Thursday, June 25, 2009

Chinh sach phai linh hoat

Chính sách phải linh hoạt

Cuối cùng hàng loạt ý kiến lo ngại về chuyện các dự án sân golf tràn lan đang ăn vào những khoảng đất trồng lúa của nông dân đã có kết quả bước đầu. Tại buổi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, cả Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên lẫn Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc đều khẳng định đã kiến nghị với Chính phủ giảm mạnh số lượng dự án đầu tư vào sân golf trên khắp cả nước.

Nói đây chỉ là kết quả bước đầu vì quá trình rút giấy phép các dự án sân golf đã cấp không phải là chuyện đơn giản. Hiện nay Việt Nam có 166 dự án xây dựng sân golf, trong đó 145 dự án đã được cấp đất. Nay, theo đề nghị của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, sẽ chỉ đưa vào quy hoạch 116 sân golf, giảm 50 dự án. Và cũng theo bộ này, tiêu chỉ để xét giữ lại các sân golf là diện tích mỗi dự án không quá 110 hecta, diện tích chiếm đất trồng lúa chất lượng xấu không quá 10 hecta.

Lẽ ra trong vai trò tham mưu cho Chính phủ về quy hoạch đầu tư, Bộ đã phải lên tiếng từ sau tháng 7-2006 khi các tỉnh bắt đầu đua nhau cấp phép cho các dự án sân golf, mà theo nhận định của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc phần lớn là trá hình để xây dựng khu dân cư. Phân cấp cho các địa phương cấp phép các dự án đầu tư không có nghĩa Bộ Kế hoạch – Đầu tư không còn nhiệm vụ giám sát, theo dõi xem việc phân cấp như thế dẫn đến những hệ quả xấu như thế nào, cần làm gì để sửa đổi. Thời gian gần ba năm qua là đủ dài để Bộ phải nhiều lần lên tiếng, chứ không cần đợi các đại biểu Quốc hội chất vấn, nhằm cảnh báo về tình hình cấp phép cho các dự án sân golf ở địa phương và kèm theo đó là những kiến nghị sửa đổi quy định sao cho một khe hở của luật pháp không còn bị lợi dụng. Hiện nay đa phần luật lệ là do các bộ ngành soạn thảo, trình Chính phủ để sau đó đưa ra Quốc hội thảo luận, thông qua. Vì thế các bộ ngành cũng phải gánh phần trách nhiệm trình chỉnh sửa ngay chính những luật lệ ấy một khi nhận ra thiếu sót. Bộ Tài nguyên-Môi trường lẽ ra hoàn toàn đủ thẩm quyền để soạn thảo và đề nghị thông qua những quy chế nhằm hạn chế sân golf như cấm chuyển đổi đất trồng lúa nước thành sân golf, chẳng hạn. Suy cho cùng, vấn đề cũng là sự thiếu phối hợp giữa các bộ và tầm nhìn rất hạn hẹp của nhiều địa phương.

Nay thì đã muộn. Thử hình dung, mọi việc sẽ rối đến đâu khi nhà đầu tư đã được địa phương cấp phép, đã được cấp đất – tức bất kể họ có thực sự muốn xây dựng sân golf để kinh doanh hay lợi dụng nó để sử dụng vào việc kinh doanh địa ốc – thì họ cũng đã phát sinh chi phí. Muốn rút giấy phép của họ, Nhà nước ắt phải bồi thường. Lúc đó tiền đóng thuế của người dân lại một lần nữa được sử dụng để khắc phục sai sót của chính quyền địa phương và sự thiếu vắng trách nhiệm của các bộ ngành khác. Và một lần nữa sự hay thay đổi quy định, chính sách của nước ta lại trở thành đề tài than phiền tại các diễn đàn doanh nghiệp!

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...