Thursday, February 5, 2009

Khung hoang, co that la khung hoang chang?

Khủng hoảng? Có thật là khủng hoảng chăng?

Nguyễn Vạn Phú

Có lẽ thế giới đang phải trả giá cho lòng tham của mình, không phải là lòng tham tiền bạc như những lý giải cho cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, mà là lòng tham biến cái khát khao của người tiêu dùng thành nhu cầu để toàn nền kinh tế chạy đua tìm cách thỏa mãn.

Cuộc đời sẽ đơn giản biết bao nếu chiếc máy điện thoại chỉ được dùng để gọi điện thoại. Thế nhưng cứ đọc qua các quảng cáo hào nhoáng, chúng ta sẽ thấy chiếc điện thoại được biến thành một vật không thể thiếu để… chứng tỏ đẳng cấp của người dùng. Xe gắn máy cũng vậy – một chiếc giá 10 triệu cũng đưa người lái để chỗ làm hay đi về nhà nhanh chóng và an toàn không kém một chiếc giá 100 triệu đồng. Hay thậm chí một chai bia uống ở nhà và chai bia uống trong tiệm ăn năm sao, chất lượng không khác gì nhau nhưng giá cả một trời một vực. Hàng chục ngàn ví dụ có thể kể ra cho thấy nhiều sản phẩm được ra đời và được quảng bá biến từ “cái người ta muốn có” thành “cái người ta cần có” và đó dường như đã trở thành động lực phát triển của nền kinh tế toàn cầu.

Thật ra mô hình đó không có gì sai trái cả. Từ ngàn xưa, nhu cầu của từng cá nhân đã khác nhau và hàng loạt sản phẩm có giá cả khác nhau ra đời để thỏa mãn cái nhu cầu đa dạng đó. Nó cũng là động lực thúc đẩy kinh doanh toàn cầu, giúp hình thành những con đường giao thương trù phú.

Vấn đề ở chỗ người ta đã đẩy mô hình này đến chỗ cực đoan, nhất là khi toàn cầu hóa giúp người ta tận dụng được tài nguyên, vật lực ở khắp nơi để nhanh chóng thỏa mãn bất kỳ khát khao nào của người tiêu dùng với sự hỗ trợ của đủ loại phương tiện truyền thông ngày đêm giội bom kích thích lòng ghen tị, ước muốn chiếm hữu, tâm lý muốn hơn người khác. Chính cái mô hình biến ước muốn của người tiêu dùng thành nhu cầu rồi tìm cách thỏa mãn cái nhu cầu đó đã làm tài nguyên trái đất ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm xảy ra khắp nơi trong khi không thể giúp hàng trăm triệu người khác có đủ cơm ăn áo mặc theo đúng nhu cầu rất sơ đẳng của họ.

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay chính là cơn đau đớn của nền kinh tế toàn cầu khi phải tự điều chỉnh, co cụm lại, giảm bớt sự chạy đua phi lý nói trên, quay về lại những nhu cầu cơ bản của con người. Biểu hiện đầu tiên có thể ở lãnh vực tài chính nhưng nay đã xuất hiện ở lãnh vực sản xuất và dịch vụ.

Xin dừng lại ở Microsoft như một ví dụ điển hình cho mô hình kinh tế nói trên. Cứ mỗi lần Microsoft tung ra một phiên bản hệ điều hành Windows mới là cả thế giới lao vào sản xuất phần cứng để đáp ứng, người tiêu dùng bỏ tiền ra nâng cấp, ai nấy đều vui vẻ, GDP nước nào cũng ghi thêm điểm tăng trưởng. Nhưng thử hỏi nhu cầu của con người có thay đổi nhanh bằng tốc độ Microsoft cho ra đời phần mềm mới chăng? Bộ xử lý văn bản Office chẳng hạn, có bao giờ chúng ta sử dụng đến những tính năng mới của Word hay Excel mà Microsoft dày công quảng cáo hay cũng chỉ giới hạn những tính năng cũ.

Đến phiên bản Windows Vista, thế giới tiêu dùng bắt đầu nói không, sau hai năm số người dùng Windows XP vẫn cao hơn nhiều lần số người dùng Vista. Thậm chí vì máy mới bán kèm Vista, các dịch vụ “cài lùi” về XP lại nở rộ. Microsoft đang phải chuẩn bị tung ra Windows 7 sớm hơn dự định để sửa sai, với yêu cầu hàng đầu là đơn giản, tiện dụng cho người dùng.

Vì vậy, nói kinh tế thế giới đang rơi vào khủng hoảng cũng đúng nhưng nói kinh tế thế giới đang loay hoay tìm lối thoát bằng cách quay trở về các giá trị cơ bản cũng không sai. Trái đất mong manh này không thể đủ sức để thỏa mãn khát khao không giới hạn của con người – trước sau gì nền kinh tế cũng phải trải qua sự điều chỉnh như hiện nay. Chỉ có điều quá trình chuyển đổi đó sẽ đem lại biến động khôn lường cho từng cá nhân và từng quốc gia.

Trong bối cảnh đó, không một gói kích cầu nào đủ sức để xoay chuyển tình thế. Dự báo mới nhất của IMF vào tuần trước cho rằng kinh tế thế giới năm nay chỉ tăng trưởng 0,5%, mức thấp nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai; tệ hại hơn, các nước phát triển sẽ chứng kiến GDP bị co rút lại khoảng 2%, một hiện tượng chưa từng xảy ra. Bây giờ chỉ còn hy vọng sự hoảng loạn trong sản xuất toàn cầu sẽ lắng xuống; các nhu cầu thiết thực cho cuộc sống sẽ định hình; bộ máy kinh tế tập trung vào chúng; mức sống từng người sẽ ổn định để họ bắt đầu chi tiêu cho các nhu cầu ấy. Và cũng hy vọng, lúc đó, thế giới đã rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng hiện nay để không tiếp tục rơi vào vòng xoáy mới khi tìm cách khơi dậy lòng khát khao của nhân loại như một động lực phát triển duy nhất.

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...