Tuesday, July 7, 2009

Danh gia cua Fitch

Đánh giá của Fitch

Tuần trước, hãng xếp hạng tín dụng Fitch đã giảm mức đánh giá uy tín tín dụng nội tệ của Việt Nam từ mức BB xuống mức BB-, tín dụng ngoại tệ giữ nguyên mức BB- và triển vọng của cả hai được nâng từ “tiêu cực” lên “ổn định”. Tuy nhiên những phân tích cụ thể của Fitch có một số điểm đáng tham khảo.

Theo Fitch, những vấn đề cấu trúc trong tài chính công của Việt Nam như quy mô nguồn thu ngân sách nhỏ hơn quy mô các khoản chi, nỗ lực của Chính phủ giảm thuế để nâng tính cạnh tranh, nguồn thu ngân sách tương đối phụ thuộc vào giá dầu đang biến động không lường được, đang ảnh hưởng đến việc hãng này đánh giá uy tín tín dụng nội tệ của Việt Nam. Hãng này dự báo tổng thu ngân sách sẽ giảm từ mức 27,6% GDP xuống còn 25,4% và vì thế, thâm hụt ngân sách sẽ tăng mạnh trong năm 2009 lên 9,3% GDP và sẽ ở mức 7,8% GDP trong năm 2010.

Chính vì thế những nỗ lực bán trái phiếu bằng tiền đồng của Việt Nam từ đầu năm đến nay hầu hết đều thất bại. Việc phát hành trái phiếu bằng đô-la tuy sẽ giảm gánh nặng lãi suất trong ngắn hạn nhưng hàm chứa những rủi ro về tỷ giá trong trung hạn.

Fitch dự báo thâm hụt thương mại của Việt Nam giảm đáng kể trong năm 2009, chủ yếu do nền kinh tế nội địa suy giảm và mua sắm của các dự án FDI cũng giảm và do đó, thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ giảm mạnh, còn 2,5% GDP. Fitch cho rằng mặc dù dự trữ ngoại hối tăng lên trong năm nay nhưng sẽ ổn định ở mức 24 tỷ đô-la vào cuối năm do Chính phủ phải sử dụng nhiều tiền cho các chương trình kích cầu kinh tế.

Trong phần phân tích tính cạnh tranh, Fitch cho rằng chính sách vĩ mô của Việt Nam nhắm đến tăng trưởng qua việc đặt ra một số chỉ tiêu kinh tế hằng năm có thể làm “trói tay” các chính sách ứng phó mỗi khi có sự mất cân đối, dù từ bên trong hay bên ngoài. Cụ thể hơn, khi đặt mục tiêu tăng trưởng cụ thể thì Ngân hàng Nhà nước khó lòng tiến hành các chính sách tiền tệ phù hợp mang tính đón đầu mà kinh nghiệm phát triển nóng trong năm 2008 là một minh họa.

Cơ chế gắn tiền đồng với đô-la Mỹ cũng gây ra những hạn chế mỗi khi cần điều chỉnh những mất cân đối giữa Việt Nam và nước ngoài. Tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế dù đã giảm mạnh so với mức 41% vào năm 2001 vẫn còn phổ biến. Vì thế bảng cân đối của các ngân hàng chịu rủi ro khi tiền đồng mất giá. Các khoản vay bằng ngoại tệ, chủ yếu phục vụ cho các hoạt động ngoại thương hiện chiếm khoản 20% tổng dư nợ tín dụng.

Về nợ nước ngoài, Fitch cho rằng tổng nợ nước ngoài của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của các nước trong mức xếp hạng BB. Hơn nữa, nợ ngắn hạn chỉ chiếm 7,4% tổng nợ nước ngoài và khu vực nhà nước chiếm đến 77% tổng nợ nước ngoài. Hầu hết nợ nước ngoài của khu vực nhà nước là nợ dài hạn của chính phủ có mức ưu đãi, như thời hạn trả nợ dài, trung bình đến 29 năm và lãi suất thấp, chừng 1,2%.

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...