Wednesday, March 24, 2010

Chuẩn mực và luật pháp

Chuẩn mực và luật pháp

Có nhiều vấn đề xã hội được nhìn nhận từ dưới nhiều góc độ, tùy thuộc vào chuẩn mực khác nhau của người quan sát. Đây là điều đáng cổ vũ vì nó tạo ra sự đa dạng trong ý kiến, xây dựng được một môi trường tranh luận lành mạnh, để từ đó hình thành nên những chuẩn mực mới được đa số công nhận.

Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý nhà nước, người công chức luôn phải dựa vào luật pháp và những quy định hiện hành làm cơ sở cho mọi ứng xử của mình để tránh sự tùy tiện của cá nhân. Nếu quy định chưa phù hợp với thực tế đã thay đổi, phải thay đổi quy định trước khi thay đổi ứng xử.

Lấy ví dụ chuyện Sở Giao thông vận tải TPHCM đề xuất dừng cấp giấy phép kinh doanh các loại hình dịch vụ, thương mại tập trung đông người trên 153 đoạn, tuyến đường ở TPHCM. Đứng ở góc độ người dân đang bức xúc vì tình trạng kẹt xe, nhất là ở những đoạn đường có các trung tâm ngoại ngữ, mỗi lần tan học, xe phụ huynh đón con đứng tràn ra lòng đường, đây là đề xuất hợp lý. Ngược lại, với những ai dự định kinh doanh ở những nơi này, họ cũng sẽ bức xúc vì mất cơ hội làm ăn. Chính quyền quận ở những địa điểm trong danh mục sẽ bị “dằn xé” giữa hai “lợi ích”: cấm thì sẽ giải quyết vấn nạn giao thông trên địa bàn nhưng sẽ dẫn đến thất thu nhiều nguồn thuế.

Nhưng áp dụng nguyên tắc làm gì cũng phải dựa vào luật pháp, người ta sẽ thấy đề xuất này có nhiều điểm bất ổn. Không thể dựa vào các quy định hiện hành để cấm kinh doanh chỉ vì lý do giải quyết ùn tắc giao thông. Nếu muốn, Sở phải phối hợp với nhiều nơi khác để biến ý muốn thành điều kiện kinh doanh do nơi có thẩm quyền ban hành, chẳng hạn, trung tâm ngoại ngữ phải có sân để xe chờ của phụ huynh (!) hay siêu thị phải có đủ chỗ giữ xe cho một lượng khách nhất định. Lúc đó, điều kiện kinh doanh sẽ trở thành lệnh cấm gián tiếp, đúng thẩm quyền luật định.

Hay một chuyện khác, khi báo chí nêu việc phôi bằng tốt nghiệp của Bộ Giáo dục-Đào tạo in ấn thiếu dòng chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc”, Bộ GD-ĐT đã trả lời, mà mới nghe qua rất hợp lý, rằng bằng tốt nghiệp không phải là văn bản quy phạm pháp luật hay công văn hành chính nên không thể hiện thể thức trình bày theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật hoặc công văn hành chính.

Phải nhìn nhận câu chuyện này như thế nào? Ở góc độ hội nhập, nhiều người sẽ đồng tình, ghi tên nước là đủ và đúng chuẩn mực quốc tế. Dưới góc độ quen thuộc, nhiều người sẽ thấy ghi thiếu như vậy có gì đó không ổn, làm cho tấm bằng mất giá trị…

Nhưng cơ quan hành chính thì luôn phải dựa vào quy định hiện hành như đã nói ở trên. Hình thức trình bày văn bằng đã được quy định chi tiết tại Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT, ngày 20-6-2007, ban hành quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân. Điều 9 của quy chế này ghi rõ: Nội dung của các văn bằng, chứng chỉ gồm: 1/ Tiêu đề: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM/Độc lập-Tự do-Hạnh phúc…

Đã quy định rõ ràng như thế (kể cả cách viết hoa, viết thường) thì người soạn mẫu bằng phải tuân thủ, không thể biện minh bằng bất kỳ lý do gì. Còn nếu muốn sửa cách trình bày, trước tiên phải sửa lại quy chế chứ không thể tùy tiện được. Đáng lưu ý là nhiều cơ quan nhà nước cũng làm theo cách này mỗi khi muốn điều chỉnh quy định theo ý muốn nhưng lại dùng văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn để “điều chỉnh” một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn, làm cho hệ thống quy định của chúng ta rối tung lên và cồng kềnh không cần thiết.

Nhà nước pháp quyền bắt đầu từ những chuyện cụ thể như thế chứ không phải bằng các khái niệm cao siêu hay phức tạp nào khác.

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...