,2 tỷ đô-la? Tương tự, nếu chúng ta cộng các khoản mục trong phần II, con số cân đối tài khoản vốn và tài chính lẽ ra phải là 7.105 triệu đô-la (so với 7.005 triệu của tác giả).

Vấn đề tỷ giá ở Việt Nam hiện nay đúng là bị tác động khá nhiều từ các yếu tố tâm lý. Việc NHNN chủ động đưa ra thông tin để giải quyết yếu tố tâm lý bất lợi là một bước tiến đáng ghi nhận. Tuy nhiên nếu số liệu đưa ra chặt chẽ hơn, chính xác hơn thì tính thuyết phục sẽ cao hơn.

Friday, July 9, 2010

Rút kinh nghiệm!

Rút kinh nghiệm!

“Rút kinh nghiệm” là cụm từ thường được nói tới mỗi khi xảy ra một vụ việc gì đáng tiếc. Vụ Vinashin cũng thế, chúng ta lại nghe các quan chức chính phủ nhắc đến chuyện rút kinh nghiệm, rồi lại hứa rút ra bài học phải kiểm tra giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chặt chẽ hơn.

Vậy, hãy thử nhìn lại những chuyện có thể rút được kinh nghiệm ngay, không những chỉ từ vụ Vinashin đang được “tái cơ cấu” mà còn ở nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước khác. May ra sau này người ta khỏi mất công “rút kinh nghiệm” nữa.

Năm ngoái, Chính phủ ban hành Nghị định 09/2009, trong đó có quy định rất rõ: “Công ty nhà nước được quyền chủ động huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh trong phạm vi hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ của công ty không vượt quá 3 lần”. Hệ số này ở Vinashin lên đến 9, 10 lần từ lâu, sao không thấy ai thổi còi? Đã có nhiều báo cáo chính thức cho thấy hệ số nợ trên vốn của nhiều tập đoàn rất cao, cao hơn mức trần 3 lần, thậm chí cả mấy chục lần, thế có cơ quan nào từ bài học Vinashin mà buộc các tập đoàn đó giảm số nợ xuống không?

Nghị định nói trên cũng bổ sung: “Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng vốn tại công ty nhà nước”. Liệu Bộ Tài chính đã bao giờ lên tiếng về việc Vinashin vay nợ tràn lan, vay nợ bất kể khả năng trả nợ? Hay chính Bộ Tài chính cũng bất lực vì không khiển nổi Vinashin? Chủ sở hữu của Vinashin có biết chuyện vay nợ vượt quy định của Vinashin chăng?

Với Vinashin, Chính phủ là chủ sở hữu nhà nước, và một số bộ, ngành và ngay chính hội đồng quản trị Vinashin cũng được giao thực hiện một số quyền của chủ sở hữu. Chính sự nhập nhằng này đã là lổ hổng để cuối cùng không ai giám sát Vinashin cả. Nghị định 25/2010 về việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH một thành viên quy định mỗi công ty chuyển đổi chỉ do một tổ chức làm chủ sở hữu (hoặc là Thủ tướng Chính phủ, bộ, UBND tỉnh thành…) chứ không có chuyện nhiều nơi làm chủ sở hữu.

Vốn điều lệ của Vinashin trước là 9.000 tỷ đồng. Nay ở quyết định chuyển tập đoàn này thành công ty TNHH một thành viên mới do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký tuần trước, vốn điều lệ lại được nâng lên thành 14.655 tỷ đồng. Không biết khoảng tăng thêm này lấy ở đâu ra, có phải từ ngân sách nhà nước? Người ký quyết định này liệu có “rút kinh nghiệm” từ Nghị định 09/2009 trong đó nói rõ: “Trường hợp sử dụng nguồn vốn ngân sách để cấp vốn điều lệ, Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ, Quốc hội quyết định”.

Cả quan chức chính phủ lẫn Vinashin đều cho rằng việc đầu tư tràn lan ra ngoài ngành nghề chính là một trong những nguyên nhân gây nên khủng hoảng cho Vinashin hiện nay. Thế mà trong quyết định chuyển Vinashin thành công ty TNHH một thành viên lại vẫn thấy những ngành nghề kinh doanh như hoạt động tài chính, ngân hàng, dịch vụ khách sạn, đầu tư kinh doanh nhà, xây dựng dân dụng, khu đô thị, nhà ở, lữ hành nội địa, kinh doanh lữ hành quốc tế, sản xuất bia rượu, nước giải khát, dịch vụ vui chơi giải trí… Quyết định này vừa mới được ban hành vào tuần trước – không lẽ chưa đủ thời gian để “rút kinh nghiệm”?

Nhìn rộng ra, việc rút kinh nghiệm quan trọng hơn cả ở đây là gì? Luật lệ, quy định không phải tự dưng mà có. Một trong những vai trò của luật lệ, quy định là nhằm giúp người làm ra luật lệ, quy định giám sát, kềm chế chính mình hay chính bộ máy giúp việc bên dưới. Bộ Giao thông – Vận tải làm sao đủ nhân lực và năng lực để theo dõi hàng trăm công ty con, công ty cháu với hàng ngàn dự án tiền tỷ của Vinashin; Bộ Tài chính làm sao tổ chức nổi bộ máy theo dõi tiến độ thu tiền về của Vinashin để trả lãi trái phiếu chính phủ đúng hạn? Vì thế luật lệ, quy định mới có chuyện thanh tra hay kiểm toán độc lập. Vai trò của các cơ quan nhà nước là giám sát tuân thủ và bấm còi báo động mỗi khi luật lệ, quy định bị vi phạm. Còn nếu không tách bạch được vai trò quản lý như thế (không chịu sức ép của bất kỳ ai) với vai trò chủ sở hữu (phải làm sao có lợi nhất cho tập đoàn mình làm chủ sở hữu) thì việc sai phạm vẫn sẽ diễn ra trong tương lai.

Tuần trước, Bộ Giao thông – Vận tải cũng ra thông cáo báo chí, kêu gọi báo chí “chung sức, đồng hành” giúp Vinashin vượt qua khó khăn. Đây cũng là cách tiếp cận sai lầm có thể “rút nhiều kinh nghiệm”. Giả thử Bộ không cần kêu gọi mà ngay từ trước yêu cầu Vinashin minh bạch trong hoạt động, công khai các dự án, đăng tải đầy đủ các tài liệu cơ bản như bản báo cáo tài chính thường niên thì báo chí và công luận đã có thể chung sức giúp Bộ giám sát, phát hiện sai lầm của Vinashin sớm hơn nhiều. Vai trò của báo chí là truyền tải thông tin; một khi không có thông tin thì báo chí bị vô hiệu hóa, làm sao "đồng hành cùng doanh nghiệp" được.


Thursday, July 8, 2010

TBKTSG số 28

Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 28, ra ngày 8-7-2010

Một số bài nổi bật:

- Ai chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ Vinashin? (Nguyễn Quang A): Ngoài ban lãnh đạo Vinashin, còn những ai cũng phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm nghiêm trọng ở tập đoàn này… Cách “cứu vớt” Vinashin cũng sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu cho các doanh nghiệp nhà nước và sẽ có những hậu quả khôn lường…

- Cứu Vinashin không phải là cứu ngành đóng tàu (Ngọc Lan): Ba động tác cứu Vinashin: chuyển nợ, giãn nợ và bơm vốn là ba động tác rất mạnh của Chính phủ, khiến một số tập đoàn, DNNN có thể suy diễn theo kiểu cứ có vấn đề rồi Chính phủ sẽ cứu.

- Chặn bình thông nhau (Vũ Trọng Khải): Chính phủ cùng một lúc đóng 3 vai trò: (i) Chính phủ quản lý doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng theo pháp luật, (ii) Chính phủ là chủ sở hữu vốn; (iii) Chính phủ là chủ nợ. Chính phủ với tư cách là chủ nợ không những không đòi lại các khoản nợ đến hạn mà còn cấp thêm vốn hay bảo lãnh cho vay, cho vay tiếp thì đến bao giờ Vinashin mới lâm vào tình trạng phá sản theo luật định?

- Tập quyền hay phân quyền? (Nguyễn Quang A): Việc trao quyền tổ chức chính phủ cho cá nhân Thủ tướng hay là sự dàn xếp trong nội bộ đảng cầm quyền là việc riêng của đảng đó. Nếu họ giao quá nhiều quyền cho một cá nhân thì rất dễ một người có thể thâu tóm quá nhiều quyền lực và có thể trở thành chuyên quyền, độc đoán, thậm chí độc tài, biến cả một đảng thành công cụ của mình.

Monday, July 5, 2010

Chuyện lạ

Chuyện lạ

Tuần rồi có mấy chuyện lạ.

Trước hết, Nghị định 25/2010 mới ban hành vào hồi tháng 3 năm nay ghi rõ: Thành viên Hội đồng thành viên (ở các công ty nhà nước chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên) “Không là cán bộ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước hoặc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội...”.

Thế nhưng trong quyết định chuyển Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thành công ty TNHH một thành viên vào tuần trước vẫn thấy duy trì chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị cũ làm chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên mới. Như vậy là phạm luật. Bởi hiện nay chủ tịch SCIC là ông Vũ Văn Ninh (Bộ trưởng Bộ Tài chính), các thành viên hội đồng thành viên có ông Đỗ Hữu Hào (Thứ trưởng Bộ Công thương), ông Cao Viết Sinh (Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư), ông Trần Văn Hiếu (Thứ trưởng Bộ Công thương, tất cả đều đang là cán bộ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước.

Chuyện thứ hai là phát biểu của ông Nguyễn Công Nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính. Ông này cho biết số tiền trái phiếu quốc tế 750 triệu đô-la đến năm 2012 mới đến hạn trả nợ gốc, bây giờ chỉ trả lãi. Còn nhớ lần bán trái phiếu này là vào cuối năm 2005, lãi suất coupon là 6,875%, lợi suất là 7,125%, tức là số tiền thu về chưa được 750 triệu đô-la (bán dưới mệnh giá) và đến năm 2016 mới đáo hạn. Điều đó có nghĩa từ lúc phát hành đến năm 2016, Việt Nam phải trả lãi 6,875% trên số tiền 750 triệu đô-la, mỗi năm trả hai lần (trên 50 triệu đô-la) và đến năm 2016, lúc đáo hạn mới trả hết nợ gốc, chứ làm gì có cột mốc 2012 ở đây.

Chuyện thứ ba là phát biểu của ông Trần Quang Vũ, tổng giám đốc điều hành tập đoàn Vinashin khi trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ: “Hiện chúng tôi chưa tính toán và có số liệu cụ thể nhưng nợ hiện nay ước khoảng 90.000 tỉ đồng. Nhưng tài sản của chúng tôi còn rất nhiều, có nhiều tàu đóng dở dang, chỉ cần đầu tư tiếp là có thể thu hồi vốn”.

Có lẽ ai cũng biết trong bản cân đối kế toán, một bên là tài sản bên kia là nợ + vốn, hai bên phải luôn luôn bằng nhau. Cho nên trên sổ sách, bên nợ là 90.000 tỷ đồng cộng khoảng 9.000 đồng vốn thì bên tài sản luôn luôn là 99.000 tỷ đồng. Nói “tài sản của chúng tôi còn rất nhiều” là chuyện vô nghĩa.

Để dễ hình dung, cứ tưởng tượng một người vay 9 tỷ đồng của ngân hàng, cộng 1 tỷ tiền có sẵn để mua căn nhà giá 10 tỷ đồng. Dù nợ đến 9 tỷ đồng, người này vẫn yên tâm nói tài sản của tôi còn nhiều lắm, dư sức trả nợ.

Nhưng giả thử sau khi mua nhà xong, thị trường bất động sản đóng băng, bán lại căn nhà nói trên 10 tỷ đồng không ai mua. Nợ đòi bên lưng, đành phải giảm giá để bán, chỉ thu về được 7 tỷ đồng chẳng hạn thì người này không những mất 1 tỷ tiền vốn mà vẫn còn nợ ngân hàng đến 2 tỷ đồng.

Tài sản còn nhiều là trên sổ sách, theo giá sổ sách. Giá thực tế là bao nhiêu – cái đó mới chính là vấn đề của Vinashin.

Thursday, July 1, 2010

Giải cứu Vinashin

Giải cứu Vinashin

Trong kinh doanh, dòng tiền là quan trọng nhất. Một doanh nghiệp có thể có tài sản khổng lồ, hàng chục nhà máy, hàng trăm chi nhánh… cũng có thể lâm vào tình trạng phá sản nếu vì lý do nào đó, dòng tiền chảy về đột nhiên thay đổi không như dự kiến trước đó. Luật Phá sản định nghĩa rất đơn giản: “Doanh nghiệp… không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”.

Chính vì thế người ta hay chú ý đến tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu vì tỷ lệ này càng cao, rủi ro doanh nghiệp bị phá sản càng lớn. Nhiều nghiên cứu cho rằng khủng hoảng tài chính châu Á cách đây hơn 10 năm là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ở nhiều công ty là quá cao: từ 2 đến 3 lần! Quy định hiện hành của Việt Nam đối với các doanh nghiệp nhà nước là tỷ lệ này không được vượt quá 3 lần.

Với Vinashin, trang web của tập đoàn này có đủ mọi mục, kể cả báo cáo tài chính, báo cáo thường niên nhưng bấm vào không thấy gì cả. Số liệu gần nhất có thể kiếm được là cuối năm 2007 đầu năm 2008. Lúc đó tổng nợ của Vinashin là 70.709 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 6.613 tỷ đồng, tức một tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu đến 10,6 lần.

Cứ hình dung như thế này, trước khủng hoảng tài chính toàn cầu, Vinashin ký được nhiều hợp đồng đóng tàu lớn, dĩ nhiên khi ký thì tiền chủ tàu rót về cho Vinashin phải theo một tiến độ nhất định chứ không trả trước ngay một cục. Năng lực đóng tàu không đủ để thực hiện những hợp đồng này, Vinashin bèn đi vay để làm dự án và được rót những khoản tín dụng khổng lồ như khoản vay 750 triệu đô-la do chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế rồi cho Vinashin vay lại và hàng loạt khoản vay khác, phần lớn được chính phủ bảo lãnh. Khủng hoảng bùng nổ, nhiều chủ tàu hủy hợp đồng và dòng tiền chảy vào Vinashin không còn như dự kiến trước đây khi lên kế hoạch đi vay. Vinashin lâm vào tình trạng phá sản là chuyện dễ hiểu.

Nếu câu chuyện chỉ dừng ngang đó thì Vinashin cũng chỉ là một nạn nhân của khủng hoảng tài chính toàn cầu như nhiều tập đoàn lớn khác trên thế giới. Thế nhưng với Vinashin câu chuyện còn phức tạp hơn nhiều với việc thành lập hàng trăm công ty con, mỗi công ty con lại có hàng chục công ty con khác… Việc đầu tư tài chính, đầu tư ngoài lãnh vực chính tràn lan như một mớ bòng bong khó gỡ.

Nay chính phủ phải giải quyết vấn nạn Vinashin nhưng cách giải quyết xem ra chỉ là pha loãng “cục xương” này cho nhiều nơi gánh vác bớt và tiếp tục dùng tiền từ ngân sách để duy trì sự sống cho Vinashin.

Việc chuyển nhiều doanh nghiệp và dự án trước đây trực thuộc Vinashin về cho PetroVietnam và Vinalines trước sau gì cũng chỉ giảm bớt số nợ của Vinashin để tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu giảm xuống nhưng lại làm tăng tỷ lệ này ở các doanh nghiệp khác lên cao. Trước mắt, hệ số nợ của Vinashin giảm, có thể tạm làm yên lòng một số chủ nợ nhưng cái giá phải trả sẽ rất cao nếu sự yếu kém của Vinashin lây lan sang doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp này đều là công ty nhà nước nên chắc sẽ không có phản ứng gì nhưng, lẽ ra với trách nhiệm trước người dân, họ sẽ phải phản đối chuyện nhận nợ trong khi phải hoàn trả các khoản Vinashin đã đầu tư vào các doanh nghiệp được điều chuyển.

Trước đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phải đứng ra nhận số cổ phần Bảo Việt do Vinashin chuyển giao. Vấn đề là giá chuyển giao bằng với giá Vinashin mua là 71.918 đồng/cổ phần trong khi thị giá Bảo Việt rớt còn 30.500 đồng vào lúc chuyển giao, có nghĩa SCIC gánh cho Vinashin khoản lỗ cỡ 60 triệu đô-la trong nháy mắt.

Với một Vinashin bị cắt gọt bớt như thế, tiền sẽ lại được tiếp tục rót vào, kể cả tiền từ quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp (riêng chuyện này cũng là đề tài rất lớn, bởi tiền bán cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa đổ về đây nhưng được chi tiêu như thế nào, không ai rõ), tiền bán trái phiếu, tiền vay của các định chế tài chính quốc tế… Nợ ngân hàng trong nước sẽ được khoanh lại, giãn ra, nói tóm lại là trước sau gì ngân sách nhà nước cũng phải đứng ra gánh chịu.

Trong kinh doanh, một khái niệm quan trọng khác là “sunk cost” – đại khái tiền đổ ra rồi thì thôi đừng tìm cách cứu, lại vướng thêm nợ nần mới. Những dự án đóng tàu dang dở của Vinashin – các dự án mà chủ cũ đã bỏ - sẽ là những lổ đen hút tiền đóng thuế của người dân nếu không khéo xử lý. Trừ phi tìm được người mua với cam kết chắc chắn, bằng cách giảm giá mạnh chẳng hạn, việc rót tiền để gắng làm cho xong các dự án dở dang như thế trong khi chưa biết làm xong có ai sử dụng không là chuyện lãng phí, rất phi thực tế, phi kinh doanh.

Với những hậu quả to lớn để lại cho nền kinh tế mà tác hại cho đến nay chưa thể lường hết được (ví dụ các khoản vay quốc tế, các loại trái phiếu quốc tế nếu trễ thời hạn thanh toán thì uy tín tín dụng của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng), thế mà ban lãnh đạo của Vinashin chỉ bị yêu cầu tự “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc” thì làm sao giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề. Phải truy tố những người này để làm gương cho lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác mà ở đó, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cũng cao không kém Vinashin.

TBKTSG số 27

Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 27, ra ngày 1-7-2010

Xin giới thiệu một số bài nổi bật trên số báo này:

- Vì sao Chính phủ tái cơ cấu Vinashin? (Ngọc Lan): Bài viết cập nhật những thông tin chưa có trên các báo khác, như chuyện tiếp tục rót tiền cho Vinashin.

- Đồng nhân dân tệ lên giá và kinh tế Việt Nam (Trần Văn Thọ): Chuyện đồng nhân dân tệ lên giá thì đã được nói đến nhiều nhưng phân tích ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam thì bài của GS Trần Văn Thọ có những ý mới.

- Hai mặt của những con số (Phương Quỳnh): Đối chọi sự “lạc quan từ những con số” và sự “lo lắng cũng từ những con số”.

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...