Friday, December 31, 2021

Cryptocurrency

 Phép thử tiền crypto

 

Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocurrency hay crypto), đứng nhất thế giới luôn. Nghe còn ấn tượng hơn là 28% trong số này có đầu tư vào bitcoin! Hãng nghiên cứu Chainalysis cũng có kết luận tương tự.

Cũng như thông tin hình chụp bức tranh này, hình số hóa chiếc giày kia được bán đấu giá mấy triệu đô-la, các mẩu tin về thế giới tiền ảo gây hoài nghi, tò mò và thắc mắc liệu thế giới chúng ta đang sống có đang rơi vào chỗ điên loạn khi người ta tranh nhau mua những đồng tiền được đặt tên theo những con chó một cách đùa giỡn! Nhưng cũng có nhiều người tin vào cái tương lai của thế giới ảo đó – hăm hở tìm hiểu để tránh lỡ chuyến tàu làm giàu của thế kỷ. Giải thích như thế nào đây, cái hiện tượng kỳ lạ này?

*                           *                           *

Không đợi đến khi Yuval Harari viết cuốn Sapiens, người ta mới biết các khái niệm như thượng đế, đất nước, tiền, doanh nghiệp… là không có thật, là các thực thể chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của con người. Người ta đẻ những khái niệm đó ra để làm nền tảng gắng kết con người lại với nhau, nâng con người từ mức độ một động vật như bao động vật khác lên thành một loài độc đáo, biết kiềm chế để hợp tác làm nên những điều kỳ vĩ.

Thế tại sao không suy nghĩ những khái niệm mới nảy nòi sau này như cái Metaverse của Mark Zuckerberg hay hàng loạt khái niệm kỳ lạ như NFT (non-tangible tokens – bản sao kỹ thuật số duy nhất của một tác phẩm), Bitcoin và hàng loạt đồng tiền mã hóa khác… cũng là những thực thể không có thật sẽ tồn tại trong trí tưởng tượng của những thế hệ sau này. Nếu thế hệ trước tin vào cái cấu trúc tập trung của xã hội, có thứ bậc, trên dưới thì thế hệ sau đòi mọi thứ phải phi tập trung, ngang hàng. Và thời điểm hỗn loạn của thế giới ảo hiện nay là lúc các khái niệm phi tập trung đó được rao giảng, được nhào nặn, lý thuyết hóa để sẽ có những nhóm người tin chúng như các thế hệ trước tin vào tờ giấy của các chính phủ phát hành và bảo đó là tiền. Chúng ta từng tin vào hàng loạt khái niệm không có thật thì đã sao.

Trong một thời gian dài, người nào ra kinh doanh là đem toàn bộ tài sản kể cả nhà cửa, vườn tược ra đặt cược cho các thương vụ bán buôn. Thua lỗ, nợ nần là rất dễ bị xiết hết gia sản. Rồi có lẽ một nhóm “doanh nhân” nào đó ngồi lại, nghĩ ra khái niệm “trách nhiệm hữu hạn” để chỉ ràng buộc trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh vào một số vốn nhất định mà họ đưa vào thương trường mà thôi. Trước đó công ty trách nhiệm hữu hạn không hề tồn tại; sau khi luật lệ ra đời, nó cũng không hề tồn tại trên cuộc đời này nhưng lại rất thực trong tâm trí những người liên quan, cùng chia sẻ niềm tin được thiết lập bằng luật lệ. Ngày nay không ai nói khái niệm một công ty chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn là điên rồ cả.

Ngược lại, bây giờ mà nói “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”, ắt hẳn mọi người sẽ nói đồ khùng; hay giới trẻ sẽ cười khi nghe khuyên “gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Với thế hệ sau, quan hệ giữa vị tổng thống một nước với người dân nước đó hay quan niệm trinh tiết đã thay đổi tận gốc rễ. Điều muốn nói là ở thời nào người ta cũng cùng nhau tin vào một số khái niệm thì những khái niệm đó sẽ trở thành chân lý đúng đắn, không có gì bàn cãi.

Nay một đồng tiền mà mỗi lần đem ra tiêu xài phải tìm đỏ mắt mới có nơi chấp nhận, mỗi giao dịch phải chờ vài phút đến vài chục phút và tiêu tốn cả ngàn ký điện… có người cho là điên nhưng cũng có người hoan hô. Đó là bitcoin. Một hình chụp bìa báo Economist thành một tác phẩm mang tên NFT được tranh mua với giá gần nửa triệu đô-la, chúng ta cho là khùng nhưng vẫn có người mua đấy thôi.

Thôi thì những người lớn tuổi đã quen với các khái niệm cũ được dày công vun đắp biết bao thế hệ hãy cứ hoài nghi và tránh xa các món vật phẩm mới trong cái “đa thế giới” mà các thế hệ sau đang tìm cách xây dựng rồi vun đắp theo kiểu của họ. Thế hệ trẻ cứ hăm hở với các khái niệm xa lạ như tài chính phi tập trung (DeFi), chuỗi khối (blockchain), tiền mã hóa, hợp đồng thông minh, tổ chức tự chủ phi tập trung (DAO)… và cứ trò chuyện với nhau để dần biến những khái niệm này thành “chân lý” như kiểu “công ty trách nhiệm hữu hạn” ngày xưa.

*                           *                           *

Chỉ có một điều: cho dù 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa thật đi chăng nữa, 59% còn lại không mà tiền mã hóa ắt không muốn nửa thế giới kia giả dụ có sụp đổ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Tức nền kinh tế tiền mã hóa dù có tiềm năng hay tăng trưởng mạnh mẽ đến đâu cũng nên được gói gọn lại chứ đừng để tác động lên nền kinh tế thật với các sản phẩm thật.

Muốn vậy, cách tốt nhất là các nước ra quy định làm nên các rào chắn ngang cách hai thế giới hay cụ thể hơn, các sàn giao dịch tiền mã hóa cứ mua bán với nhau thoải mái nhưng không được đổi từ tiền mã hóa ra tiền thật.

Kể cũng lạ, những người cổ súy cho các đồng tiền mã hóa như bitcoin đều nhấn mạnh đến sự yếu kém của đồng tiền truyền thống như bị nhà nước kiểm soát, giao dịch tốt kém, thế tại sao họ không dùng các đồng tiền đã được sinh ra khá nhiều rồi đấy để mua bán với nhau, đừng dính líu gì đến đô-la Mỹ hay euro hay bảng Anh nữa. Và kể cũng lạ, các đồng tiền mã hóa thay nhau ra đời nhưng hình như chỉ để trao đổi với đô-la Mỹ để tự khen nhau khi so sánh giá tăng lên vùn vụt với các đồng tiền truyền thống. Nếu không so sánh làm sao biết giá trị thật của bitcoin là bao nhiêu khi rất hiếm khi đồng tiền này được sử dụng để đi chợ, mua hàng.

Có thể đoan chắc nếu buộc người đầu tư vào các đồng tiền mã hóa chỉ được dùng tiền thật để mua chứ không được dùng đồng tiền mã hóa để bán rồi mua lại tiền thật, tức chỉ có vào chứ không có ra thị trường này sẽ sớm xẹp như bóng xì hơi.

*                           *                           *

Hiện nay chính sách của các nước đang đi theo hướng này, hoặc cấm hoặc cảnh báo các hoạt động giao dịch tiền mã hóa và các loại token không được xem chúng là tiền. Mua bán các NFT để sau này trong thế giới ảo người sở hữu có thể hãnh diện khoe họ là chủ thì bình thường nhưng tạo sàn giao dịch rồi cho đổi từ tiền mã hóa sang tiền thật là bị cấm. Binance, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã bị như thế ở Anh, Italia, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc…

Cách tiếp cận của Mỹ là bảo vệ nhà đầu tư, tức người dân nước họ khi bỏ tiền vào mua các loại tiền mã hóa. Vì thế giới quản lý nước này buộc các sàn kê khai cụ thể như ví tiền mã hóa của khách để ở đâu, dữ liệu giao dịch lưu ở nước nào, ai chịu trách nhiệm mỗi khi có kiện tụng xảy ra. Đặc biệt Cục dự trữ liên bang nước này (Fed) rất quan tâm đến đồng stablecoin, tức đồng tiền mã hóa gắn chặt giá trị với đô-la Mỹ bởi như thế là làm loãng khả năng điều hành tiền tệ của họ.

Châu Âu cũng đang soạn luật để quản lý thị trường tiền mã hóa, trong đó sẽ cấm các đồng tiền stablecoin trả lãi và lưu hành. Nhiều nhà làm luật kêu gọi phải soạn quy định nhanh lên trước khi các stablecoin lấn sâu vào thị trường tiền tệ làm một tỷ lệ lớn không nằm trong sự kiểm soát của chính quyền các nước. Nhưng ưu tiên của châu Âu hiện nay là ngăn chặn việc sử dụng tiền mã hóa để rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.

Tuy nhiên, có nước xua đuổi thì cũng có nước mời gọi tiền mã hóa vào nước họ đầu tư. Chẳng hạn, theo tờ New York Times, Ukraine đang cố gắng trở thành “thủ đô” của tiền mã hóa; tháng 9 vừa rồi mới thông qua luật hợp pháp hóa bitcoin. Chính phủ nước này đang đưa ra nhiều ưu đãi để lôi kéo các doanh nghiệp chuyên về tiền mã hóa dọn về đây như một phương cách thúc đẩy nền kinh tế và xây dựng lại hình ảnh một đất nước từng chịu tai tiếng về tham nhũng, tai tiếng tài chính.

Vấn đề nằm ở chỗ các doanh nhân công nghệ nếu có dồn về Ukraine là do các yếu kém của nước này để họ rảnh tay suy nghĩ đủ loại sản phẩm nhằm hút tiền của thiên hạ. Giới quản lý tài chính Ukraine càng ít biết về họ, càng không hiểu gì về sản phẩm họ chào bán, càng mơ hồ về tình hình tài chính của họ, các công ty này càng mừng. Âu đó cũng là mâu thuẫn của cái thế giới ảo khi hết lời ca tụng về các đồng tiền mã hóa nhưng khi có lãi lại đổi ra tiền đô-la hay euro để có tiền thật cầm trong tay mới mua được du thuyền hay máy bay riêng.

 

Lại thêm… Web3

 Lại thêm… Web3

 

Nghĩ cũng vất vả cho những người muốn bám theo các chuyển động công nghệ, hết “dữ liệu lớn” đến “học máy”, hết “trí tuệ nhân tạo” đến “công nghệ 4.0”. Nay thêm một khái niệm mới đang trở nên thời thượng, chưa biết sẽ mở ra một giai đoạn mới của Internet hay chỉ là một cơn sốt chóng qua – đó là Web3.

Các đời Web

Web 1.0 là các trang web tĩnh, chỉ hiển thị văn bản, chữ không là chữ vì ảnh được dùng hạn chế; càng nhiều ảnh, tốc độ tải về càng chậm, có lúc sau khi gõ địa chỉ phải chờ một lúc sau toàn bộ trang mới hiện lên màn hình. Lúc đó bấm vào đường dẫn, máy tự động chuyển chúng ta sang trang khác đã là một sự diệu kỳ. Với Web 1.0 chèn video là điều xa xỉ, ít ai làm. Thông tin chỉ đi một chiều từ web đến người xem.

Đến đầu thế kỷ này, Web 2.0 thay chân Web 1.0 để biến Internet thành một thế giới động, có tương tác hai chiều, có hình ảnh, video đủ cả. Cứ nhìn vào những gì Gmail có thể làm được trên nền tảng web mới thấy Web 2.0 đã đi rất xa so với Web 1.0. Hiện nay người dùng vào Facebook, tương tác đủ kiểu, từ bấm “like” đến gõ nhận xét, từ tạo ra một mẩu chuyện mới đến phát video trực tuyến cho cả ngàn người xem. Đó chính là Web 2.0. Cần lưu ý người ta dùng Web 2.0 nhưng không chỉ trình duyệt dùng trên máy tính mà còn các ứng dụng trên điện thoại di động và các thiết bị khác.

Nay, theo nhận định của một số tên tuổi lớn trong ngành công nghệ, giai đoạn Web3 đã bắt đầu, dù mới manh nha nhưng, theo họ, sẽ thay đổi tận gốc rễ cách con người sử dụng Internet. Web3 có thật hay không, bao giờ nó phổ biến hay Web3 chỉ là cách truyền bá cho các loại tiền mã hóa, cho giới mua bán NFT dụ dỗ người mới – đến nay vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát.

Dù có nhiều người hình dung Web3 theo những cách khác nhau, cái nguyên lý ai nấy đều đồng ý là Web3 khác các đời web trước ở chỗ “phi tập trung”. Cả tỷ người dùng phải dựa vào Google để tìm kiếm thông tin, nhận, gởi email; dựa vào Facebook để duy trì liên lạc với bạn bè; vào Spotify để nghe nhạc; vào Netflix để xem phim. Các nơi này đóng vai một trung tâm, một đầu mối để các bên gặp nhau mà giao dịch như ca sĩ gặp người nghe, diễn viên gặp người xem, nhà quảng cáo gặp khách tiêu dùng. Đó là tính chất tập trung của Web 2.0. Với Web 3.0 thì ngược lại vì thế thay cho các app (ứng dụng) trên Web3 sẽ là các dApp (ứng dụng phi tập trung).

Người ta kỳ vọng Web3 (cũng lạ hầu hết đều viết là Web3 chứ không phải Web 3.0) sẽ loại bỏ các tổ chức trung gian hiện đang ăn một phần rất lớn doanh thu cho các bên tạo ra. Trên lý thuyết Web3 sẽ giúp ca sĩ tiếp cận trực tiếp với người nghe, nhận thù lao thẳng, không chia hoa hồng cho ai. Web3 chia tiền quảng cáo cho người dùng Facebook chứ không để nơi này hưởng trọn như bây giờ. Nói cách khác Web3 là một nền tảng “dân chủ hóa” Internet, đưa nó về lại với các ý tưởng nguyên thủy, ai nấy bình đẳng như nhau, không chịu lệ thuộc vào các ông lớn công nghệ.

Nhiên liệu của Web3

Để thực hiện nguyên lý “phi tập trung”, các máy tính kết nối với nhau đều ngang hàng, Web3 phải dựa vào công nghệ blockchain. Nghe đến đây sẽ có nhiều người nản vì đụng phải khái niệm “chuỗi khối” mà họ đã ghét hay bó tay không thể hiểu. Cứ hình dung mỗi máy tính là một khối, liên kết với nhau một cách chặt chẽ thành chuỗi để duy trì một cuốn sổ cái, máy nào cũng như nhau, ai ghi thêm gì vào đều phải được toàn bộ các máy trong chuỗi chấp nhận. Vì thế cuốn sổ cái này ai cũng truy cập được nhưng không thể một ai tự mình sửa chữa thông tin.

Như vậy sau này dùng Web3 để mua hàng, nghe nhạc, coi phim, chơi game, tham gia mạng xã hội… tất cả đều sử dụng công nghệ blockchain, về lý thuyết sẽ tạo ra các mối liên kết, dù đó là để trả tiền, nhận tiền, đăng nội dung, tải nhạc… Không có máy chủ, không có tổ chức đầu mối mang tính tập trung – tức không có Mark Zuckerberg phán bạn viết như thế này là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng rồi, phải xóa thôi. Còn nền tảng kỹ thuật của Web3 phải như thế nào để giải quyết hàng loạt các vấn đề như vận hành blockchain cần nguồn năng lượng lớn, phí “xăng nhớt” duy trì blockchain cao, ai đứng ra phân xử nếu có tranh chấp, làm sao ngăn ngừa đạo nhạc, đạo phim, thậm chí lừa đảo lấy hết hàng hóa… thì chịu, chưa có tài liệu nào về Web3 nói cho cặn kẽ.

Hiện nay các nơi ứng dụng Web3 ở mức sơ khai thì tặng người dùng các token như các đồng xu ảo sau này sẽ dùng vào nhiều việc như tiền để trả dịch vụ đọc báo hay phiếu bầu để quyết định một số vấn đề được đưa ra để trưng cầu. Có lẽ các bạn đã nghe nói đến NFT – tức một mã chứng nhận quyền sở hữu trên thế giới ảo một tài sản nào đó. Thị trường mua bán NFT đang được tiến hành trên Web3, thật ra là một tiện ích mở rộng của các trình duyệt Chrome hay Firefox, được biến thành ví điện tử chứa tiền mã hóa hay sản phẩm NFT. Các sàn giao dịch tiền mã hóa phi tập trung, tức không có công ty nào đứng ra làm chủ xị, không có con người điều hành, tất cả tiến hành giao dịch với nhau một cách tự động thông qua các hợp đồng thông minh cũng là một dạng Web3.

Hoài nghi và kỳ vọng

Mặc dù hầu hết giới công nghệ đều thừa nhận blockchain sẽ có nhiều ứng dụng thú vị trong tương lai chứ không chỉ dùng để quản lý tiền mã hóa như Bitcoin hay Ether nhưng cũng không ít người cho rằng khái niệm Web3 hiện đang được thổi phồng quá đáng, đặc biệt là việc mua bán NFT tiền triệu, tiền tỷ. Một điều lạ mà nhân loại nhiều lần chứng kiến, hễ đẻ ra một thứ công nghệ mới, y như rằng một thời gian ngắn sau sẽ có kẻ tận dụng nó để làm điều xấu như máy tính và virus, tiền mã hóa và lừa đảo đầu tư đa cấp…

Web3 vận hành trên blockchain hay trên các hợp đồng thông minh – mà những thứ này do con người soạn ra nên nó có bảo đảm an toàn hay không tùy thuộc vào tay nghề và đạo đức của người lập trình. Hai bên giao dịch với nhau bằng một hợp đồng thông minh nhưng một bên cố ý cài cắm các điều khoản gài bẫy bên kia, nếu không phát hiện mà cứ ký, dù “thông minh” vẫn xảy ra khả năng bị lừa.

Ở hướng kỳ vọng, người ta mong Web3 sẽ phá vỡ thế độc quyền của các đại gia công nghệ, từ Google đến Apple, từ Facebook đến Twitter… Thử nghĩ mà xem, hiện nay có ai đủ khả năng tạo ra một mạng xã hội khác để cạnh tranh với Facebook, nó quá lớn, số người dùng áp đảo nên hàng loạt mạng tìm cách ngoi lên nhưng không cạnh tranh nổi. Ai có thể xây một ngôi nhà chứa các ứng dụng trên điện thoại di động để người dùng vào tải về, trừ phi phải khép mình núp bóng vào App Store hay Google Play. Nếu Web3 thành công, sẽ có hàng loạt Facebook mới ra đời do người dùng xây dựng nên và tự họ quản lý.

Nhưng mới tuần trước hai nhân vật nổi tiếng trong làng công nghệ đã lên tiếng chê bai Web3. Cựu giám đốc điều hành Twitter là  Jack Dorsey cho rằng Web3 nếu vận hành cũng sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Ông viết trên Twitter: “Bạn không sở hữu được Web3 đâu. Các quỹ đầu tư mạo hiểm và đối tác nắm hết. Web3 sẽ không bao giờ thoát được vòng kềm tỏa của họ. Suy cho cùng nó sẽ là một hình thái tập trung với một cái nhãn khác mà thôi”. Elon Musk, ông chủ hãng Tesla thì nói Web3 là một từ marketing kêu rổn rảng hơn là một thực tế. Cũng trên Twitter, ông này viết: “Có ai thấy Web3 đâu không? Tôi không tìm ra nó”.

Nói tóm lại, Web3 hiện giờ mới chỉ ở mức “tiềm năng to lớn”, trên đó có cả những người say mê xây dựng các nền tảng cho nó, cũng có người săm soi các khe hở để lừa đảo làm giàu và nhiều nhất là giới kinh doanh đang thích nghi với nó để soạn các lời có cánh, chiêu dụ đủ loại khách hàng tham gia kẻo lỡ cơ hội. Người bình tĩnh chỉ cần nhớ khái niệm blockchain được rao giảng cả chục năm nay, thử hỏi nó đã được ứng dụng vào việc gì thật sự có ích chưa, ngoại trừ quản lý tiền mã hóa và các loại NFT? “Phi tập trung” đồng nghĩa 10 người 10 ý, rất khó để những con người say mê ý tưởng “phi tập trung” ngồi lại với nhau để xây dựng các chuẩn mực cho thế giới Web3 này.

 

Box

Cách những người nổi tiếng đang tận dụng Web3

Michael Jordan, cầu thủ bóng rổ nổi tiếng cùng con trai là Jeffrey Jordan vừa thành lập công ty Heir để kết nối các danh thủ thể thao với người hâm mộ thông qua Web3. Bỏ ra các ngôn ngữ có cánh thường thấy trong các thông cáo báo chí, có thể thấy Heir sẽ làm một ứng dụng HEIR để phân phối một token xây dựng trên công nghệ chuỗi khối Solana. Trên nền tảng này các vận động viên và người hâm mộ có thể gặp nhau, dùng token này để mua đồ lưu niệm, xem video độc quyền, mua ảnh có chữ ký… Chưa biết ứng dụng này có thành công hay không vì năm 2022 mới ra mắt nhưng về nguyên tắc, vẫn chưa “phi tập trung” hẳn vì các bên còn dựa vào một công ty điều hành làm trung gian là Heir của gia đình Jordan.

  

 

Tayor Swift

 Nàng không thích thì nàng làm lại!

 

Có nhiều người ngạc nhiên khi thấy báo chí âm nhạc giới thiệu album “Red” của Taylor Swift như thể đây là một album mới trong khi “Red” ra đời cách đây đã 9 năm. Cái báo chí nói là “Red” phiên bản mới, “Taylor’s Version” – là cách ca sĩ này chống lại các hãng băng đĩa, giành quyền sở hữu các đứa con tinh thần về lại cho mình.

Số là vào năm 2004 lúc này Taylor Swift mới 15 tuổi, một ca sĩ chưa có album nào nhưng đã bắt đầu nổi tiếng với cây đàn ghitar và mái tóc vàng hoe, cô ký hợp đồng độc quyền với Big Machine Records. Cũng như các hợp đồng lúc đó, hãng ghi âm sở hữu các đĩa gốc, ca sĩ chỉ hưởng tỷ lệ phần trăm ăn chia. Với các đĩa master này hãng ghi âm hưởng phần lớn lợi nhuận từ bán CD, đĩa nhựa, kể cả sau này khi đưa lên các dịch vụ streaming như Spotify hay Apple Music, tiền cũng chảy về Big Machine Records phần lớn rồi sau đó nơi này mới chia lại cho Taylor Swift theo thỏa thuận ban đầu. Đổi lại hãng phải đầu tư mọi chi phí sản xuất rồi chi phí quảng bá cho tên tuổi ca sĩ trong khi chưa biết có thành công hay không.

Cả sáu album đưa tên tuổi của Taylor Swift lên thành một ca sĩ nổi danh khắp thế giới đều được sản xuất theo cách này (gồm Taylor Swift - 2006, Fearless - 2008, Speak Now - 2010, Red - 2012, 1989 - 2014, và Reputation - 2017) với hàng chục triệu album được bán ra. Hợp đồng kéo dài 13 năm đến năm 2018 Taylor Swift mới được “tự do” để chuyển sang ký với hãng Republic Records của Universal. Lúc này cô mới có thể đặt điều kiện bản master tương lai thuộc quyền sở hữu của cô và có lẽ cô đành chịu thua với các bản master của 6 album cũ.  

Nhưng đến tháng 6-2019, hãng Big Machine Records bán mình cho Scooter Braun và sau đó ông này bán các bản master của Taylor Swift cho một hãng khác, Shamrock Holdings lấy 300 triệu đô-la nhưng vẫn được chia doanh thu từ các bài hát của Swift trong tương lai. Vấn đề nằm ở chỗ Scooter Braun là một nhà quản lý âm nhạc, từng làm quản lý cho Kanye West mà West và Swift từng đụng độ ầm ĩ trên sân khấu. Năm 2009 lúc MTV trao giải cho nữ ca sĩ hay nhất cho Taylor Swift thì Kanye West nhảy lên sân khấu giật micro Swift đang cầm lớn tiếng nói video Single Ladies của ca sĩ Beyonce mới hay hơn, xứng đáng được giải hơn. Sau đó một thời gian dài hai bên cứ gấu ó nhau miết.

Thế là Taylor Swift lên án vụ bán đĩa master của cô, thề sẽ ghi âm lại hết cả 6 album để trả đũa. Ngay vào hôm Scooter Braun trở thành chủ nhân mới các đĩa master của mình, Taylor Swift viết trên Tumblr: “Tôi cứ bị ám ảnh bởi cảnh bắt nạt không ngưng tôi phải chịu đựng từ anh ta trong nhiều năm qua. Di sản âm nhạc của tôi nay lại nằm trong tay kẻ muốn hủy hoại nó. Đây là kịch bản tồi tệ nhất có thể hình dung”. Swift cho biết đã thương lượng với Braun để mua lại nhưng không thành.

Nói về lý, dù Taylor Swift không sở hữu các đĩa gốc nhưng cô vẫn còn quyền xuất bản nhạc do cô sáng tác và biểu diễn cũng như quyền ghi âm phiên bản mới 2 năm sau khi hết hạn hợp đồng ký với Big Machine Records. Dĩ nhiên Shamrock Holdings vẫn sở hữu bản master cũ như album Red nguyên thủy nhưng nay Taylor Swift sở hữu album Red mới – Red Taylor’s Version. Người vào Spotify nghe, nếu chọn Red cũ thì tiền về tay Shamrock, nếu nghe Red mới thì tiền về túi Taylor. Cho đến nay cô đã phát hành 2 album làm lại, Fearless (Taylor’s Version) hồi tháng 4 và Red (Taylor’s Version) vào đầu tháng 11 này.

Phóng viên cũng như người hâm mộ cố ý nghe kỹ để phân biệt giữa hai phiên bản nhưng đa phần không thấy gì khác biệt. Taylor Swift cố ý giữ nguyên giai điệu, lời nhạc và hòa âm phối khí để trung thành với bản gốc càng gần càng tốt. Các phiên bản mới có thêm các bài bonus để tặng thêm người nghe. Red bản gốc bán được 1,2 triệu bản ngay trong tuần đầu tiên và tính đến tháng 10-2020 chỉ riêng ở Mỹ Red bán được 4,49 triệu bản, còn tính cả trên thế giới có chừng 8 triệu bản được bán ra. Red bản mới bán được nửa triệu bản trong tuần đầu tiên, trong đó có hơn 100.000 đĩa than. Nhưng ngày nay thiên hạ chủ yếu nghe nhạc “stream” chứ ít mua CD – ngay trong ngày đầu tiên Red phiên bản Taylor được đưa lên Spotify, đã có 122,9 triệu lượt nghe nhạc của cô, trong đó ba phần tư là từ album Red mới. Chỉ cần 4 ngày lượt người nghe bản mới đã vượt bản cũ trên Spotify mặc dù Red cũ đã có sẵn trong playlist của nhiều người.

Theo Forbes, tài sản của Taylor Swift cho đến nay đã lên đến 550 triệu đô-la từ nhạc, bản quyền streaming, các chuyến lưu diễn. Chỉ tính riêng năm 2019 cô đã làm ra đến 185 triệu đô-la, cao nhất trong các nhân vật nổi tiếng, kể cả diễn viên điện ảnh. Về mặt kinh doanh, cô không phải là người dễ bị bắt nạt. Lúc album “1989” của cô ra mắt, cô và hãng ghi âm yêu cầu Spotify chỉ cho người nghe có đăng ký trả tiền mới được truy cập album này nhưng Spotify từ chối (dịch vụ này vừa cho nghe miễn phí kèm quảng cáo và bán tài khoản có trả tiền, nghe không bị chêm quảng cáo; tiền chia cho ca sĩ cũng bên ít bên nhiều). Thế là Swift rút toàn bộ nhạc của cô ra khỏi nền tảng Spotify rồi lên Wall Street Journal viết bài ý kiến nêu rõ quan điểm “âm nhạc không thể miễn phí”.

Sau khi dùng mạng xã hội vận động người hâm mộ gây sức ép buộc Swift đưa nhạc về lại không thành công, Spotify phải nhượng bộ, nâng tiền bản quyền chia cho hãng ghi âm, Swift theo yêu cầu mới được quyền sử dụng kho nhạc của cô như cũ. Ngay cả với Apple Music lúc mới ra mắt dự định cho người dùng nghe miễn phí ba tháng nên sẽ không trả tiền bản quyền trong ba tháng đó. Taylor Swift phản đối và Apple phải nhượng bộ, đồng ý trả đầy đủ ngay từ đầu.

Nay với cú “ta không thích thì ta làm lại” này của cô, giới nghệ sĩ và giới kinh doanh âm nhạc rúng động. Trước đây hàng loạt ca sĩ từng bày tỏ sự bức xúc trước các điều khoản ràng buộc của các hãng ghi âm nhưng ít ai chịu bỏ công ghi âm lại các album cũ của mình như Taylor Swift, cũng nhờ nguyên một năm không lưu diễn, tránh đại dịch nên có thời gian. Biết đâu cô sẽ là người tiên phong cho một phong trào làm lại bản master mới của nhiều ca sĩ. Và như thế bên thua thiệt là các hãng ghi âm vì phần lớn trường hợp phải chấp nhận rủi ro khi đầu tư vào những tên tuổi chưa biết có thành danh hay không. Họ đòi sở hữu các bản master là để phần nào bù đắp các rủi ro đó.

Theo số liệu trên tờ Wall Street Journal, thông thường hãng ghi âm hưởng đến 80% doanh thu được chia từ các nền tảng streaming, 20% chia cho ca sĩ. Nhưng nếu ca sĩ nắm quyền sở hữu và khai thác bản master, họ sẽ hưởng từ 80% đến 95% doanh thu.

Hiện nay các hãng ghi âm tìm cách phòng ngừa các trường hợp như Taylor Swift như hãng Universal tăng gấp đôi thời gian nghệ sĩ không được ghi âm lại các bản nhạc cũ. Các thỏa thuận tiêu chuẩn trước đây thường là hạn chế ca sĩ ghi âm lại các bản nhạc cũ trong vòng 5 năm sau khi thực hiện bản gốc hay 2 năm sau khi hết hạn hợp đồng. Thời hạn mới của hãng Universal đưa ra lần lượt là 7 năm và 5 năm.  

Trước khi có các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến như Spotify hay Tidal, các hãng ghi âm không sợ lắm khả năng nghệ sĩ trở chứng ghi âm lại các bản master họ đang nắm giữ vì chi phí tổ chức thu đĩa không phải là nhỏ và ghi xong rồi phát hành cũng không phải là chuyện đơn giản. Nay chuyện ghi âm dễ như không rồi các kênh phát hành nhạc có sẵn khắp nơi, kể cả trên YouTube. Vai trò các hãng ghi âm ngày càng nhỏ đi và doanh thu vì thế cũng teo tóp lại – ngày càng nhiều nghệ sĩ đòi sở hữu bản master. Dĩ nhiên tăng thời gian độc quyền thì đổi lại Universal phải tăng tỷ lệ chi trả cho nghệ sĩ.

Đó là chưa kể các nền tảng phi tập trung mới trong thế giới giao dịch trên blockchain có thể cho phép ca sĩ bán nhạc trực tiếp cho người nghe không cần qua trung gian như Apple Music – lúc đó không chỉ các hãng ghi âm phải lụi tàn mà Spotify cũng không còn gì để chào bán.

 

Mọi chuyện có thể thương lượng – trừ tình yêu

 Điểm bất thường

 

Bản thân cuốn “L’Anomalie” của nhà văn người Pháp, Hervé Le Tellier là một điểm bất thường: ông từng viết hơn 20 cuốn tiểu thuyết nhưng chưa có cuốn nào lọt vào danh sách bán chạy, mãi cho đến cuốn này. Xuất bản bằng tiếng Pháp vào giữa năm ngoái, “L’Anomalie” nhanh chóng bán được hơn 1 triệu cuốn – một kỷ lục chưa từng thấy tại Pháp trong mấy chục năm qua. Sách được trao giải Goncourt năm 2020 và tháng rồi đã được dịch sang tiếng Anh với tựa đề “The Anomaly”.

Điểm bất thường ở đây là chuyến bay Air France 006 từ Paris đến New York ngày 10 tháng 3 năm 2021 bị rơi vào vùng thời tiết xấu, máy bay chao đảo, có lúc rơi tự do nhưng cuối cùng cũng hạ cánh an toàn. Một trăm linh sáu ngày sau, cùng chuyến bay Air France 006 đó, cũng trên lộ trình Paris đến New York, cũng bay bằng máy bay Boeing 787, cũng hai viên phi công và 230 hành khách đến sợi tóc, lông chân không khác gì chuyến bay trước… lại rơi vào vùng thời tiết xấu, máy bay quăng quật một lúc, phát tín hiệu cấp cứu và sau đó hạ cánh. Thế là thế giới rơi vào tình huống kinh khủng: có mấy trăm bản sao những con người cụ thể đang song song tồn tại trên thế giới này; chỉ khác nhau ở hơn ba tháng ký ức một bên có một bên không.

“The Anomaly” không bắt đầu ngay bằng câu chuyện khoa học viễn tưởng như thế. Tác giả nhẩn nha mỗi chương viết về một nhân vật trên chuyến bay này: từ tay sát thủ chuyên thực hiện các hợp đồng giết mướn đến ông nhà văn thành công hơn trong nghề dịch sách; từ viên phi công sau khi hạ cánh phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối đến anh chàng ca sĩ đồng tính người Nigeria… Điểm chung duy nhất của các nhân vật này là đi trên chuyến bay 006 định mệnh.

Xin bạn đọc thứ lỗi vì người viết đã tiết lộ một phần cốt truyện nhưng chỉ là một phần rất nhỏ - câu chuyện sau khi phát hiện chuyến bay 006 bỗng dưng tạo ra thêm một bản sao y chang mới là phần chính. Các nhân vật trên chuyến bay nghĩ gì khi biết có thêm một bản sao của chính mình đang tồn tại, hiện đang ăn ngủ chơi đùa với vợ con mình? Ghen tức, tranh giành hay đồng cảm, thú vị quan sát? Những người chung quanh sẽ phản ứng như thế nào, chọn ai là người thật, ai là bản sao? Bạn bè sẽ chơi với ai, e dè ai? Luật pháp sẽ thừa nhận người trên chuyến bay trước hay chuyến bay sau, ai có quyền sở hữu nhà, nhận tiền lương hay bị vào tù vì phạm tội?

Giả thử cuộc đời này là một không gian giả lập do con cháu chúng ta vài ngàn năm nữa dựng lên trong các hệ thống máy tính siêu mạnh của chúng, rất có thể chương trình bị một lỗi nhỏ, một chuyến bay bỗng dưng tách làm hai bản sao, hạ cánh cách nhau 106 ngày. Nếu vậy cách xử lý hay nhất là gì? Tiếp tục cho mấy trăm con người giống nhau đến tận các DNA va chạm nhau với đủ thứ rắc rối từ đạo đức đến luân lý đến luật lệ hay cứ “delete” bớt một bản sao như có người đề nghị với Tổng thống Mỹ sau khi hiểu sự tình?

Đến đây bạn đọc có thể hình dung ra sức hút của “The Anomaly”, mở đầu như một tiểu thuyết hình sự với một nhân vật giết thuê rồi chuyển sang truyện tình cảm khi miêu tả cuộc tình lãnh mạn. Sau khi để lộ ra đây có thể là một cuốn khoa học giả tưởng kiểu như phim “The Matrix” sách nhanh chóng chuyển qua dạng triết học với những câu hỏi không dễ trả lời. Như nhân vật nữ luật sư có thai trong thời gian ba tháng bản sao của cô chưa xuất hiện – đối diện với chọn lựa ai phải ra đi, người nữ luật sư tháng Sáu nhường cuộc sống có chồng, có sự nghiệp cho nữ luật sư tháng Ba vì cái thai mà cô không có. Như nhà văn tháng Ba sau chuyến bay bổng lên tay, viết một tác phẩm bán chạy cả triệu bản nhưng cuối cùng đi tìm cái chết không ai hiểu vì sao. Nhà văn tháng Sáu bỗng dưng nổi tiếng vì một tác phẩm đọc thì đúng là giọng điệu của mình như không phải do mình viết ra – nay có nhận không, có hưởng vinh quang đó không!

Có lẽ dân Pháp tìm đọc cuốn “L’Anomalie” bởi khung cảnh bị cách ly với bên ngoài trong suốt một thời gian dài chống dịch Covid-19, họ tìm thấy sự đồng cảm như thể đang sống trong một thế giới giả lập. Khó lòng tin được thực tế đường phố Paris đông đúc tấp nập nay vắng hoe không một bóng người. Chấp nhận giả thuyết giả lập còn dễ hơn chuyện thừa nhận phải làm việc từ nhà, con cái học trên các lớp ảo, gặp người thân qua màn hình máy tính, mọi việc ngưng đọng lại vì một con virus không ai tường mặt…

Có người bảo thế giới này đúng là giả lập; chứ làm sao giải thích được cho đến nay vẫn có người tin trái đất phẳng, có người tranh nhau mua các tác phẩm ảo giá cả triệu đô-la. Không giả lập sao được khi ông chủ Facebook Mark Zuckerberg chỉ vừa tuyên bố đổi tên công ty thành Meta để xây dựng một đa vũ trụ Metaverse, người ta bắt đầu tranh nhau mua bán địa ốc ảo, tài sản áo, kể cả giày Nike ảo để sau này đem ra xài trên thế giới Metaverse kia. Chỉ là do một tay lập trình nào đó 1.000 năm sau tinh nghịch chế ra chứ làm sao thiên hạ có thể tin vào những chuyện điên rồ thế kia.

Trả lời phỏng vấn của báo chí, nhà văn 64 tuổi nói: “Tôi ngạc nhiên vì sự thành công của cuốn sách, nhất là khi nó mang tính thử nghiệm, rất kỳ quái và hơi điên một chút”. Ông nói thêm: “Có lẽ đọc nó là phương cách trốn khỏi thực tế chăng”. Le Tellier cho biết ông bị cuốn hút vào ý tưởng bản sao con người: “Thật thú vị nếu về nhà tôi thấy một bản sao chính tôi đang ngồi chờ ở đấy. Tôi sẽ phản ứng như thế nào đây?” Thế là ông bỏ ra một năm để viết cuốn “Điểm bất thường”, thỉnh thoảng lại đem chính mình ra diễu nhại bằng một nhân vật nhà văn giống như ông.

Cách các nhà văn thường dùng khi viết tiểu thuyết là sáng tạo ra các nhân vật rồi đẩy nhân vật vào các hoàn cảnh có gút thắt để làm họ sống như thật. Ở đây Le Tellier làm ngược lại: dựng ra một bối cảnh kỳ dị trước rồi thả vào đó bảy tám nhân vật sẽ bị hoàn cảnh buộc phải có những ứng xử bất thường. Như khi được giải thích một trong những giả thuyết giải thích trường hợp kỳ lạ của chuyến bay 006, Tổng thống Mỹ giận dữ đáp: “Những gì ông miêu tả thật quái đản. Tôi không thể nào là một chú Super Mario (nhân vật trong trò chơi hái nấm) và chắc chắn tôi sẽ không đứng ra giải thích cho dân Mỹ rằng họ chỉ là những chương trình máy tính trong một thế giới ảo”.

Để chuyện thật, ảo chuyện giả lập sang một bên, cuốn tiểu thuyết buộc người đọc phải trả lời một câu hỏi như cách tác giả đặt vấn đề: “Rốt cuộc, câu hỏi mấu chốt cho mọi nhân vật, câu hỏi duy nhất là, tôi sẽ làm gì với tình yêu của tôi?”. Le Tellier nói với báo chí: “Tình yêu là điểm khi mọi nhân vật sẽ chao đảo, nơi họ mềm yếu và nơi họ phải quyết định. Với mọi thứ khác, họ có thể thương lượng. Tình yêu đi liền với sự chiếm hữu; khi một biến thành hai, mọi chuyện trở nên phức tạp”. Đúng là mọi chuyện có thể thương lượng – trừ tình yêu.

 

 

NFT

 Thăm lại hiện tượng NFT

 

Cách đây không lâu khi các NFT mới xuất hiện, báo chí trong đó có Tuổi trẻ Cuối tuần đã có nhiều bài giải thích, kể đầu đuôi sự ra đời của hiện tượng “Non-Fungible Token” này (Hết tiền mã hóa đến tranh mã hóa). (Đọc thêm bài này). Thế nhưng không ai ngờ chỉ trong mấy tháng cơn sốt NFT dâng cao gấp mấy lần, tháng Giêng thị trường NFT vào khoảng 400 triệu đô-la nay đã lên đến 2 tỷ đô-la mỗi tháng, quý 3-2021 đạt mốc 5,9 tỷ đô-la!

Có lẽ đã đến lúc quay lại hiện tượng này để ít nhất khỏi bị cuốn vào một mê hồn trận ai nấy đều biết là “ảo”, “không thể duy trì”, “trước sau gì cũng nổ tung” nhưng ai nấy đều nghĩ mình sẽ kịp thoát trước; ai không chơi sẽ thua thiệt. Nhắc lại một cách ngắn gọn: NFT là bản chứng nhận ảo duy nhất cho một tài sản thật. Chẳng hạn cái NFT mà báo Economist đem ra bán đấu giá được gần 422.000 đô-la là giấy chứng nhận quyền sở hữu trên không gian ảo cái bìa báo thật vẽ hình Alice đang ngắm nhìn các đồng tiền mã hóa chui vào hang thỏ. Bìa báo in trên giấy, số lượng phát hành bao nhiêu là có bấy nhiêu bìa thật tồn tại ngoài đời, báo vẫn giữ bản quyền. Còn giấy chứng nhận NFT chỉ có một – ai mua là có quyền sở hữu. Điều mỉa mai là báo nào đưa tin cũng kèm theo cái hình bìa để minh họa, xem như có hàng triệu tấm hình bìa kỹ thuật số nằm khắp nơi, không khác gì nhau.

Thử hình dung sau tờ Economist, hàng ngàn hàng trăm ngàn nơi khác cũng hăm hở nhảy vào bán thử sản phẩm độc đáo của họ ở dạng NFT; thử tưởng tượng hàng ngàn, hàng trăm ngàn nhà đầu tư có tiền không biết bỏ vào đâu để kiếm lời cho nhanh, bèn tranh nhau mua các NFT này với hy vọng chúng sẽ lên giá như tranh của các danh họa cổ điển. Chừng đó cũng đủ nuôi “phong trào NFT” thêm một thời gian nữa.

Nhưng đến nay đã rõ bên hưởng lợi ngay tức thì mỗi khi có một giao dịch NFT chính là mạng lưới các máy tính đang duy trì cuốn sổ cái ghi nhận sự sở hữu nói trên. Nói cuốn sổ cái đó là blockchain nghe rất “kỹ thuật số” nhưng nói cho dân dã nó như cuốn sổ của Nam Tào, Bắc Đẩu ghi chuyện sinh tử của con người. Để một NFT được ghi vào sổ cái, cũng như sau này bán lại cho ai thì ghi sổ chuyển cho người sở hữu mới, cần phải trả phí xăng nhớt (tiếng Anh gọi là gas), giao động bất thường, có lúc chỉ 5-10 đô-la có lúc lên đến 70 đô-la mỗi giao dịch. Tờ Economist chịu mức phí tạo ra NFT là 98 đô-la.

Nơi hưởng lợi thứ nhì là các dịch vụ tạo ra NFT như Economist cho biết họ sử dụng dịch vụ của Foundation với mức phí là 15% giá trị giao dịch ban đầu và sau này nơi mua có bán lại bức tranh NFT này thì phải trả 5% cho mỗi giao dịch bán lại đó. Có lẽ tờ báo còn phải trả phí cho luật sư để soạn thêm phụ lục hợp đồng, nói rõ người mua NFT này không nắm copyright của cái bìa gốc, bản quyền vẫn nằm trong tay Economist. Trước khi chuyển số tiền bán được cho một tổ chức từ thiện, Economist để dành 16,67% lỡ sau này bị bắt đóng thuế thì có mà đóng.

Như thế thị trường NFT đang sôi động có lợi cho nhiều bên; từ bên tạo ra NFT để bán đến các nơi làm dịch vụ liên quan, sàn tổ chức các cuộc bán đấu giá, thậm chí ngân sách các địa phương. Chỉ có nhà đầu tư cuối cùng ôm các NFT không bán cho ai được nữa mới chịu lỗ nhưng nhà đầu tư này chưa xuất hiện.

Dĩ nhiên bên tin vào giá trị bền vững của các NFT sẽ nói bản chứng nhận duy nhất này là một hình thức xác lập quyền sở hữu rất độc đáo trong thế giới ảo. Trong thế giới kỹ thuật số, một bức tranh lưu ở dạng JPEG chỉ cần dùng lệnh copy là có thể sao chép thành nhiều bản; một bản nhạc gắn vào email gởi đi cho người khác sẽ thành bản sao không thể phân biệt được với bản gốc… NFT sẽ giải quyết vấn nạn sao chép này, kiểu như ai cũng có thể mua bản in bức tranh “Mona Lisa” nhưng chỉ có một bản gốc duy nhất treo ở Viện bảo tàng The Louvre. Vấn đề ở chỗ làm gì với quyền sở hữu này thì chưa được ai giải thích cho cặn kẽ.

Để thu hút nhiều người tham gia thị trường NFT, người ta nghĩ ra đủ cách để tạo NFT giá rẻ như trường hợp một người mua bức tranh nổi tiếng về cắt thành 10.000 mảnh để bán lẻ. Loic Gouzer là một người từng điều hành hãng đấu giá Christie’s, từng tổ chức cuộc đấu giá một bức tranh của Leonardo da Vinci với mức giá kỷ lục 450 triệu đô-la. Tháng Năm, ông này cùng một nhóm chuyên gia tiền mã hóa mua bức tranh “Love Is in the Air” của họa sĩ Banksy với giá 12,9 triệu đô-la. Giờ nhóm này có kế hoạch cắt nhỏ bức tranh thành 10.000 NFT để bán, mỗi mảnh giá 1.500 đô-la. Dĩ nhiên, bức tranh mua về vẫn còn đó; cái họ bán là giấy chứng nhận quyền sở hữu ảo nhưng bán từng phần của giấy chứng nhận này cho dễ kiếm người mua. Còn lập luận của Gouzer là muốn ai cũng đủ điều kiện tài chính tham gia thị trường sưu tầm mỹ thuật!

Ở hướng ngược lại, hồi tháng trước hàng ngàn người yêu thích tiền mã hóa đã cùng nhau góp tiền để tham gia đấu giá mua một bản in gốc Hiến pháp Mỹ. Họ góp bằng đồng Ether, đổi ra đô-la được 40 triệu nhưng sau rốt thua cuộc trước một nhà sưu tập tư nhân trả 43,2 triệu đô-la. Điều đáng nói là sau khi đấu giá thất bại, ban tổ chức đang gặp khó khăn khi trả tiền về cho người đóng góp vì “phí xăng dầu” quyên góp tiền rồi phí chuyển trả tiền qua blockchain Ethereum đã ăn hết 1,2 triệu đô-la. Tiền phí không tương quan với tiền gởi – gởi 100 đô-la chịu phí cũng gần như gởi 1 triệu đô-la nên có người quyên góp 170 đô-la bằng đồng ether phải tốn phí đến 50 đô-la, tiền mới về ban tổ chức. Nay để yêu cầu trả lại tiền, người góp thêm một lần nữa phải chịu phí giao dịch! Chừng đó đã thấy sự phi lý của đồng tiền mã hóa nói riêng và các NFT nói chung.

Với các doanh nghiệp tham gia thị trường NFT, nổi bật là các hãng giày, đầu tiên là Nike, sau đến Adidas đều tỏ ý sẽ sớm có sản phẩm giày NFT để dân chúng sử dụng trong không gian ảo metaverse. Sau giày ảo sẽ đến quần áo thể thao ảo, rồi đủ loại phụ tùng chơi thể thao trong thế giới ảo với lập luận sau khi con người có vật thế thân trên không gian ảo, cần mặc đồ, đi giày cho nhân vật thế thân này. Để bán giày NFT cho dễ các hãng này sẽ liên kết với nhiều bên như bên chuyên mua bán NFT, các ngôi sao thể thao, các sàn tiền mã hóa… Tuy nhiên có thể họ không tranh đua nổi với các startup nhạy bén như hãng Rtfkt do ba người bạn thành lập chuyên sản xuất giày thể thao dạng NFT, đã bán được nhiều giày ảo, mỗi đôi giá từ 3.000 đến 10.000 đô-la.

Vụ gây ồn ào trên thị trường NFT gần đây nhất là đạo diễn Quentin Tarantino tuyên bố sẽ đem 7 cảnh trước đây chưa từng công bố trong phim Pulp Fiction năm 1994 ra bán dưới dạng NFT. Ngay lập tức hãng phim Miramax đáp trả sẽ kiện vì họ đang giữ bản quyền phim này; rằng kế hoạch của Tarantino sẽ làm giảm giá trị các NFT mà hãng Miranmax đang ấp ủ.

Một điều rất lạ - mặc dù các NFT được mua bán bằng đồng Ether nhưng lúc nào người ta cũng tự động đổi ra đô-la như để “hù thiên hạ” bằng những mốc giá trên trời. Như NFT hình bìa tờ Economist giá gần nửa triệu đô-la chứ thật ra người mua trả 99,9 Ether và với sự sụt giá thê thảm của các đồng tiền mã hóa vào tuần trước, nay nếu đổi ra đô-la thì giá chỉ còn chừng 350.000 đô-la. Giả thử cơn sốt Bitcoin hay Ether bị xẹp bóng, giá các NFT cũng sẽ xẹp theo, bán xong chưa chắc đã đủ để đóng “phí xăng dầu”.

 

 

Box

Hiện nay cộng đồng mua bán NFT vẫn còn nhỏ, chừng 1 triệu người vì quá trình mua bán chúng còn nhiêu khê. Hầu hết các NFT đều được tạo ra trên blockchain Ethereum; mua bán chúng phải dùng đồng Ether. Có thể mua ether trên sàn Coinbase, sàn Binance hay dùng các ứng dụng mua bán chứng khoán như Robinhood.

Người mua phải tạo ví tiền mã hóa để chứa Ether, mua và nhận NFT, ví phổ biến nhất hiện nay là MetaMask, nằm ngay trên trình duyệt Chrome hay Firefox khi tải về thành một phần mở rộng. Ví dưới hình thức ứng dụng trên điện thoại di động hạn chế hơn nhiều. Có ví rồi phải kết nối nó với một chợ NFT như Foundation, OpenSea, SuperRare mới bắt đầu mua bán NFT.

Vì các NFT được duy trì trên các blockchain, giả thử các blockchain này giải tán, chưa ai biết số phận các NFT có giá từ vài ngàn đến vài chục triệu đô-la sẽ đi về đâu hay sẽ tan biến trong không gian ảo?

 

Nỗi phiền… công nghệ

 Nỗi phiền… công nghệ

 

N. là một người yêu công nghệ, mỗi tối đọc xong chương sách định đi ngủ, anh ước gì có thể ra lệnh cho chiếc đèn trong phòng để nó tự tắt, khỏi mất công ngồi dậy đến bấm công tắc đèn. Vì thế khi đọc thấy có loại đèn tuýp 1,2 mét tích hợp wifi, có thể điều khiển bằng điện thoại di động, N. đặt mua ngay. Đèn mang thương hiệu của một hãng trong nước nhưng ứng dụng tải về chỉ có tiếng Anh. N. đoán đây là sản phẩm của các công ty bên Trung Quốc, hãng trong nước đặt sản xuất rồi ghi nhãn của mình; còn ứng dụng thì được giao trọn gói, chưa thể Việt hóa ngay.

Loay hoay một hồi cũng bắt được đèn vào tường, cài ứng dụng, kết nối đèn với hệ thống wifi, N. khoái chí bấm bấm, xoay xoay trên màn hình điện thoại để tắt mở, tăng sáng, làm mờ, chuyển tông màu từ trắng qua vàng… Nhưng N. chưa thỏa mãn, anh thấy ứng dụng báo có thể kết nối với Google Assistant để ra lệnh bằng giọng nói và đúng như nghi ngờ của anh, khi tìm tên hãng để kết nối, anh phải điền tên khác theo hướng dẫn chứ không phải thương hiệu của công ty trong nước. Không sao, miễn là nó hiểu mệnh lệnh của mình để thực hiện.

Lần đầu khi N. ra lệnh “OK, Google, tắt đèn”, máy bèn hỏi lại, “Bạn nói gì tôi chưa hiểu. Xin vui lòng nhắc lại”. Nhắc vài lần thì máy báo, “Hệ thống nhà bạn chưa có đèn kết nối”. Có lần N. ra lệnh tắt được nhưng biểu bật đèn thì máy cứ ““Bạn nói gì tôi chưa hiểu. Xin vui lòng nhắc lại”. Đứa con của N. sau một hồi ngồi chờ, mất kiên nhẫn bỏ đi chơi sau khi phán: “Sao ba không ngồi dậy đi tắt đèn còn khỏe hơn”.

Chưa hết, khi N. từ bỏ giấc mơ ra lệnh bằng giọng nói, quay về điều khiển trên điện thoại di động thì đèn báo “offline”, tức mất kết nối với wifi. N. phải xóa đi làm lại nhưng lâu lâu ứng dụng lại đơ ra, báo mất kết nối.

Có thể nói sau vài ba năm nghe ca tụng về các thứ từ “Internet vạn vật” đến “thành phố thông minh”, từ “mạng 5G tốc độ khủng” đến “dữ liệu lớn”… công nghệ ứng dụng vào cuộc sống để làm ra ngôi nhà thông minh có những tiến bộ nhưng đa phần chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm, biễu diễn. Hiện nay đã có thể mua một bộ phát hồng ngoại vài trăm nghìn về để biến mọi vật dụng có dùng điều khiển từ xa như máy lạnh, TV, quạt, dàn máy… từ “vô tri” thành “thông minh”. Kết nối để biểu diễn tiềm năng thì được còn không ai có thể, muốn mở cái máy lạnh, phải cầm chiếc điện thoại lên, mở ứng dụng, ngồi chờ màn hình điều khiển hiện lên để bấm nút. Không ai đủ kiên nhẫn nhắc đi nhắc lại một lệnh đơn giản vài lần để máy hiểu mà làm theo.

Điều này không chỉ đúng với Việt Nam, nơi chịu ảnh hưởng rất đậm nét thị trường vật dụng công nghệ rẻ tiền nhập từ Trung Quốc. Nó còn đúng với các nước Âu, Mỹ. Mới cách đây hơn một tuần, dịch vụ điện toán đám mây của Amazon trục trặc làm hàng chục ngàn người ở Mỹ không thể mở cửa vào nhà. Đó là do họ lắp cửa có khóa thông minh đóng mở bằng giọng nói. Một khi ứng dụng của họ trên điện thoại di động không thể kết nối với máy chủ họ đành chịu, ra lệnh không được mà mở ứng dụng cũng thua. Lần sụp mạng này còn ảnh hưởng đến những người sử dụng tủ lạnh thông minh, dịch vụ coi phim trực tuyến, hệ thống đèn thông minh, loa thông minh.

Đáng buồn nhất là bây giờ các tờ báo chuyên về công nghệ lại khuyên người dùng không nên dựa quá nhiều vào các thiết bị luôn kết nối (được mệnh danh là Internet of Things – vạn vật kết nối). Như tờ Computerworld khuyên: “Máy rửa chén, hệ thống đèn màu dùng trong mùa lễ, tủ lạnh, bàn chải đánh răng… đâu cần kết nối với đám mây”. Có tờ còn phán, Giấy mơ ngôi nhà thông minh đã chết!

Các hệ thống thiết bị gia dụng thông minh hiện còn rất phức tạp, đắt tiền, nhiều trục trặc và không chịu nói chuyện với nhau. Cứ hình dung từ thập niên 1990 đến nay biết bao nhiêu phiên bản Windows ra đời để chúng ta có thể sử dụng máy tính suốt ngày không bị treo; mỗi lần ra phiên bản sửa lỗi Microsoft lại bắt người dùng bỏ tiền ra mua như mới. Các trợ lý thông minh ảo từ Siri của Apple, Google Assistant của Google hay Alexa của Amazon vẫn còn như Windows phiên bản 3.1 với Siri là khá nhất vì dù không hiểu lệnh cũng cố gắng trả lời theo kiểu hài hước, dí dỏm cho đỡ quê.

Trong khi thế hệ trẻ quay về xài đĩa than để nghe nhạc, thế hệ lớn tuổi một chút vẫn có thể “chơi công nghệ” bằng các món đồ rẻ tiền để có được cảm giác “kiểm soát cả thế giới quanh ta” nếu đặt kỳ vọng thấp hơn. Thế nhưng đừng ảo tưởng công nghệ “thông minh” sẽ đem lại sự tiện dụng, thoải mái như một cây đũa thần; nó chỉ là các món đồ chơi có thể đem lại sự phiền toái và sự thất vọng.

 

 

Artificial Intelligence

 Khi AI vừa ngốc vừa bướng

 

Trong sự cố quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong video tường thuật trận bóng đá Việt – Lào trên kênh YouTube, một nhân vật ít ai để ý là con AI của YouTube.

Chính nó, hay nói đúng hơn chính sự vừa đần vừa bướng của cái được mệnh danh là “trí tuệ nhân tạo” này đã làm Next Media lo sợ bị cáo buộc vi phạm bản quyền bài hát này nên tự tắt tiếng. Họ sợ bởi từng có tiền lệ AI lấy hết doanh thu quảng cáo của một kênh chuyển cho kênh khác chỉ vì kênh trước phát tường thuật một trận bóng đá, đầu trận có phát bản ghi quốc ca Việt Nam do kênh sau đăng ký bản quyền.

Nếu AI thật sự thông minh hay YouTube được con người trực tiếp quản lý, ắt sẽ phải hiểu quốc ca là do ban tổ chức trận đấu chọn và phát, có liên quan gì đến kênh mua bản quyền phát sóng. Hơn nữa nếu nó thông minh, cùng lắm nó chỉ chuyển doanh thu quảng cáo gắn với thời lượng có hát quốc ca – sao lại chuyển cả doanh thu suốt trận đấu? Cứ hình dung giả thử tranh chấp giữa người với người, ắt không ai ứng xử như thế; nhưng đằng này mọi chuyện là do máy móc xử lý nên không biết khiếu nại với ai, với máy hay với người nếu bị phạt – liệu nói với máy nó có hiểu hết các lập luận?

AI chỉ mới như một đứa bé

Đây chỉ là một ví dụ mới nhất của một AI chưa trưởng thành mà nhiều người đã từng gặp phải. AI thực chất chỉ là những thuật toán do con người biên soạn theo dạng nếu… thì… Máy có năng lực tính toán gấp bội con người nên trong tích tắc có thể chạy qua cả triệu tình huống “nếu, thì” như vậy nên một khi được huấn luyện theo kiểu máy học, một chương trình AI có thể giải quyết rất nhiều bài toán cho thực tế đặt ra. Nhưng dù có bao quát đến đâu, con người vẫn không thể hình dung ra hết các tình huống và từ đó AI có thể rơi vào tình trạng ngu ngơ dở khóc dở cười.

Có lẽ ai cũng từng dùng Google tìm kiếm thông tin trước khi mua một sản phẩm gì đó và rất ấn tượng khi thấy hàng loạt quảng cáo về sản phẩm này cứ theo chân mình đi khắp mọi ngóc ngách Internet. Nhưng ấn tượng này nhanh chóng chuyển sang sự bực bội vì sản phẩm đã mua, tiền đã trả thế nhưng quảng cáo sản phẩm không chịu buông tha, ít nhất là vài tuần. Nhiều người khác kể AI của Facebook thật ngu ngốc khi họ viết để cảnh báo các lập luận của giới chống vaccine – thế mà Facebook dán nhãn “vi phạm cộng đồng” cho họ như thể họ là người chống vaccine. Có người viết mẩu chuyện bình thường bị Facebook xem là quảng cáo; có người đăng lại bài của chính mình bị Facebook bảo vi phạm bản quyền, xóa tài khoản. AI của Facebook từng xem các bức danh họa cổ điển là tranh khiêu dâm; Google từng ghi nhãn “khỉ đột” trên hình người da đen và khi bị phát hiện bèn cấm luôn các từ khóa tìm kiếm gồm “gorilla”, “chimp”, “chimpanzee” hay “monkey”.

Chính Andrew Moore, một phó tổng giám đốc của Google từng phát biểu: “AI hiện đang cực kỳ ngu ngốc. Nó thật sự giỏi ở một số việc mà trí não chúng ta không xử lý được nhưng nó chưa phải là một công cụ mà chúng ta có thể ép làm những điều chung chung như loại suy hay tư duy sáng tạo hay suy nghĩ bên ngoài khung khổ thông thường”.

Để tránh đi vào những lãnh vực gây tranh cãi như AI làm được gì, chưa làm được gì cứ giả định AI làm một số việc tốt đến 99% trường hợp. Nhưng chỉ cần 1% làm sai là đã có thể gây ra những tai họa bất ngờ. Công nghệ nhận dạng gương mặt hiện đã được thương mại hóa và được cảnh sát Mỹ dùng để tìm tội phạm. Thế nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy thuật toán đằng sau công nghệ này từng nhận diện sai nhiều vụ, dẫn tới bắt bớ sai người. Cứ tưởng tượng người ta dùng AI để quét các gương mặt hành khách tại cổng vào một sân bay lớn; cứ nghĩ nó đúng trong hầu hết trường hợp, nhưng chỉ cần trong 1.000 khách, nó nhận diện sai 10 người – 10.000 khách, sai 100 người. Sẽ có 100 người bị giữ lại, trễ chuyến bay, bị tra hỏi vô cớ - tất cả chỉ vì con AI “gần hoàn hảo”!

Cãi không lại em bé AI

AI sai sót cũng là chuyện tạm thời chấp nhận được đi nhưng vấn đề nằm ở chỗ hiện nay nhiều nơi dựa vào AI để giao tiếp với khách hàng như Amazon, Facebook, YouTube và từ đó khách phải chịu đựng sự bướng bỉnh của các AI này. Ví dụ khi đội bóng Washington Redskins đổi tên vì từ “Redskin” được xem là phỉ báng thổ dân da đỏ, AI của Amazon nhanh chóng cập nhật tình hình và… bất kỳ cuốn sách nào tựa đề có từ “Redskin” đều bị lột bỏ mặc dù chúng được viết trước khi đội bóng này mang tên khác. Mọi nỗ lực của các tác giả khiếu nại với Amazon đều bị con AI bác bỏ cho đến khi báo chí biết chuyện, đưa tin, nhân viên Amazon mới biết sự tình và sửa sai.

Tuần trước chính YouTube công bố trong sáu tháng đầu năm có đến 2,2 triệu vụ “đánh bản quyền” các video trên YouTube sau đó bị kiện là do AI “đánh sai”. Dù 2,2 triệu vụ chỉ chiếm 1% trong 729 triệu vụ được xem là vi phạm bản quyền, 99% là xuất phát từ “Content ID” - một công cụ AI của YouTube chuyên rà soát xem ai vi phạm bản quyền - nhưng “thông minh” gì mà để sai cả mấy triệu lần trong một thời gian ngắn!

Danny Caine là chủ một tiệm sách ở Mỹ năm 2019 từng viết thư cho Jeff Bezos, ông chủ Amazon để nói: “việc kinh doanh sách của ngài đã hạ thấp giá trị của sách”. Ông đang viết một cuốn sách về đề tài này với tựa đề ông đưa lên Twitter: “Amazon là xấu”. Điều buồn cười là AI của Amazon thấy hai từ “Amazon” đi liền với “bad” bèn đáp trả cũng trên Twitter: “Chúng tôi rất tiếc vì trải nghiệm của ông. Ông có thể cung cấp thêm chi tiết vấn đề ông gặp phải được chăng. Chúng tôi có mặt ở đây để hỗ trợ bằng bất kỳ cách nào có thể được”. Như thể ông Caine mua phải một cuốn sách in bị nhòe!

Nhiều người châu Á kể khi họ vào trang web điền đơn xin hộ chiếu tự động, đến khâu tự chụp ảnh, tự tải lên trang web, họ không thể nào vượt qua vì chương trình cứ báo lỗi: “Ảnh bạn chụp không đạt yêu cầu của chúng tôi vì mắt đang nhắm”. Lỗi này do máy không phân biệt nổi người mắt híp và người đang nhắm mắt!

Thiên hạ kháo nhau hàng đống câu chuyện AI gây những lỗi buồn cười như ở khách sạn Henn-Na tại Nhật dùng robot và trí tuệ nhân tạo để phục vụ khách nhưng đành sớm bỏ cuộc. Một chú robot phục vụ trong phòng cứ chờ khách ngủ, ngáy to là đánh thức khách dậy, hỏi: “Xin lỗi ông nói gì tôi nghe không rõ. Vui lòng nhắc lại yêu cầu”. Alexa, chiếc loa thông minh của Amazon nhanh nhẩu đặt mua búp bê cho một đứa bé 6 tuổi, ngẫu nhiên ra lệnh cho loa. Điều đáng nói là khi TV đưa mẩu tin này như một chuyện lạ bốn phương, hàng chục loa ở nhiều gia đình nghe câu tường thuật trên TV lại tưởng được lệnh mua búp bê nên liên tục đặt hàng! Một đội bóng Scotland dùng AI để camera tự động quay bằng cách theo dấu trái bóng; khốn nỗi camera lại bám sát cái đầu hói của ông trọng tài nên cuối cùng khán giả đề xuất nên cấp cho trọng tài cái mũ lưỡi trai che cái đầu hói cho AI khỏi nhầm.

Năm 2016 Microsoft giới thiệu phần mềm tán gẫu thông minh “Tay”; chỉ một thời gian ngắn sau khi bị thiên hạ cài cắm, chọc tức, “Tay” phán toàn những câu động trời như “Hitler nói đúng”; “Vụ khủng bố 11/9 là do chính phủ Mỹ dàn cảnh”… Microsoft đành gỡ bỏ chú AI này sau vỏn vẹn 16 giờ. Năm 2018 phần mềm nhận diện gương mặt “Rekognition” của Amazon khi cho nhận diện 28 nghị sĩ Mỹ đã nhanh chóng xác định danh tính của họ là… 28 tội phạm có đầy đủ hồ sơ.

Nhiều người nói, thôi kệ AI chưa hoàn chỉnh thì đành chịu với lại nó đâu ảnh hưởng gì đến tôi vì tôi đâu tiếp xúc với AI. AI hiện ở quanh mình mà chúng ta chưa nhận ra đó thôi. Một biên tập viên dù non kém đến đâu cũng không bày mâm bát như Google News, toàn đưa các bản tin giật gân, câu khách lên đầu. Bạn chỉ cần tìm “đồng hồ thông minh” một lần thôi, sau đó bản tin tự động của Google News sẽ có nhiều tin “đồng hồ thông minh” dù bạn đã hết quan tâm đến nó. AI như Google News hay YouTube là môi trường thuận lợi để tin giả, tin hở hang, tin về mọi ngóc ngách của giới showbiz nhảy vào máy của bạn.

Nhiều chuyên gia nay phải thừa nhận khó lòng xây dựng một AI thông minh thật sự. AI có thể đánh cờ giỏi hơn người, đọc phim chẩn bệnh giỏi hơn bác sĩ, tự lái xe, biết viết sách… nhưng AI không hiểu được mối quan hệ nhân quả nên không bao giờ tự suy luận ra điều gì có ý nghĩa. Quan trọng nhất, AI không bao giờ kết hợp được giữa “lý” và “tình”, lại luôn có một tỷ lệ sai sót nhất định. Giao cho AI quản lý các mối quan hệ xã hội lâu nay là sự tương tác giữa người với người là một sai lầm nên tránh. Nỗi sợ bị phạt như Next Media là chuyện quá viễn tưởng, không thể để nó lan ra nhiều lãnh vực khác

 

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...