Sunday, April 25, 2010

Đằng sau vấn nạn “luộc” giáo trình

Đằng sau vấn nạn “luộc” giáo trình

Sao chép giáo trình của người khác làm của mình là điều không thể chấp nhận. Đó là chuyện hiển nhiên. Nhưng điều cần làm là tìm hiểu cái cơ chế gì đã gây ra hiện tượng đáng buồn này, có cách nào để tạo môi trường nơi việc sao chép không có động cơ gì để tồn tại.

Thông thường ở các nước, mỗi môn học có rất nhiều sách giáo khoa nhưng tồn tại được trên thị trường, được các giáo sư sử dụng là vài cuốn nổi bật. Giảng viên chọn cuốn nào thì thông báo ngay từ đầu năm để sinh viên mượn ở thư viện hay đi mua sách về học. Không thể có chuyện một nước có vài trăm hay vài ngàn trường đại học, mỗi trường đều gắng sức soạn giáo trình cho riêng trường mình sử dụng.

Ở Việt Nam, nhiều giảng viên đại học cho biết, trường nào cũng có hệ thống giáo trình riêng của mình, bề ngoài là để phù hợp với đặc điểm chương trình giảng dạy, để thể hiện năng lực đào tạo, tính tự chủ trong chuyên môn. Nhưng sâu xa hơn, việc biên soạn giáo trình đem lại những lợi ích mang tính cục bộ cho những người trong cuộc. Trường thì được tiếng là chủ động được giáo trình, ít trường nào chịu sử dụng giáo trình của trường khác biên soạn. Chủ biên thì được tính vào thành tích để được phong hàm giáo sư hay phó giáo sư. Đó là chưa kể lợi ích vật chất rất rõ khi bán được sách cho sinh viên. Dĩ nhiên vẫn có những nhóm biên soạn sách giáo khoa có chất lượng cao, với tâm huyết làm được một điều gì đó có ích cho nền giáo dục. Nhưng với đại đa số các trường, nhất là hàng trăm trường vừa mới được thành lập trong thời gian gần đây, năng lực làm sao đủ để biên soạn giáo trình, từ đó chuyện sao chép, chuyện cắt dán diễn ra tràn lan.

Thay đổi thực trạng này là khá dễ, chỉ cần mọi người thay đổi cách suy nghĩ.

Trước hết là thay đổi quy định từ Bộ, đừng buộc hiệu trưởng “tổ chức biên soạn hoặc tổ chức lựa chọn, duyệt giáo trình”. Công việc chọn sách giáo khoa, sách tham khảo nên giao cho giảng viên trực tiếp làm, với sự tham vấn của tổ bộ môn, miễn sao sách phù hợp nội dung chương trình khung do Bộ quy định. Các trường đại học và giảng viên đừng nên tiêu phí công sức vào việc cố gắng tổ chức biên soạn giáo trình cho riêng mình bất kể nguồn lực có hạn. Phải vì lợi ích chung và lợi ích của sinh viên để gạt tự ái qua một bên.

Nếu làm được điều đó, chỉ cần một thời gian ngắn sẽ xuất hiện những bộ sách giáo khoa có chất lượng và việc cạnh tranh để sách được nhiều giảng viên đồng nghiệp chọn buộc người biên soạn phải luôn cố gắng nâng cao chất lượng, lại chịu sự giám sát rộng rãi nên không thể có chuyện sao chép. Quy mô sử dụng càng lớn, động lực soạn sách hay sẽ càng cao. Các trường và giảng viên vẫn có thể bổ sung những nội dung nếu thấy cần giảng dạy cho sinh viên.

Thật ra mô hình sử dụng sách giáo khoa như ở các nước cũng có những khiếm khuyết. Người ta phê phán nó tạo ra một dạng độc quyền ẩn khi giảng viên có quyền yêu cầu sinh viên sử dụng sách mình muốn chọn, giá sách quá cao. Ở nước ta rất dễ xảy ra chuyện “vận động” để sách mình được chọn nhiều nhất khi hiện tượng độc quyền trực tiếp như hiện nay chấm dứt. Hiện nay các nước đang giải quyết bằng cách xây dựng các mô hình thay thế như nhà xuất bản cung ứng dịch vụ cho thuê sách, tổ chức bán lại sách đã qua sử dụng, đưa giáo trình miễn phí lên mạng, soạn sách giáo khoa điện tử...

Nhưng đó chưa phải là vấn đề trước mắt của Việt Nam. Vấn đề cần giải quyết là làm sao tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa để tránh nạn “luộc” sách và nâng chất lượng giáo trình.

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...