Monday, October 26, 2009

Về báo cáo Koblitz

Về báo cáo Koblitz

Có nhiều cách đánh giá một bài viết. Với bài “A Second Opinion by an American on Higher Education Reform in Vietnam” của GS Neal Koblitz (xin gọi tắt là báo cáo Koblitz) phê phán một báo cáo về giáo dục đại học Việt Nam của hai ông Thomas Vallely và Ben Wilkinson (gọi tắt là báo cáo Vallely), cách hay nhất có lẽ là xét đến hiệu quả sau cùng bài viết mang đến cho người đọc.

Theo cảm nhận của tôi, hiệu quả rõ nhất của của báo cáo Koblitz là muốn người đọc đừng nghe theo những gì nói trong báo cáo Vallely. Đó cũng là ý muốn của tác giả. Đáng tiếc hiệu quả này không cao vì GS Koblitz đã sử dụng các chiêu thức “bàng môn tả đạo” để phê phán báo cáo Vallely. Chúng bao gồm những đòn “dưới thắt lưng” như nói ông Vallely từng là cựu binh Thủy quân lục chiến đánh nhau ở Việt Nam, rằng cả hai tác giả đều không có bằng cấp gì cao nên không xứng làm chuyên gia viết báo cáo về giáo dục. Chỗ này tôi không hiểu lắm cách suy nghĩ của GS Koblitz vì giả thử trường University of Washington của ông mời được Bill Gates đến nói chuyện về mã hóa (cryptography, chuyên môn chính của GS Koblitz) trong hệ điều hành Windows, không lẽ ông sẽ lớn tiếng bảo Bill Gates đâu có bằng cấp gì mà mời đến nói chuyện?

Lẽ ra để phản bác những lập luận của một bài viết, tác giả nên phân tích đúng sai của từng lập luận, để cuối cùng có nhận định tổng quát về bài viết đó. Đằng này báo cáo Koblitz dường như “chỉ thấy cây chứ không thấy rừng”. Chẳng hạn, báo cáo Vallely nêu một cách khái quát tầm vóc của cuộc khủng hoảng giáo dục đại học ở Việt Nam, trong đó chuyện Intel chỉ tuyển được một tỷ lệ nhỏ sinh viên tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu của họ là một ví dụ minh họa; báo cáo Koblitz lại dựa vào đó để tìm cách chứng minh báo cáo Vallely bóp méo sự thật.

Đọc xong báo cáo Koblitz có lẽ nhiều người cảm nhận nhiều hiệu quả khác nữa như hệ thống giáo dục Mỹ không có gì hay để bắt chước, đại đa số sinh viên Mỹ dốt lắm nhưng khổ nỗi chúng không liên quan gì đến mục đích bài viết.

Nhưng theo tôi hiệu ứng nguy hiểm nhất là làm cho nhiều người lầm tưởng nền giáo dục Việt Nam không có vấn đề gì trầm trọng, những “khó khăn” mà hệ thống giáo dục Việt Nam đang mắc phải cũng giống như ở các nước đang phát triển khác. Đây là điều đại nguy hiểm nếu báo cáo Koblitz làm nảy sinh suy nghĩ như thế ở những người có thẩm quyền trong ngành giáo dục. Suy nghĩ này sẽ bao gồm các lập luận khác có trong báo cáo Koblitz như 25% chương trình học dành cho các môn chính trị thì đã sao đâu, nếu sinh viên ra trường không xin được việc làm thì đó là lỗi của khu vực kinh tế tư nhân chưa đạt đến trình độ thu hút được nhân tài, việc Việt Nam không có bằng phát minh nào được cấp giấy chứng nhận cũng không phải lỗi ở các trường đại học mà do khu vực tư nhân đấy.

Có hay không hiệu ứng này? Tôi nghĩ là có. Và đó là điều nguy hiểm, nhất là khi mọi người đều hiểu nền giáo dục Việt Nam đang trải qua những thử thách nghiêm trọng, cần công sức của tất cả để tìm một lối ra khả dĩ nhất, nhanh nhất và ít tốn kém nhất.

Nguy hiểm hơn là trong 8 khuyến nghị báo cáo Koblitz đưa ra, hầu như tất cả đều dính đến chuyện tiền nong, như thể chỉ cần có tiền là giải quyết khó khăn cho giáo dục Việt Nam. Nó sẽ cổ xúy cho lối suy nghĩ cần vay tiền nhiều hơn nữa từ các định chế tài chính quốc tế như World Bank đổ cho ngành giáo dục hay nâng học phí lên cao nữa hay đẩy mạnh hơn nữa chuyện “xã hội hóa” giáo dục – xem đó như những biện pháp căn bản để giải quyết chuyện cải cách giáo dục.

Tôi không coi báo cáo Vallely như một công trình nghiên cứu đúng nghĩa bởi nó chỉ là một bản báo cáo nhanh (Memorandum) gởi cho các thành viên Mỹ trong Nhóm đặc nhiệm về giáo dục đại học như những ý kiến tham khảo. Chính các tác giả cũng nói đây là một phân tích chủ quan (opinionated analysis).

Cải cách giáo dục Việt Nam cần nhiều hơn thế. Nhưng cái cần nhất là một cách nhìn thẳng vào vấn đề, vào những yếu kém của chính chúng ta chứ đừng lẩn tránh dưới các lập luận quanh co kiểu báo cáo Koblitz.

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...